doanh-nghiep-cong-nghe-trung-quoc-1629881921.jpg
 

Hôm trước mình đi ăn tối với Noah Smith, chuyên gia kinh tế viết opinion column cho Bloomberg. Anh kể bài anh mới viết về việc tại sao Trung Quốc gần đây tập trung vào phá huỷ các công ty công nghệ của họ, bắt đầu từ việc ngăn chặn Ant Financial đi đến IPO, phạt Alibaba hàng tỉ USD tội độc quyền, rồi nhắm đến Didi, Tencent, Baidu, ByteDance (công ty đứng sau Tiktok).

Một ý anh nói mình thấy khá thú vị, đó là Trung Quốc có lẽ không tấn công ngành công nghệ, mà chỉ tấn công những công ty công nghệ cung cấp ứng dụng cho người tiêu dùng. Theo anh, các nước phương Tây đánh đồng Amazon, Facebook, Snap với công nghệ. Nhưng rất có thể, Trung Quốc coi các ứng dụng Internet đó là phù phiếm. Chat chit, mạng xã hội, mua sắm online, … giúp người dùng giải trí nhưng không phải là đột phá công nghệ thực sự.

Trung Quốc vẫn tiếp tục ủng hộ các công ty công nghệ như Huawei cũng như đầu tư một khoản khổng lồ vào semiconductor và trí tuệ nhân tạo.

Các ứng dụng “phù phiếm” tạo ra lợi nhuận cao hiện nay, nhưng rất có thể về lâu dài, chúng sẽ gây hại nhiều hơn lợi. Càng nhiều nhân lực tập trung vào các ứng dụng “phù phiếm”, càng ít nhân lực tập trung vào các chuyên ngành công nghệ thực sự quan trọng cho lợi ích quốc gia.

Hầu hết những lợi nhuận của các công ty công nghệ tiêu dùng đến từ việc bán quảng cáo. 80% doanh thu của Google (147 tỉ USD) đến từ quảng cáo. 97.9% doanh thu của Facebook đến từ quảng cáo. Việc này khiến cho các ty công nghệ Mỹ chú trọng vào việc thu hút nhân tài để tìm cách làm quảng cáo trúng mục đích hơn.

Buổi nói chuyện với anh làm mình nhớ đến một câu nói khá nổi tiếng của Jeff Hammerbacher, một trong những nhân viên đầu tiên của Facebook và là nhà sáng lập của Cloudera: “Những bộ não sáng giá nhất của thế hệ tôi đang nghĩ cách làm thế nào để khiến người dùng click vào ad.”

Đây là ý kiến cá nhân của Noah, mình cũng chưa hiểu rõ để có ý kiến của chính mình. Bạn nghĩ sao về việc này?