lai-suat-ngan-hang-c-1674904534.jpg
Lãi suất ngân hàng hôm nay. Đồ hoạ: Trà My

Gửi tiền tiết kiệm phải "mặc cả" để được lãi suất tốt

Cùng một ngân hàng nhưng tuỳ chi nhánh và phòng giao dịch, mức lãi suất áp dụng khác nhau. Gần đây, nhiều người có tiền đã “rỉ tai” nhau những “mối quen” trong ngân hàng để gửi lãi suất cao hơn. Chiều 27.1, trong vai một khách hàng có 1 tỉ đồng cần gửi tiết kiệm, phóng viên đi tìm ngân hàng có lãi suất cao nhất thị trường.

Tại PVcomBank (quận Cầu Giấy, Hà Nội), mức lãi suất cao nhất giao dịch viên chào mời lên tới 12,8% cho kỳ hạn 15 tháng. Để được hưởng mức lãi suất cao chót vót này, ngoài số tiền gửi lớn, khách hàng còn được chào mời mua kèm gói bảo hiểm Prudential. Theo đó, nếu gửi 1 tỉ đồng mua kèm gói bảo hiểm 20 triệu đồng thì khách hàng được cộng thêm 2% lãi suất từ 10,8% lên 12,8%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất ngân hàng chào mời hiện ở mức 10,5%/năm.

NCB niêm yết công khai lãi suất cao nhất lên tới 9,35%. Tuy nhiên, nếu số tiền gửi lớn, mức lãi suất cao nhất có thể lên tới Ảnh: Hương Nguyễn
NCB niêm yết công khai lãi suất cao nhất lên tới 9,35%. Tuy nhiên, nếu số tiền gửi lớn, mức lãi suất cao nhất có thể lên tới  11,1%. Ảnh: Hương Nguyễn

Tại NCB (quận Cầu Giấy, Hà Nội), lãi suất cao nhất lên tới 11,1% cho kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất niêm yết công khai tại quầy là 9,4%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng “rỉ tai” khách hàng: “Nếu chị gửi 1 tỉ đồng, mua kèm gói bảo hiểm trong 1 năm thì lãi suất lên tới 10,9%/năm. Nếu chị mở tài khoản số đẹp tại NCB và để số tiền trị giá 0,2% tổng số tiền chị muốn gửi tiết kiệm (tương đương 20 triệu đồng) trong vòng 6 tháng không rút thì sẽ cộng thêm 0,2% lãi suất. Như vậy, mức lãi suất cao nhất cộng dồn các chương trình là 11,1%/năm”.

GPBank hiện niêm yết công khai lãi suất cao nhất lên tới 10%. Ảnh: Hương Nguyễn
GPBank hiện niêm yết công khai lãi suất cao nhất lên tới 10%. Ảnh: Hương Nguyễn

Tại GPBank (quận Cầu Giấy, Hà Nội), lãi suất chào mời lên tới 10%. Nhân viên GPBank cho biết: “Mức lãi cao nhất công khai chỉ 9,6%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, nếu chị gửi tiền trên 200 triệu đồng thì em sẽ trình trường hợp đặc biệt để hội sở xét duyệt mức lãi suất ưu đãi 10%”. 

Giữa tháng 12.2022, khi cuộc đua lãi suất huy động liên tục nóng, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức cuộc họp kêu gọi các ngân hàng đã có sự đồng thuận hạ mức lãi suất huy động không quá 9,5%/năm.

Thậm chí vào ngày 15.12.2022, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo lãi suất tiền gửi và cho vay của các giao dịch phát sinh mới trong kỳ báo cáo hàng tuần cho Vụ Chính sách tiền tệ, thuộc Ngân hàng Nhà nước. Mục đích của yêu cầu này, theo Ngân hàng Nhà nước, là để phục vụ việc quản lý hoạt động ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ.

Để không bị Ngân hàng Nhà nước “tuýt còi”, nhiều ngân hàng đã “đổi chiến thuật” để hút tiền gửi của người dân. Thay vì niêm yết công khai trên website, một số ngân hàng “đi đêm” lãi suất để chào mời các khách hàng VIP.

Xu hướng lãi suất tăng sẽ kéo dài trong năm 2023

Trong 3 tháng qua, mặt bằng lãi suất đã bị đẩy lên mức cao nhất trong vòng 5 năm. Đầu tháng 12.2022, có thời điểm lãi suất huy động đẩy lên mức gần 11% - 12% ở một số ngân hàng. Mặt bằng lãi suất quanh mức 10% -11% ở kỳ hạn 12 tháng trở lên không phải là hiếm.

“Xu hướng lãi suất quốc tế còn tăng, Việt Nam khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới. Việc giảm lãi suất thời gian tới là nỗ lực lớn để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường… Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của ngành ngân hàng” - TS Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cho biết.

Ngân hàng Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong quý I/2023 và giữ nguyên cho đến cuối năm 2024 nhằm duy trì sự ổn định.  

Dự báo này trùng với quan điểm của chuyên gia ngân hàng UOB. Chuyên gia UOB cho rằng, động thái này phù hợp chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ.

Dưới góc nhìn của giới chuyên gia phân tích, quý II sẽ là thời điểm lãi suất bắt đầu hạ nhiệt.

Ông Trần Ngọc Báu - CEO WiGroup - dự báo, lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ quý II/2023 trong bối cảnh lạm phát năm 2023 sẽ chỉ ở mức 3-3,5% thấp hơn mức mục tiêu 4 -4,5% mà Chính phủ đặt ra.

Chuyên gia phân tích của VNDirect cho rằng: “Áp lực lên lãi suất và tỉ giá phần nào sẽ được giải tỏa từ giữa năm 2023".

Chuyên gia FiinGroup cho rằng, lãi suất tiền gửi tiếp tục chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023 do hạn chế thanh khoản trong bối cảnh khủng hoảng niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Thêm vào đó, nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng mạnh để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn cũng như đáp ứng nhu cầu vay tăng cao của nền kinh tế.

Cuối cùng, tăng trưởng tiền gửi đã chậm hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm 2022, do đó các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để thu hút thêm tiền gửi.

Nguồn: Lan Hương/ Báo Lao Động

Mặc cả lãi suất, xuất hiện ngân hàng chào mời mức lãi tới gần 13% (laodong.vn)