unnamed-2-4710-1606524647-1633785115.jpg
 

3. Làm chủ công nghệ lõi và Big Data

Tháng 6/2020 thế giới ầm ỹ với chuyện Tổng thống Mỹ D.Trump ký sắc lệnh sẽ cấm Tiktok nếu công ty mẹ của nó là ByteDance của Trung Quốc không bán TikTok khu vực Mỹ cho doanh nghiệp Mỹ trong vòng 45 ngày. MXH 1 tỷ người dùng này tăng trưởng rất nhanh và Tiktok khu vực Mỹ, Canada, Úc và New Zealand được định giá $20-$30 tỷ. Người Trung Quốc đàm phán hết với Microsoft, Walmart rồi Oracle và bắt đầu cả cuộc chiến pháp lý… tìm cách câu giờ.

Tuy nhiên có một giao dịch khác lớn và quan trọng hơn nhiều thì diễn ra thuận buồm xuôi gió và được các bên cố ý ỉm đi: Nvidia của Mỹ với giá 40 tỷ USD đã mua lại từ SoftBank nhà phát triển bộ vi xử lý ARM, công ty công nghệ châu Âu cuối cùng có trụ sở tại Cambridge của nước Anh thành lập năm 1990. Có khi nào ông Trump làm ầm ĩ vụ Tiktok để che lấp vụ này chăng? Nếu vậy ông Trump cũng thâm ra phết chứ chả thường!

ARM là ai?

Doanh nghiệp này không tự sản xuất chip mà làm việc mang tính lõi hơn: nghiên cứu, phát triển, kiến ​​trúc và thiết kế các bộ vi xử lý rồi bán chúng cho các công ty bán dẫn chế tạo chip. Các loại điện thoại, TV thông minh, hệ thống sinh trắc học, máy tính, máy tính xách tay và máy tính bảng… đều sử dụng sản phẩm của ARM. ARM tuyên bố 95% điện thoại thông minh cao cấp trên thế giới sử dụng thiết kế cung cấp bởi ARM. Apple và siêu máy tính mạnh nhất thế giới Fugaku của Nhật Bản sử dụng chip dựa trên kiến trúc của ARM. Bằng giao dịch này Mỹ trở thành độc quyền nắm giữ công nghệ chip mạnh có thể thực hiện xử lý IoT và Big Data. Mọi nhà sản xuất chip trên thế giới từ nay phải thở qua lỗ mũi của Mỹ. Một nước đi cực kỳ cao tay của Mỹ nhằm chặn từ nguồn để toàn bộ công nghệ chip của Trung Quốc phải phụ thuộc vào Mỹ.

Tất nhiên người Trung Quốc hiểu bản chất những chuyện này: TikTok là Big Data và ARM là công nghệ lõi trong xử lý Big Data, Trí tuệ nhân tạo - AI và Internet vạn vật - IoT. Mà ai có Big Data và xử lý được nó người ấy sở hữu thế giới.

sgdg-1633785115.jpg
 

Trung Quốc sợ chậm chân phải uống nước đục. Họ bắt đầu lo ngại thực sự. Có 3 quan ngại lớn liên quan đến công nghệ:

a. Phụ thuộc vào công nghệ lõi của các quốc gia khác (nhất là Mỹ) để rồi có chuyện xảy ra như với Huawei và sau đó Covid đã làm ông Tập không còn tin vào “chuỗi cung ứng toàn cầu” và “toàn cầu hoá” nữa (BTW: ông Putin cũng nghĩ vậy nhưng là 5-7 năm trước). Không gì khó chịu với Trung Quốc hơn phải chơi theo luật chơi của người khác.

b. Với sự xuất hiện các công ty công nghệ tư nhân dường như Chính quyền Trung Quốc mất độc quyền kiểm soát dữ liệu công dân: Internet, mobile phone và mạng xã hội cho phép người dân và doanh nghiệp kết nối ngang hàng bỏ qua các nền tảng hạ tầng nhà nước. Các giao dịch thanh toán, các apps giao tiếp, trò chơi giải trí điện tử dường như biến khỏi tầm kiểm soát của nhà nước. Mà mất kiểm soát là mất quyền lực.

c. Nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại sau nhiều thập kỷ tăng trưởng bùng nổ. Nhiều vấn đề liên quan đến hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản và nguồn lao động đang già nhanh và giá hết rẻ. Bao nhiêu chuyện đau đầu thế mà đám đại gia công nghệ dám không chỉ sống khỏe với tài nguyên Big Data mà còn phát triển như vũ bão, lấn sân sang dịch vụ tài chính và trở thành một sức mạnh đầy quyền lực của xã hội. Đó không chỉ là chuyện khoảng cách giàu nghèo tăng cao nữa rồi mà là sự thách thức quyền lực.

Chính quyền Trung Quốc lập tức tìm giải pháp.

a. Trước hết là không để các công ty công nghệ sở hữu Big Data của Trung Quốc, nắm công nghệ lõi… bị phương Tây thâu tóm.

Đợt IPO của Ant Group, công ty con của gã khổng lồ công nghệ Alibaba, bị chặn. Didi một ứng dụng gọi xe, đã bị trừng phạt vì định đi tắt niêm yết cổ phiếu của mình ở Mỹ và hiện trong nước thì bị thanh tra phạt vạ còn ở Mỹ cũng đang bị phiền phức do không niêm yết được… vỡ cả mặt!

Trung Quốc đồng thời bóp nghẹt các hình thức niêm yết ở nước ngoài hay niêm yết trá hình ở nước ngoài của các đại gia công nghệ thông qua sử dụng ADRs (American Depositary Receipts) và nhất là thông qua các công ty vỏ bọc - Shell Companies- vẫn gọi là VEI (Variable Interest Engities) của các công ty công nghệ Trung Quốc. Phi vụ Tiktok bị Trung Quốc chống kịch liệt và kết quả là đã chìm xuồng với sự đăng quang của ông Biden.

Nhưng đó mới là 1/3 vấn đề.

b. Song song với việc tự lực nghiên cứu phát triển công nghệ lõi, ông Tập dưới khẩu hiệu “Cộng đồng phú dụ” bắt đầu tấn công và thâu tóm các nguồn lực công nghệ tư nhân Trung Quốc.

Tất nhiên ông Tập bảo rằng lời kêu gọi của ông không có nghĩa là "giết người giàu để giúp đỡ người nghèo" hay ”cướp của người giàu chia cho người nghèo”. Chỉ là kêu gọi những người "làm giàu trước" giúp đỡ những người đi sau. Thế thôi!

Không giúp thì làm sao? Không thấy ông công khai. Chỉ biết ngay sau đó các ông chủ công nghệ đã mở hầu bao: $5 tỷ làm “từ thiện” đầu tiên từ 7 ông lớn hầu như đều là tỷ phú công nghệ. Tencent và Alibaba ngay lập tức cùng hứa mỗi công ty sẽ chi $15.5 tỷ trong vòng 5 năm. Nhưng đó mới là bắt đầu.

Hiện các ông chủ công nghệ đang đau đầu: không biết phải “giúp” bao nhiêu và bao lâu cho đủ. Nghe vỉa hè Thiên An Môn đồn là 1/3, thu nhập hay tài sản gì đó! Hàng năm.

Nhưng điều ấy vẫn không làm ông Tập vui.

Ấy là người dân Trung Quốc khá “kỳ cục”: ông Tập hứa hẹn chăm lo cho họ “cùng giàu” để đổi lấy quyền truy cập vào quyền riêng tư của họ mà họ lại thờ ơ không thích thú chia sẻ với Chính phủ lắm.

Ví dụ Trung Quốc có một ứng dụng của Chính phủ được quảng bá như một biện pháp bảo vệ người Trung Quốc bình thường khỏi những kẻ lừa đảo nước ngoài và yêu cầu người dân phải cài vào điện thoại. Nếu không cài không thể đăng ký cho trẻ em đi học, thuê nhà hoặc làm việc cho nhà nước. Mỗi bất tiện là nó đòi cấp 29 quyền truy cập trực tiếp vào nhật ký cuộc gọi, tin nhắn, lướt web và mọi thứ khác.

Chả hiểu sao (?) một số trong những người cài đã được mời đến uống trà với cơ quan an ninh - để thảo luận chẳng hạn như về việc tại sao họ đọc tin tức tài chính ở trang web nước ngoài.

Có lẽ đó là lý do chăng?

Nên “chỉ” 200 triệu người chịu cài app này.

Trong khi đó cả tỷ người Trung Quốc nhiệt tình cài các app giao tiếp, mua sắm, đặt đồ ăn, gọi taxi, thanh toán, trò chơi và giải trí… của các đại gia công nghệ và vô tư chia sẻ các dữ liệu cá nhân cho họ. Mà hội này thì không nhiệt tình chia sẻ Big Data với Chính phủ cho lắm.

Ông Tập rất không thích.

Đầu tiên là cuộc điều tra chống độc quyền đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đối với Alibaba của Jack Ma. Phạt 2,8 tỷ USD. Tiếp theo là Meituan- dịch vụ giao đồ ăn lớn nhất nước.

Chưa hết.

Luật bảo vệ dữ liệu và thông tin mới được thông qua cấm xuất dữ liệu người tiêu dùng mà không có sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước và buộc các công ty phải giữ kín thông tin “nhạy cảm” (thế nào là nhạy cảm thì tuỳ hỉ). Điều này có nghĩa là các công ty buộc phải xây dựng trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc và không thể chuyển dữ liệu người dùng đi đâu. Các khái niệm bị cấm đoán toàn định tính, mơ hồ và như lưỡi gươm treo lơ lửng trên đầu các công ty công nghệ: họ có thể bị trừng phạt bất kể lúc nào vì bất kỳ hoạt động nào.

Chưa xong.

Trung Quốc buộc Jack Ma phải tách mảng cho vay khỏi Ant Group hiện đang có hơn 1 tỷ khách hàng. App thanh toán Alipay sẽ vẫn thuộc về Ant. Nhưng Huabei, đơn vị cấp dịch vụ tương tự như thẻ tín dụng truyền thống và Jiebei, đơn vị cung cấp các khoản vay tiêu dùng nhỏ không có bảo đảm - hai mảnh kinh doanh béo bở sẽ được tách ra khỏi Ant thành công ty riêng. Ant Group sẽ sở hữu 35% cổ phần công ty này và phát hành cho Tập đoàn Đầu tư Du lịch Chiết Giang 35% cổ phần, Tập đoàn Đầu tư và Tài chính Hàng Châu cùng với Cảng Điện tử Chiết Giang mỗi công ty trên 5% - các đơn vị này tuy chả biết gì về xếp hạng tín dụng hay cho vay tiêu dùng nhưng được cái là đáp ứng yêu cầu quan trọng của ông Tập: doanh nghiệp nhà nước. Cổ đông mới duy nhất không phải là DNNN là Transfar Group nắm giữ 7% được các nguồn tin không chính thức nói là của một số quan chức.

Đó là 1/3 vấn đề tiếp theo.

c. Đòn bồi là cuối tháng 4/2021 Trung Quốc đã cấm WeChat, Tencent, Didi và JD..com cung cấp các sản phẩm bảo hiểm, cho vay cũng như các dịch vụ tài chính ngoài dịch vụ thanh toán, nhằm triệt tiêu tham vọng của các đại gia công nghệ trở thành các tài phiệt tài chính, là điều họ hoàn toàn có thể trở thành. Với thanh toán thì đã có tiền mã hoá: các sàn giao dịch tiền mã hoá đã bị cấm, thay vào đó là đồng CBDC của PBoC để kiểm soát các giao dịch thanh toán.

Đó là 1/3 vấn đề cuối.

Điều gì sẽ diễn ra tiếp?

Chính phủ Trung Quốc sẽ không mất công phát triển các ứng dụng mới làm gì. Đang có sẵn đầy ra đấy.

Khả năng cao là trong thời gian sắp tới các ông lớn công nghệ của Trung Quốc cách này hay cách khác, giống như Ant, sẽ bị các DNNN hay nhà nước kiểm soát… tức bị quốc hữu hoá về bản chất. Phải “Cùng giàu” chứ!

Nhà nước Trung Quốc cần nắm giữ công nghệ lõi và Big Data dân cư.

Và “Cùng giàu” chính là để nhắm vào nhóm đại gia công nghệ.

Với các đại gia BĐS đã có 3 tiêu chí đỏ để kìm chế và có cách chia sẻ khác.

Các ông chủ khác tạm thời chưa bị động vào.

Trung Quốc vốn bậc thầy trong chỉ chó mắng mèo mà!

4. Xây dựng văn hoá mới:

Ông Mao Trạch Đông trước khi làm Cách mạng Văn hoá đã tập dượt để kiểm tra quyền lực bằng chiến dịch giết chim sẻ.

Ngày hôm nay ông Tập đã có Covid để thử không cần chim sẻ nữa.

Việc tiếp theo là chấn chỉnh văn hoá. Tất nhiên văn hoá nhưng không chỉ văn hoá: là sự khẳng định quyền lực, dẹp bỏ các hình thức tư duy ngược chiều và dập tắt tư tưởng đối lập.

Trung Quốc có đến 800 triệu người trẻ sử dụng Internet phục vụ giải trí nơi Pop Music trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Giới trẻ bị ảnh hưởng văn hoá phương Tây, tôn thờ các idol không chỉ là người Trung Quốc. Hình thành các Fan Club quy mô rất lớn và tôn thờ idol như thánh.

Điều này không thể được ông Tập chấp nhận.

Làm sao một đất có nhiều thánh được!!!

Các giá trị văn hoá mới sẽ được thiết lập.

Nghệ sỹ được chọn trước vì làm gì với họ cũng sẽ lan tỏa rất rộng. Tính biểu tượng sẽ cao. Việc “phong sát” các nghệ sỹ nổi tiếng mới là bước đầu.

Các idol theo mẫu phi giới tính sẽ bị phong sát tiếp theo. Hình mẫu nam phải nam tính và là người nổi tiếng, yêu nước.

Các diễn viên và khách mời trong các bộ phim, gameshow cần phải có tư cách đạo đức tốt, nhận thức chính trị đúng đắn và trình độ nghệ thuật cao, được xã hội đánh giá phù hợp. Ai đánh giá thì biết rồi!

Các Fan Club cách này hay cách khác sẽ bị hạn chế và ngăn chặn, thu hẹp.

Chơi game có hại cho trẻ em, vì vậy nó sẽ bị hạn chế nghiêm ngặt.

Người Trung Quốc đang già đi vì vậy cần khuyến khích sinh nở và gia đình hạnh phúc là nhiều hơn 1 con. Tốt nhất là 2-3 con.

Các công cụ tìm kiếm được yêu cầu điều chỉnh thuật toán để khi search luôn đưa ra các gợi ý hướng tới giá trị bền vững và năng lượng tích cực.

Bước tiếp theo sẽ là giáo dục. Hiện Trung Quốc hạn chế ngặt dạy thêm và cấm các tổ chức nước ngoài tài trợ các chương trình dạy ngoại khoá.

Cần giáo dục tư duy “chuẩn mực”. Trước mắt nội dung cuốn sách "Những tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình" sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy phổ thông bắt buộc từ năm học mới.

Trung Quốc cần có văn hoá của riêng mình.

Nền văn hoá để phục vụ mục tiêu chính trị của Trung Quốc, tức là của ông Tập.

5. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Điểm yếu chết người của Trung Quốc là hệ thống tiền tệ. Hệ thống ngân hàng có lúc được ví như quả bom nổ chậm.

Trong khi ấy quy mô hệ thống ngân hàng Trung Quốc rất lớn và là nguồn cấp vốn chính cho nền kinh tế. Theo số liệu tổng hợp cuối năm 2020 các NHTM Trung Quốc có: Tổng tài sản hơn $49 ngàn tỷ, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng $40 ngàn tỷ đạt mức 280% GDP, GDP $14,7 ngàn tỷ.

(Số liệu để đối chiếu của Mỹ: Tổng tài sản gần $21 ngàn tỷ, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng $15 ngàn tỷ đạt mức 70% GDP, GDP $21 ngàn tỷ -theo FRED. Chỉ bằng 1/2 của Trung Quốc).

Hệ thống tiền tệ Trung Quốc ngoài NHTW PBoC có gần 5.000 tổ chức tín dụng các loại bao gồm: 6 Ngân hàng Quốc doanh (chiếm 46% thị phần), 12 NHTMCP hoạt động toàn quốc (20%), gần 200 ngân hàng đô thị (16%) và khoảng 1.400 ngân hàng nông thôn cùng 3.000 hợp tác xã tín dụng (16% thị phần). Ngân hàng và tổ chức tín dụng nước ngoài chỉ chiếm dưới 2% thị phần.

Top 4 ngân hàng lớn nhất thế giới theo tổng tài sản đều của Trung Quốc. Top 10 thì Trung Quốc có 5.

Hệ thống ngân hàng to như vậy, nhưng bên trong của nó thì rất bất ổn.

Các vấn đề chính của hệ thống ngân hàng Trung Quốc đều nghiêm trọng:

a. Quản trị và quản lý lạc hậu theo kiểu cũ, phân tán. Mỗi chi nhánh như 1 ngân hàng độc lập. Quản lý, vì vậy, rất kém.

b. Quan hệ mật thiết với và chịu sự chỉ đạo chặt chẽ của chính quyền địa phương. Nhân sự, định hướng hoạt động do Đảng ủy địa phương quyết.

c. Chủ yếu cho vay doanh nghiệp nhà nước. Phê duyệt tín dụng theo chỉ đạo của Đảng uỷ. Chỉ khoảng 3-5% nhu cầu doanh nghiệp nhỏ tiếp cận được hệ thống ngân hàng.

d. Chất lượng tài sản và tín dụng là đại vấn đề. Thông tin chính thức nợ xấu chỉ 1,8-1.9% nhưng các nhà phân tích cho rằng nợ xấu phải nằm ở mức 10%- 25% tổng dư nợ tuỳ thời điểm. Trước đây, đầu những năm 2000, có lúc dự báo NPLs lên 40%-45% ở các NHQD lớn. Ấy là chưa kể nợ đã chuyển AMCs.

e. Shadow banks: là hệ thống cho vay ngoài hệ thống ngân hàng và hầu như không chịu sự quản lý nhà nước. 95% nhu cầu doanh nghiệp nhỏ, do không thể tiếp cận với các khoản vay ngân hàng, đang sử dụng dịch vụ của Shadow banks tại Trung Quốc. Đây là điều kiện thuận lợi để Shadow banks bùng nổ mạnh mẽ, đạt doanh số khoảng 8,3 nghìn tỷ USD tương đương với 60% GDP của Trung Quốc năm 2019. Điều đặc biệt của hệ thống Shadow Bank Trung Quốc là chính các NHTM cũng tích cực tham gia hệ thống này để né các quy định hạn chế cho vay của nhà nước. Hệ thống Shadow banks cực kỳ rủi ro và cộng sinh với hệ thống NHTM là một vấn đề rất lớn chưa có lời giải của hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

f. Chế độ tài chính kế toán và kiểm toán lạc hậu, khá xa chuẩn mực quốc tế. Do vậy số liệu không minh bạch và không tin cậy.

g. Hiệu quả thấp: ROA hệ thống ngân hàng Trung Quốc chính thức chỉ 0.8%-0.9%, ROE khoảng trên 12%. Tương đối thấp. Lợi nhuận ngân hàng là chỉ số quan trọng trong quản lý rủi ro. ROA/ROE thấp thể hiện khả năng chống đỡ khủng hoàng rất kém.

h. Hệ thống 12 Ngân hàng TMCP toàn quốc và gần 200 ngân hàng TMCP đô thị tuy thị phần nhỏ nhưng quy mô không nhỏ và nếu có vấn đề thì không hề nhỏ. Ngân hàng nhỏ nhưng có thể gây hậu quả lớn! PBoC gần đây đã phải vài lần ra tay.

i. Trung Quốc gia nhập WTO 2001 và phải cam kết mở cửa hệ thống ngân hàng. Mặc dù vậy họ vẫn tìm cách trì hoãn, bảo hộ tối đa. Các ngân hàng nước ngoài bị gây khó dễ nhằm hạn chế họ mở chi nhánh, không cấp giấy phép hay mua cổ phần ngân hàng nội địa. Cách gây khó rất nhiều và phong phú: yêu cầu đầu tiên là kinh doanh hiệu quả và không có vi phạm đáng kể. Thế nào là kinh doanh hiệu quả và vi phạm nào không đáng kể không có tiêu chí rõ ràng nên chứng minh điều ấy cũng tương tự như chứng minh bánh mỳ là thực phẩm hay rút tiền ngân hàng là hoạt động thiết yếu… với ai đó!

Chính việc đóng cửa ấy làm quá trình cải tổ hệ thống ngân hàng Trung Quốc diễn ra rất chậm, dù nó cách ly Trung Quốc khỏi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Hệ thống ngân hàng lớn thế nhưng lỗi hệ thống tiềm ẩn khủng khiếp như vậy rõ ràng đang chứa đựng rủi ro cực cao. Càng để lâu càng phình ra càng nguy hiểm.

Nếu là bom giờ nó phải là bom nhiệt hạch!

Nhận thức được việc ấy đã từ lâu Trung Quốc đã tìm cách bắt tay vào tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng bằng 3 chương trình.

Thứ nhất là nâng cao sức mạnh tài chính: nâng vốn cấp 1 (Chính phủ liên tục bơm vốn cho các NHQD) và vốn cấp 2, xử lý nợ xấu, thắt chặt tiêu chí nợ xấu, thành lập các công ty AMC (tiếp nhận lượng nợ xấu đến 25% GDP) v.v.

Thứ hai là giảm tải cho hệ thống ngân hàng thương mại bằng cách hướng kênh tiền tiết kiệm sang cần sản phẩm tài chính khác như bảo hiểm, hưu trí, quỹ, chứng khoán… đồng thời hướng tiền vay qua kênh thị trường Vốn và vay tiêu dùng. Năm 2020 này Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế sở hữu nước ngoài tại các công ty chứng khoán, bảo hiểm và quản lý quỹ nhằm nhanh chóng tự do hoá các thị trường này.

Thứ ba: từ năm 2005 bắt đầu thay đổi mô hình tổ chức các NHTM thành mô hình công ty cổ phần và bắt đầu gọi vốn cổ đông chiến lược nước ngoài cho Big Four - 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất- Bank of China (BOC), Industrial and Commercial Bank of China (ICBC), Agricultural Bank of China (ABC), China Construction Bank (CCB).

Mặc dù vậy trên thực tế việc tái cơ cấu Quản trị Điều hành chưa diễn ra. Những việc đã làm gọi là cải thiện hay vôi ve thì đúng hơn: chủ yếu là hình thức nên chưa hiệu quả.

Lý do chính vì chưa ai dám động vào vấn đề cốt lõi: Quản trị, điều hành và hiện đại hoá.

Điều ấy có lý do của nó.

Thứ nhất bởi hệ thống ngân hàng quá lớn và kinh tế quá phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Động vào nó mà làm tê liệt hệ thống tiền tệ… thì chuyện sẽ rất to.

Thứ hai do thị trường tiền tệ và thị trường bất động sản Trung Quốc quá cộng sinh. Các nhà phát triển đang vay $2,8 ngàn tỷ (20%GDP), BĐS và các ngành công nghiệp phụ trợ góp 30% GDP. Chưa kể rất nhiều người dân đầu tư các khoản tiền tiết kiệm vào bất động sản: họ góp 50% đến 100% giá trị các ngôi nhà xây dựng dở dang và hình thành trong tương lai. Động vào ngân hàng là động vào BĐS và ngược lại. Cả 2 cùng có vấn đề thì đại họa sẽ mang tên khủng hoảng và bất ổn xã hội.

Thứ ba ngân sách hoạt động của chính quyền các địa phương không là các thành phố lớn phụ thuộc nhiều vào việc bán đất và thu từ bất động sản. Mà thị trường này phát triển nhờ hệ thống ngân hàng hà hơi giúp sức. Hệ thống ngân hàng ở đâu thì lại do địa phương đó chỉ đạo. Vòng tròn khép kín.

Không thể coi thường quyền lợi của các lãnh chúa địa phương được.

Vì vậy nên cho đến lúc này kể cả ông Tập cũng chưa dám mạnh tay sắp xếp lại “bếp núc” của hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Có thể dự báo các bước cải tổ hệ thống ngân hàng tiếp theo của ông Tập sẽ là:

a. Tiếp tục đóng cửa ngành ngân hàng trên thực tế. Các chương trình “vôi ve” vẫn tiếp tục duy trì để ổn định hệ thống. Từng bước thu nhỏ sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các ngân hàng thương mại hiện nay. Thị phần các NHQD từ 60% cách đây nhiều năm giảm xuống dưới 50% là thuận lợi bước đầu. Nhưng cần giảm quy mô so với GDP.

b. Đẩy mạnh CBDC (tiền mã hoá) của PBoC như một công cụ bên cạnh hệ thống NHTM, nhân cơ hội đó biến các app thanh toán của các đại gia công nghệ thành culi cho CBDC… một công đôi việc. Đây chính là lý do đầu tiên ông Tập phản đối tiền mã hoá kịch liệt, sau lại ủng hộ nó. Và bây giờ sau khi cấm giao dịch tiền mã hoá đã giao cho PBoC triển khai CBDC rầm rộ như một công cụ chống lại sự độc quyền của USD và dùng cho thanh toán phân tán mà PBoC vẫn kiểm soát được. Nếu thành công đây sẽ là thắng lợi kép của ông Tập.

c. Mọi thứ khác sẽ giữ nguyên và thay đổi từ từ, cải tổ công tác Quản trị - Điều hành làm cuối cùng. Kể cả Shadow Banks cũng sẽ tạm thời giữ nguyên để tránh đổ vỡ chỉ không cho phình quá to và dẹp từ từ: dẹp lúc nào chả được. Tóm lại sẽ làm theo sơ đồ: Biến chuyện to thành chuyện vừa, biến chuyện vừa thành chuyện nhỏ, biến chuyện nhỏ thành không có gì… Khi đã thành chuyện nhỏ mới động vào Quản trị - Điều hành. Mọi chuyện không nhanh được.

Hệ thống ngân hàng sẽ còn là điều làm ông Tập đau đầu.

May cho ông Tập là hệ thống tiền tệ với các tay to là Ngân hàng nhà nước ông Tập khiển được. Nhà nước là ông chứ là ai.

Tài phiệt tài chính tư nhân thì Trung Quốc không có ai ngoài Jack Ma với Ant thì ông đã xử. Hội công nghệ khác định làm tài chính thì ông đã cấm.

Tài phiệt công nghệ đã có chương trình “Cùng giàu” trị rồi.

Còn hội tài phiệt Bất động sản nữa thôi. Đúng lúc ấy lòi ra Evergrande.

(Còn tiếp)

Tác giả: Lý Xuân Hải