“Giờ em mới hiểu tôn trọng sự khác biệt là phải tôn trọng với đúng người có năng lực sàng lọc từ đầu.Hoặc tôn trọng sự khác biệt nhưng vẫn dựa trên sự phản biện gay gắt của ít nhất 3 người trở lên cho cùng 1 sự việc. Và tôn trọng sự khác biệt cũng cần phải biểu quyết. Trong khi nhiều cuốn sách, nhiều khoá học và nhiều người giỏi truyền cảm hứng chia sẻ điều này không gãy gọn khiến đôi khi tôn trọng sự khác biệt tích cực quá lại trở thành lệch lạc và dẫn tới quá trời tổn thất mà nếu cứ tin tưởng vào sự khác biệt lại thành ra toi.” Đây là tâm sự gan ruột của một lãnh đạo trẻ về khái niệm “Tôn trọng sự khác biệt”.
Tôn trọng sự khác biệt hiểu thế nào cho đúng? Tôn trọng khác biệt nhưng không phải tất cả mọi sự khác biệt. Tất nhiên anh có giá trị cốt lõi cá nhân anh, tôi có giá trị cốt lõi cá nhân tôi. Chúng ta tôn trọng sự khác biệt này. Nhưng chúng ta không thể đi cùng nhau trên chuyến xe nếu chúng ta khác nhau về hệ giá trị cốt lõi chung của tổ chức. Nguyên tắc hành xử tôn trọng của cá nhân của tôi là trong mọi vấn đề, tôi thường sẵn sàng thoả hiệp 95%, 5% còn lại như vùng bất khả xâm phạm, không bao giờ thoả hiệp. Trong cuộc sống và công việc không nhất thiết khi nào cũng truy đến tận. Biết để đấy được rồi. Nhưng nhất định tôi sẽ tới bến nếu chạm vào 5% core values niềm tin cá nhân của tôi. Và đây cũng là cách tôi thể hiện sự tôn trọng. Tôn trọng sự khác biệt về giá trị tôi theo đuổi.
Quay lại đề tài thảo luận của bài viết này: hiểu đúng. Hiểu đúng về giá trị cốt lõi tôn trọng sự khác biệt ở trên chỉ là một ví dụ nhỏ. Hiểu đúng quan trọng đối với quá trình nhận thức và học tập với bất kỳ ai, bất kỳ lĩnh vực nào. Chúng ta cảm thấy bế tắc, khó nói chuyện với ai đó về cuộc sống, về công việc vì hai bên đang “hiểu khác nhau” về một vấn đề. Đây là lý do tôi thường dừng tranh luận về bất cứ đề tài nào khi nhận ra rằng người đối diện đang đứng ở hệ tham chiếu rất khác mình về vấn đề cả hai đang nói chuyện. Nỗ lực thay đổi quan niệm, cách suy nghĩ của ai đó thường dẫn đến thất bại nếu chỉ dùng lý lẽ thiếu đi cùng trải nghiệm. Một người học bơi mãi mãi không thể bơi nếu không xuống nước.
Đối với các lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, hiểu đúng là điều kiện tiên quyết đầu tiên để làm đúng. Hiểu đúng là một hành trình dài, không phải sau một đêm đọc một cuốn sách hay, gặp ai đó nhận một lời khuyên là có thể tự nhận mình hiểu đúng ngay được. Để hiểu đúng phải làm, phải thử không một lần, mà nhiều lần, thậm chí rất nhiều lần. Có những vấn đề quản trị, chúng ta đã nghe rất nhiều tưởng đơn giản, nhưng hoá ra để hiểu đúng bản chất, phải sống cùng với nó. Lên bờ xuống ruộng với nó. Nhiều lần và đủ lâu. Có đi cùng nhau, trải qua xung đột (tự nhiên) đủ nhiều, mới có thể nhận ra sự khác biệt nào có thể dung hoà, khác biệt nào không thể thoả hiệp. Và kèm theo đó là rèn luyện ý thức về năng lực thấu cảm. Một phẩm chất tuyệt vời.
Tôn trọng sự khác biệt. Không chỉ đơn thuần là câu chuyện về khác biệt. Để thực hiện đúng, cần hiểu đúng, hiểu đủ và không thể thiếu sự thấu cảm. Vì văn hoá doanh nghiệp là phạm trù liên quan đến con người, một sinh vật cấp cao nhưng thực chất cực kỳ dễ tổn thương và phi logic. Do vậy, lãnh đạo cần thấu tình đi cùng đạt lý mới gọi là quản trị đúng nghĩa.
When dealing with people, remember you are not dealing with creatures of logic, but creature of emotion (Dale Carnegie, CEO Excellence)
BrandSon