Tạm dịch sang tiếng Việt: “QUY TẮC VÀNG CỦA ĐÀM PHÁN VÀ THÀNH CÔNG: NGƯỜI CÓ VÀNG LÀ NGƯỜI ĐỊNH LUẬT. CẢM ƠN BẠN!”

Rất nhiều nhà đầu tư, cho rằng Gold trong câu nói trên là Vàng. Theo họ, ông Trump nói ai cầm Vàng là người đó thắng.

Trong bối cảnh thuế quan Mỹ treo lơ lửng, kinh tế có nguy cơ sụt giảm, chứng khoán rớt nên họ đua nhau mua Vàng và vì thế góp phần làm cho giá vàng tăng.

Hình trái là các bài viết trên một số trang tài chính, các sàn giao dịch, nói rõ Vàng thế giới tăng mạnh ngay sau câu nói của ông Trump.

trump-vo-tinh-day-gia-vang-len-qua-mot-cau-phat-bieu-1745418485.jpg

Nhưng thật ra Gold trong câu nói của ông Trump không phải là Vàng thật, cũng không phải là Vàng ảo (tài khoản) mà là một thứ quý giá, một giá trị mà đối tác cần.

Giải thích:

Trong bối cảnh đàm phán và kinh doanh, câu “He who has the gold makes the rules” (Ai có vàng thì người đó đặt luật.) phản ánh một sự thật phổ biến:

Quyền lực thuộc về người có tài sản, có nguồn lực (gold).

- Người có tiền là người có quyền quyết định.

- Trong đàm phán, người nào nắm giữ tài sản, vốn, hoặc quyền kiểm soát tài nguyên sẽ có ưu thế hơn, có thể áp đặt điều kiện chơi.

Ví dụ thực tế

- Nhà đầu tư và startup: Nhà đầu tư có tiền, nên họ có thể đặt điều kiện, yêu cầu cổ phần, quyền kiểm soát. Startup muốn có vốn thì phải “chơi theo luật của người có tiền”.

Dĩ nhiên nếu Startup quá xịn, nhiều nhà đầu tư dòm ngó thì Startup là người có có Vàng và có quyền chọn và yêu sách nhà đầu tư.

Tôi đã đề cập, giảng giải quy tắc Vàng (Golden Rule) này nhiều lần trong bài "Định giá Doanh nghiệp, Định giá Startup" trong các lớp CEO, IPO.

- Ngân hàng và người vay: Ngân hàng có tiền, có thể đặt điều kiện cho vay – lãi suất, thế chấp, kỳ hạn… Ai cần vay thì phải tuân theo.

Dĩ nhiên, nếu người vay có tài sản thế chấp ngon lành, có dự án tốt, có dòng tiền ngon, thì họ đang nắm Vàng. Các Ngân hàng phải ve vãn họ.

- Doanh nghiệp lớn và nhà cung cấp nhỏ: Tập đoàn lớn đặt hàng, trả tiền, nên thường họ có thể ép giá hoặc yêu cầu điều kiện ưu đãi.

Ngược lại, nếu nhà cung cấp có những món hàng độc đáo, không nhà cung cấp nào có thì lúc đó họ cầm vàng, và quyết định cuộc đàm phán.

Nói tóm lại, trong đàm phán, bên nào có thứ mà bên kia cần hơn, thì bên đó nắm Vàng và đặt luật chơi.

Trở lại với ý của bài viết ông Trump.

Tôi nghĩ rằng, ông Trump đang nói với các nước, các đoàn đàm phán, các đối tác rằng: ông Trump có thị trường Mỹ rất lớn, ai cũng muốn nhập vào, nên ông là người nắm vàng, và là người đặt luật chơi.

Chứ ông Trump không kêu nhà nhà người người đi mua vàng nhé.

(Chú Ba nói nhiều lần: Vàng là 1 tài sản trú ẩn, tăng giá trong dài hạn. Đầu tư đều đặn vào vàng 10% - 15% thu nhập vào vàng, mua theo kiểu trung bình giá và nắm dài hạn là rất ổn.

Nhưng giá vàng cũng biến động lên xuống, vì thế chúng ta tránh kiểu mua vàng theo kiểu tất tay, một phát ăn ngay. Ai mua Vàng ngày 20/4, 21/4 thì nay đã bị lỗ tạm thời).

Lại trở về chuyện của Trump. Ông nghĩ rằng ông nắm Vàng ròng và đặt cuộc chơi.

Thế nhưng Trung quốc, châu Âu cũng có Vàng của họ. Thậm chí Việt Nam cũng có Vàng của VN.

Vấn đề là Vàng Mỹ có thắng thế hoàn toàn để đặt luật chơi một chiều, hay cũng phải nhượng qua nhượng lại với các nước.

www.facebook.com/LamMinhChanh/posts

Theo Lâm Minh Chánh