dxs-1-16263281686391871895150-0-0-1200-1920-crop-1626328187913-63761954015633-1626606263.jpg
Lễ đánh cồng chào sàn của cổ phiếu DXS. (Ảnh: Đất Xanh Services)

Ngày 15/7, hơn 358,2 triệu cổ phiếu DXS của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services) chính thức được giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với giá tham chiếu 32.000 đồng/cp, bằng giá chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) diễn ra vào cuối tháng 4/2020.

Mặc dù được nhận định là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh môi giới bất động sản nhưng DXS không có được khởi đầu thuận lợi tại HNX khi giảm về 30.000 đồng/cp sau 2 phiên giao dịch. 

Trước đó, toàn bộ gần 71,7 triệu cổ phiếu DXS đã được chào bán thành công với mức giá 32.000 đồng/cổ phiếu tại đợt IPO vừa qua. Trong đó, có hơn 35,83 triệu cổ phiếu do cổ đông hiện hữu chào bán và hơn 35,83 triệu cổ phiếu phát hành mới. Với mức giá hiện tại, nhà đầu tư tham gia IPO tạm lỗ 6,3% sau gần 3 tháng chôn vốn.

Diễn biến của DXS trong hai phiên vừa qua phần nào cho thấy phản ứng tiêu cực của nhà đầu tư khi trước đó ông Lương Trí Thìn – Chủ tịch công ty đã bán sạch hơn 39 triệu cổ phiếu DXS do mình nắm giữ. Cùng với ông Lương Trí Thìn, 4 thành viên HĐQT khác của Dat Xanh Services đều không sở hữu cá nhân cổ phiếu DXS.

Trước khi IPO, Dat Xanh Services đã tổ chức buổi Roadshow để quảng bá rầm rộ về vị thế trong lĩnh vực môi giới bất động sản. Tại đây, lãnh đạo công ty khẳng định thương vụ niêm yết DXS sẽ là "bom tấn" với mức giá chào sàn dự kiến là 4x (trên 40.000 đồng/cp). 

Đến khi HOSE đề nghị công ty xem xét giá giao dịch dự kiến niêm yết là giá thanh toán cổ phiếu tại đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng gần nhất, Dat Xanh Services tiếp tục khẳng định giá chào sàn 32.000 đồng/cp chưa thực sự phản ánh hết được giá trị nội tại cũng như triển vọng doanh nghiệp trong tương lai và mong nhà đầu tư thông cảm.

Những chia sẻ về giá cổ phiếu của lãnh đạo Dat Xanh Services làm gợi nhớ đến những lời khuyến nghị tương tự của không ít lãnh đạo doanh nghiệp.

Trong quá khứ, ông Trịnh Văn Quyết từng nhiều khẳng định sẽ đưa FLC về mệnh giá, nếu không sẽ… xin phá sản. Gần nhất, tại buổi tọa đàm giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu FHH của Công ty FLC Homes vào cuối năm 2019, ông Quyết nói: "Tôi khẳng định sẽ không để cổ phiếu FLC dưới mệnh giá trong năm 2020. Giá cổ phiếu FLC sẽ gấp nhiều lần mức hiện tại. Không được 10 lần thì ít nhất phải gấp 5 lần, 7 lần, 8 lần".

Cũng tại sự kiện này, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đã tuyên bố: “Nếu FLC không về mệnh giá, cổ phiếu của FLC Homes và Bamboo Airways không trên "ba chữ số", tôi sẽ xin phá sản, thương hiệu FLC vứt đi!”.

Mặc dù khẳng định ‘’chắc nịch’’ nhưng đến cuối năm 2020, thị giá FLC vẫn ngụp lặn tại vùng hơn 4.000 – 5.000 đồng/cp khiến cho lời tuyên bố của vị chủ tịch này cho đến nay vẫn thường xuyên được các nhà đầu tư chứng khoán nhắc lại.

Tuy nhiên, ông Quyết không phải là lãnh đạo doanh nghiệp duy nhất đưa ra lời hứa liên quan tới giá cổ phiếu. Tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2021, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư LDG cho rằng với 7.000 đồng/cp thì giá cổ phiếu LDG rất thấp so với giá trị công ty và thời gian dài chưa có sự tăng trưởng. 

"Đây là điều cá nhân tôi và ban lãnh đạo công ty rất đau đáu. Chúng tôi đã có kế hoạch cho nửa cuối năm, đưa thị giá cổ phiếu LDG quay lại mệnh giá. Dự kiến, giai đoạn đó rơi vào tháng 10/2021’’, vị chủ tịch này chia sẻ.

Hiện, cổ phiếu LDG đang dao động quanh vùng giá 6.200 đồng. Do đó, cổ phiếu này cần tăng hơn 60% trong hơn 2 tháng tới để đạt được kỳ vọng như ông Hưng nhận định.

Trước đó, ông Hưng cũng có nhiều nhận định về giá cổ phiếu. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, ông Hưng cho rằng: "Là một công ty niêm yết, đương nhiên cổ phiếu LDG được tự do mua bán trên thị trường, không hạn chế ai mua với mục đích đầu tư, ai mua với mục đích đầu cơ, lướt sóng,… Với vai trò cổ đông lớn cũng như người đứng đầu LDG, tôi mong muốn nhà đầu tư đến với cổ phiếu LDG với mục đích đầu tư. Đối với câu hỏi khi nào cổ phiếu LDG sẽ tăng, tôi không thể trả lời được bởi ngay chính bản thân tôi cũng bị call margin."

Trong tháng 5, Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành Mai Hữu Tín gây xôn xao bởi những phát ngôn liên quan đến mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Đặc biệt là lời hứa đưa cổ phiếu TTF trở về mệnh giá 10.000 đồng/cp trong thời gian ngắn nhất.

‘’Tôi là cổ đông lớn nhất và nếu tôi không tạo ra được giá trị cho tôi thì cũng không làm được giá trị cho cổ đông khác...Tôi bỏ thời gian công sức để làm với TTF không phải để chịu mức giá cổ phiếu thấp như hiện nay. Một khi chúng ta thoát được nợ xấu thì sẽ chơi một cuộc chơi hoàn toàn khác.”, ông Tín cho biết tại ĐHCĐ thường niên 2021.

‘’Tôi cam kết quý vị cổ phiếu TTF sẽ vượt 10.000 đồng/cổ phiếu sớm thôi. Tôi bỏ vô hơn 100 tỷ đồng trong đợt phát hành riêng lẻ này, mong quý vị cùng đi theo tôi làm chuyện đó”, ông Tín khuyên các cổ đông về đợt phát hành 59,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Tuy nhiên, trong danh sách 19 nhà đầu tư đăng ký mua mà TTF vừa công bố, không có tên vị chủ tịch này.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã: ITA), ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc – em trai  bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT của Tân Tạo, đã đưa ra nhận định cho rằng giá cổ phiếu của ITA trong tương lai chỉ lên, không thể xuống.

Thậm chí, ông Tâm nói ITA nhiều khả năng sẽ tăng trở lại bằng đúng mệnh giá (10.000 đồng/cp) ngay trong năm 2017 và tuyên bố sẽ mua vào cổ phiếu ITA. Tuy nhiên, sau 3 năm, cổ phiếu ITA vẫn đang giao dịch ở vùng giá 6.000 – 7.000 đồng và chưa bao giờ trở lại mệnh giá.

Hiện nay, chưa có bất kỳ quy định nào liên quan đến phát ngôn về giá cổ phiếu của các lãnh đạo doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc người đứng đầu công ty có kỳ vọng tốt về giá cổ phiếu cũng là điều bình thường nếu đứng trên phương diện quản trị. 

Mặt khác, giá cổ phiếu chịu chi phối từ nhiều yếu tố, có những trường hợp phải nhờ vào ‘’thiên thời, địa lợi, nhân hòa’’ mới đạt được mục tiêu.

Như FLC, phải sang đầu năm 2021, thị giá cổ phiếu này mới vượt mệnh giá như cam kết của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết sau hàng loạt phiên tăng trần không rõ nguyên nhân. Hay cổ phiếu FIT, tại ĐHĐCĐ năm 2017 của công ty này, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh Nguyệt khẳng định ít nhất FIT phải đạt 15.600 đồng/cp. Đến cuối năm 2020 và đầu năm nay, FIT đã đạt được mức giá trên, thậm chí có lúc tăng lên 21.750 đồng/cp. Trước đó, FIT đã liên tục lao dốc trong giai đoạn 2018 – 2019, xuống vùng 2.500 đồng/cp.

Ngược lại, trường hợp giá cố phiếu không diễn biến theo dự đoán và cam kết của người đứng đầu có thể khiến uy tín cá nhân và uy tín của chính doanh nghiệp đó bị ảnh hưởng.