Theo số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước công bố, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9, lên mức kỷ lục hơn 6,449 triệu tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay.

Trong số đó, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng khá mạnh, với 217.000 tỷ đồng, lên 6,23 triệu tỷ đồng. Trong tháng 9, tiền gửi của dân cư cũng chỉ tăng 16.000 tỷ đồng, các ngân hàng thu hút hơn 6,449 triệu tỷ đồng. Ngoài ra, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trong tháng 9 cũng giảm xuống 8,53% từ mức 8,7% của tháng 8.

Việc người dân và doanh nghiệp gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi sẽ không có gì đáng để nói nếu như lãi suất huy động ở mức cao. Tuy nhiên, việc này lại xảy ra khi lãi suất tiền gửi tại nhiều ngân hàng đã rơi về mức thấp chưa từng thấy sau khi liên tục giảm thời gian qua.

Có hơn 20 ngân hàng như LPBank, DongABank, SCB, Vietcombank… đã tiếp tục giảm thêm lãi suất trong tháng 11. Lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng các kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ mức 2,6 - 4,75%/năm, trong đó rất ít nhà băng áp dụng mức lãi trần huy động cho phép ở 4,75%/năm.

Theo báo tài chính quý 3/2023 của các ngân hàng, tiền gửi của khách hàng tập trung chủ yếu ở các ngân hàng Big4. BIDV giữ vị trí đầu bảng với hơn 1,58 triệu tỉ đồng tiền gửi khách hàng. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn hiện đang chiếm tỉ trọng khoảng 84% với hơn 59.000 tỉ đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, kinh tế thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế trong nước. Các kênh đầu tư bất động sản, vàng có nhiều rủi ro, nhất là thị trường bất động sản gần như đóng băng.

Do vậy, để đảm bảo tài sản, người dân chọn gửi tiền vào ngân hàng. Đây được xem là kênh giữ tiền an toàn và sinh lợi dù lãi suất tiền gửi liên tục giảm kể từ tháng 3 trở lại đây.

Về cho vay, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 24/10, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,81% so với cuối năm 2022, trong đó từ tháng 5 trở lại đây đã tăng nhanh hơn; tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.

Nói về triển vọng của ngành ngân hàng, ông Trần Tánh, Phó phòng Phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, vấn đề chính của ngành ngân hàng năm nay là chất lượng tài sản, đây cũng là yếu tố có tính quyết định đối với lợi nhuận quý 3 và cả năm 2023. Quý 3 năm nay, nợ xấu ngân hàng ở mức khá cao song sẽ giảm dần từ quý 4/2023, từ đó sẽ kéo giảm trích lập dự phòng của nhiều ngân hàng.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng đã có dấu hiệu khởi sắc, lên mức gần 7% vào cuối tháng 9/2023 từ mức 5,73% ngày 20/9/2023. Một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là giải ngân đầu tư công tăng mạnh, do đó, nếu tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn tích cực trong 3 tháng cuối năm nay thì lượng vốn tín dụng đối ứng đổ ra nền kinh tế sẽ tăng. Điều này có thể mang lại kết quả tích cực cho lợi nhuận ngành ngân hàng.

Về triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng năm 2024, ông Tánh cho rằng, "khả năng cao là Fed sẽ không tăng lãi suất nữa và diễn biến kinh tế thế giới sẽ tích cực hơn, từ đó tác động thuận lợi đến kinh tế trong nước. Vì vậy, nhiều khả năng hoạt động của ngành ngân hàng sẽ tích cực hơn trong năm 2024".