Với quy mô 280 ha, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) có tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao/năm. Dự án được triển khai từ quý 1/2022, đến đầu năm 2024 đã đạt trên 50% toàn bộ các hạng mục chính.
Theo báo cáo phân tích vừa công bố của Công ty chứng khoán ACB (ACBS), đến cuối tháng 10, tiến độ xây dựng của Dung Quất 2 của Tập đoàn Hòa Phát đang bám sát kế hoạch đề ra.
Giai đoạn 1 của Dung Quất 2 dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào tháng 12 năm 2024, trong khi giai đoạn 2 cũng dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Giai đoạn 1 sẽ giúp công suất HPG tăng thêm 2,8 triệu tấn HRC, và giai đoạn 2 sẽ thêm 2,8 triệu tấn HRC nữa.
Tổng công suất mới từ Dung Quất 2 sẽ là 5,6 triệu tấn HRC, gần gấp đôi công suất HRC hiện tại của HPG, nâng tổng công suất của HPG lên 8,6 triệu tấn, tương đương khoảng 70% nhu cầu HRC trong nước.Công suất tăng thêm từ Dung Quất 2 dự kiến sẽ đóng góp khoảng 80 - 100.000 tỷ đồng vào doanh thu của HPG (tương đương khoảng 70 - 80% tổng doanh thu của HPG trong năm 2024).
Hiện nay, nhu cầu HRC trong nước đang vượt xa công suất sản xuất trong nước. 9 tháng năm 2024, tổng sản lượng của HPG và Formosa – hai công ty sản xuất được HRC duy nhất tại Việt Nam – chỉ chiếm khoảng 40% nhu cầu trong nước. Đặc biệt, con số này thấp hơn so với các năm trước, do nhu cầu trong nước tăng mạnh trong khi công suất của HPG và Formosa không thay đổi.
Chi phí lãi vay cho Dung Quất 2 được giảm bớt trong năm 2024 nhờ môi trường lãi suất thấp. Tổng nợ của HPG đã tăng khoảng 20% so với đầu năm, đạt 78.700 tỷ đồng vào cuối tháng 9 năm 2024. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 26% so với đầu năm, đạt 24.886 tỷ đồng. Dù vậy, chi phí lãi vay đã giảm xuống còn 2.951 tỷ đồng (giảm 28% so với cùng kỳ) nhờ vào việc lãi suất cho vay trung bình giảm mạnh từ khoảng 8% trong năm 2023 xuống còn 5% trong năm 2024.
Bên cạnh đó, lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện cũng giảm mạnh từ 331,7 tỷ đồng trong quý 3/2023 xuống còn 9,2 tỷ đồng trong quý 3/2024 khi tỷ giá USD/VND giảm dần vào cuối tháng 9/2024.
Công suất HRC tăng thêm từDung Quất 2 sẽ phải cạnh tranh với HRC nhập khẩu. Hiện nay, giá bán bình quân của HRC nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, thấp hơn khoảng từ 10 - 15% so với giá của HPG. Do đó, nhiều nhà sản xuất tôn mạ trong nước ưa chuộng sử dụng HRC nhập khẩu để giảm chi phí đầu vào.
Tuy nhiên, trong quý 1/2024, HPG và Formosa đã đệ trình yêu cầu áp thuế chống bán phá giá đối với HRC lên Bộ Công Thương, nhằm vào HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Mức thuế chống bán phá giá đề xuất lần lượt là 27,83% và 22,27%. Thuế chống bán phá giá này, nếu được áp dụng, sẽ giúp HPG đạt được tỷ lệ sử dụng công suất cao hơn cho công suất HRC tăng thêm và đẩy giá HRC trên thịtrường trong nước cao hơn.
Vào ngày 29/7/2024, Bộ Công Thương đã chính thức bắt đầu cuộc điều tra, với kết quả sơ bộ dự kiến sẽ có vào tháng 11 năm 2024. Theo thông báo của Bộ Công Thương, nếu phát hiện có hành vi vi phạm bán phá giá, thuế chống bán phá giá tạm thời sẽ được áp dụng ngay, trong khi kết quả chính thức dự kiến sẽ được áp dụng vào quý 3/2025.
"Cho năm 2025, chúng tôi kỳ vọng HPG sẽ đạt doanh thu 182.900 tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ) và LNST đạt 14.844 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ).
Yếu tố thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận chính cho năm 2025 là việc mở rộng công suất HRC từ hoạt động của Dung Quất 2 vào quý 1/2025 (dự báo sản lượng HRC đạt 5 triệu tấn trong năm 2025, tương ứng với công suất đạt 85%).
Ngoài ra, việc áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, nếu được thông qua, sẽ hỗ trợ đáng kể cho giá HRC trên thị trường trong nước. Tuy nhiên, theo nguyên tắc thận trọng, chúng tôi chưa phản ánh tác động của thuế chống bán phá giá vào mô hình dự báo của mình", ACBS nhận định.