Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước có hai lần tăng lãi suất vào ngày 23/9/2022 và 25/10/2022. Theo đó, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại các các ngân hàng thương mại tăng 100 điểm cơ bản/lần và tăng từ 4%/năm lên 6%/năm. Lãi suất các kỳ hạn trên 6 tháng tại nhiều ngân hàng vượt trên mốc 9%/năm.

Lãi suất huy động tăng cao đã thu hút dòng tiền “chảy” vào ngân hàng rất mạnh trong những tháng cuối năm 2022. Theo báo cáo tài chính hợp nhất của 27 ngân hàng niêm yết, chỉ tiêu tiền gửi của khách hàng tại thời điểm 31/12/2022 đạt 8.289.854 tỷ đồng, tăng 800.773 tỷ đồng, tương đương 10,69% so với thời điểm 1/1/2022.

Tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 304.379 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm nhưng tăng đến 496.394 tỷ đồng trong quý 4/2022. Tiền gửi của khách hàng trong quý 4 tăng 6,37%.

fb-img-1675581054945-1675581108.jpg
 

Hàng loạt ngân hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh trên 10% như KienlongBank tăng 23,61%; MSB tăng 22,41%; TPBank tăng 19,83%; MB tăng 17,62%, Viet Capital Bank tăng 15,54%... Tuy nhiên, Sacombank là ngân hàng duy nhất có tiền gửi khách hàng giảm 0,69%.

Xét về giá trị tuyệt đối, MB là ngân hàng thu hút tiền gửi của khách hàng nhiều nhất với 66.460 tỷ đồng trong quý 4/2022. Các vị trí tiếp theo là VietinBank (59.458 tỷ đồng); BIDV (59.391 tỷ đồng); Vietcombank (46.318 tỷ đồng); Techcombank (39.485 tỷ đồng)…

Trong năm 2022, tiền gửi của khách hàng tăng 10,69% và quán quân thuộc về TPBank với tỷ lệ tăng trưởng 39,69%. Các ngân hàng xếp các vị trí tiếp theo thuộc về VPBank (tăng 25,35%), ABBank (24%), MSB (23,78%); LienVietPostBank (19,76%), HDBank (17,74%)… Tăng trưởng thấp nhất thuộc về Kienlongbank chỉ 1,55%.

Xét về giá trị tuyệt đối, 3 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn của Nhà nước là Vietcombank, BIDV, VietinBank đã thu hút tiền gửi của khách hàng nhiều nhất với giá trị lần lượt là 108.145 tỷ đồng; 93.203 tỷ đồng và 87.384 tỷ đồng.

fb-img-1675581052319-1675581109.jpg
 

Các vị trí tiếp theo là VPBank (61.314 tỷ đồng); MB (58.913 tỷ đồng); TPBank (55.398 tỷ đồng), Techcombank (43.651 tỷ đồng); LienVietPostBank (35.615 tỷ đồng).

Tại thời điểm 31/12/2022, tiền gửi của khách hàng tại 3 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn của Nhà nước có giá trị 3.942.117 tỷ đồng, chiếm đến 46,2% thị phần của 27 ngân hàng niêm yết. Dẫn đầu thuộc về BIDV với giá trị 1.473.605 tỷ đồng; VietinBank có 1.249.181 tỷ đồng và Vietcombank có 1.243.468 tỷ đồng.

Sacombank tiếp tục là ngân hàng tư nhân có tiền gửi của khách hàng lớn nhất với 454.740 tỷ đồng nhưng vị trí quán quân của Sacombank có thể mất trong thời gian sắp tới khi các vị trí tiếp theo đang tiệm cận. Đó là MB (443.606 tỷ đồng); ACB (413.953 tỷ đồng).

Saigonbank tiếp tục là ngân hàng có giá trị tiền gửi của khách hàng thấp nhất, chỉ vỏn vẹn 20.499 tỷ đồng.