Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát hay còn gọi bằng cái tên Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Hiệp Phát - THP Group. Khởi đầu chỉ là một cái phân xưởng nước giải khát Bến Thành, chuyên sản xuất các loại nước giải khát, nước có ga, và bia. Được thành lập vào ngày 15 tháng 10 năm 1994, có trụ sở chính đặt tại Thuận An - Bình Dương.
Sau gần 30 năm hoạt động, Tân Hiệp Phát đang là một trong những nhà sản xuất và cung cấp Hàng Tiêu Dùng Nhanh (FMCG) hàng đầu tại Việt Nam, chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nước giải khát đóng chai tại Việt Nam. Tân Hiệp Phát cung cấp các sản phẩm như trà xanh, nước tăng lực, trà thảo mộc, trà bí đỏ, sữa đậu nành, nước tinh khiết và nước tập thể dục.
Các sản phẩm thực phẩm và nước giải khát đóng chai của Tân Hiệp Phát được phân phối đến khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam và xuất khẩu sang 16 quốc gia trên thế giới. Theo kết quả do Vietnam Report công bố, trong Top 10 doanh nghiệp có đồ uống uy tín năm 2022 thì Tân Hiệp Phát đang chiếm vị trí Top 2.
Tân Hiệp Phát đã thay đổi đăng ký kinh doanh tới 43 lần, lần gần nhất với số vốn điều lệ là 276 tỷ đồng được thay đổi vào ngày 10/10/2022. Thông tin này được Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết.
Trong đó, bà Phạm Thị Nụ đang là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 54,493% vốn điều lệ, khoảng 150,4 tỷ đồng. Tiếp đến là con gái bà Nụ đang nắm giữ chức vị Phó Tổng giám đốc Trần Uyên Phương nắm giữ 29,384% vốn điều lệ, khoảng 81,1 tỷ đồng và cô con gái còn lại của bà Nụ đang giữ chức vị Giám đốc Trần Ngọc Bích nắm giữ 16,123% vốn điều lệ, khoảng 44,5 tỷ đồng.
Hiện tại, người đại diện theo pháp luật của công ty này là Tổng Giám đốc Riddle David Charles, vừa được công bố ngay trong ngày công ty này xảy ra lùm xùm: Ông Trần Quí Thanh và hai cô con gái Uyên Phương, Ngọc Bích bị bắt.
Ông Trần Quí Thanh sinh năm 1953, ông tốt nghiệp Đại học Bách khoa, chuyên ngành Cơ khí. Sau đó, ông lấy bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Nam California (Mỹ). Năm 1994, ông cùng vợ mình là bà Phạm Thị Nụ lập nên nhà máy nước giải khát, cũng là Tân Hiệp Phát hiện nay.
Trần Uyên Phương - con gái ông Thanh, bắt đầu làm việc tại Tân Hiệp Phát từ năm 2004, đã giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn. Trần Uyên Phương từng tham gia Tổ chức Chủ tịch trẻ - YPO (Young Presidents Organization); giữ chức Lãnh sự danh dự Cộng hòa Sudan tại TP.HCM trong nhiệm kỳ 08/2018 - 07/2019. Trần Uyên Phương chịu trách nhiệm về đối ngoại, quan hệ công chúng, cũng như khâu marketing sản phẩm, cùng với các chương trình CSR trên toàn quốc. Trần Uyên Phương còn chịu trách nhiệm quản lý tại 16 quốc gia về các sản phẩm tiếp thị của Tân Hiệp Phát.
Trần Ngọc Bích - con gái thứ 2 của ông Thanh, đã đảm nhiệm vị trí Giám đốc Công ty Number One Hà Nam, đồng thời là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Cô tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý tài chính - Đại học Manchester tại Anh. Với những đóng góp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội, bà đã nhận được bằng khen của Bộ Công Thương, bằng khen của tỉnh Hà Nam và Bình Dương, bằng khen của Bộ Công Thương, bằng khen của Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam,…
Chương trình Người kế vị do Channel NewsAsia thực hiện năm 2018 tiết lộ, công ty này có khoảng 4.000 nhân viên và tạo ra doanh thu khoảng 500 triệu USD mỗi năm, hướng tới mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD trong vài năm tới. Ông Thanh đặt mục tiêu doanh thu lên đến 3 tỷ USD vào năm 2030.
Ngoài sáng lập và điều hành Tân Hiệp Phát, ông Trần Quí Thanh còn đảm nhận nhiều vai trò trong lĩnh vực bất động sản. Với 478.482 cổ phiếu được ông Thanh giữ, vào tháng 6/2017, ông Thanh đã thành công gia nhập vào HĐQT của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn.
Ban đầu chỉ là những ấp ủ dự định, đến năm 2018 ông Trần Quí Thanh mới tiết lộ chính thức đầu tư vào ngành bất động sản. Cũng trong năm này, ông Thanh trở thành ủy viên ban chấp hành Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM với chức danh phó chủ tịch.
Năm 2019, riêng nhà máy Bình Dương đã mang về khoản lãi khủng cho Tân Hiệp Phát. Cụ thể, công ty vận hành nhà máy này ghi nhận doanh thu 5.850,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.554,4 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận ròng 26,57%.
Năm 2019, doanh thu của công ty Number One Hà Nam đạt 1.998,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 784,4 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận đạt 39,2%.
Thu về khoản lợi nhuận lên đến nghìn tỷ đồng mỗi năm và phần lớn được chia cho gia đình ông Thanh. Điều này đồng nghĩa với việc ông chủ Tân Hiệp Phát đang sở hữu một “núi tiền” khổng lồ và không ngoa khi đánh giá các thành viên trong gia đình này là những người sẵn sàng chi tiêu nhất Việt Nam.
Bà Trần Ngọc Bích cũng đã chi hàng trăm tỷ đồng để tham gia đấu giá đất có vị trí đắc địa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vào tháng 12/2022, trong buổi đấu giá 4 lô “đất vàng” tại Thủ Thiêm đã ghi nhận sự tham gia của nhà sáng lập Tân Hiệp Phát - ông Trần Quí Thanh.
Ông chủ Tân Hiệp Phát cũng đã thành lập Công ty TNHH Mua bán nợ VNAMC vào tháng 3/2018. VNAMC có vốn đăng ký ban đầu 100 tỷ đồng, được chia đều cho 2 cổ đông sáng lập là 2 cô con gái của gia đình Tân Hiệp Phát, trong đó bà Bích là đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc. Ngoài ra, Tân Hiệp Phát cũng đã trở thành đối tác chiến lược của CTCP Tập đoàn Yeah1 - YEG.
Tháng 2/2020, bà Trần Uyên Phương đã mua vào số lượng lớn cổ phiếu YEG, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên đáng kể từ 2,26% lên 21,61% vốn cổ phần. Chỉ 1 năm sau đó, tình hình kinh doanh của YEG gặp nhiều khó khăn, buộc bà Phương phải bán phần lớn cổ phiếu của mình đang nắm giữ, số cổ phiếu còn lại khiến bà không còn là cổ đông lớn của YEG nữa.
Năm 2019, tổng lợi nhuận trước thuế của Tân Hiệp Phát gần bằng tổng lợi nhuận của 2 ông lớn trong ngành FDI là Pepsi và Coca - Cola cộng lại, Tân Hiệp Phát đạt 3.300 tỷ đồng, còn 2 ông lớn cộng lại cũng chỉ đạt 3.700 tỷ đồng. Năm 2020, Tập đoàn Tân Hiệp Phát lãi sau thuế hơn 2.600 tỷ đồng, Suntory Pepsico lãi 2.400 tỷ đồng và Coca-Cola lãi 839 tỷ đồng.