Bài trước có thể tạo cảm giác cho nhiều bạn hiểu rằng tiền điện tử toàn màu hồng, thực chất thì việc đầu tư, sở hữu, sử dụng tiền điện tử có thể mang lại cơ hội, lợi ích nhưng cũng có thể gây ra thiệt hại cho những người sở hữu chúng, bao gồm cả doanh nghiệp lẫn cá nhân.
Các lợi ích có thể bao gồm:
1) Giao dịch tiền điện tử là một quá trình nhanh chóng và đơn giản.
2) Phí giao dịch rất thấp do cắt bỏ các khâu trung gian như ngân hàng và thị trường trực tuyến.
3) Mọi giao dịch tiền điện tử đều được ghi lại trong một danh sách công khai được gọi là blockchain, công nghệ làm tăng độ tin cậy, tính bảo mật, tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc dữ liệu.
4) Đảm bảo bí mật: Mọi giao dịch được thực hiện chỉ giữa người chuyển và người nhận. Lịch sử tài chính là quyền riêng tư và danh tính được bảo vệ.
5) Bảo mật cao: Khi bạn thực hiện giao dịch bằng tiền điện tử, bạn không thể đảo ngược nó, kỹ thuật mã hóa đáng tin cậy được sử dụng trong suốt quá trình giao dịch tiền điện tử để bảo vệ khỏi tin tặc và giả mạo thông tin.
6) Giao dịch 24/7 (ngày 24h và tuần 7 ngày) chứ không phải 8/5 (ngày 8h và tuần 5 ngày) như chứng khoán.
7) Tiền điện tử được coi là một loại tài sản không mất giá (bitcoin được ví như vàng, ETH được coi là bạc).
08) Là một kênh đầu tư tài chính có khả năng mang lại lợi nhuận tốt.
09) Với chính phủ thì tăng thu thuế từ những nhà đầu tư có lợi nhuận.
Mặt khác, phát triển và phát hành game online, tiền điện tử (cryptocurrency) trên nền công nghệ blockchain là một trong những lĩnh vực kinh tế số có tốc độ tăng trưởng rất cao với hiệu xuất và hiệu quả kinh tế cao, được nhiều quốc gia coi là một ngành kinh tế số đầy tiềm năng, cần khuyến khích phát triển.
Có một số bất lợi và thiệt hại khi sở hữu và sử dụng tiền điện tử:
1) Có thể bị mất ví ảo hoặc xóa tiền tệ do bị trộm từ các trang web lưu trữ tiền điện tử.
2) Giá trị của tiền điện tử có thể lên xuống với biên độ cao, vì vậy một số người không cảm thấy nó là an toàn (thậm chí thua lỗ).
3) Thị trường tiền điện tử không được quản lý và giám sát bởi các cơ quan quản lý tài chính, vì vậy không có cơ sở để bảo vệ các chủ sở hữu.
4) Nếu các công ty hoặc người tiêu dùng chuyển sang một loại tiền điện tử mới hoặc ngừng sử dụng hoàn toàn các loại tiền kỹ thuật số, nó có thể mất giá trị và trở nên vô giá trị.
5) Các sàn giao dịch tiền điện tử rất dễ bị tấn công mạng, điều này có thể dẫn đến tổn thất không thể khắc phục được đối với tài sản của các chủ sở hữu.
6) Tiền điện tử có thể dễ bị lừa đảo, cơ quan chức năng gặp khó khăn khi kiểm soát việc rửa tiền và tài trợ khủng bố (các báo cáo đã tiết lộ rằng năm 2020 tổng số tội phạm liên quan đến tiền điện tử trên toàn cầu có tổng giá trị lên tới 10,52 tỷ đô la. trong đó lừa đảo và gian lận chiếm 67,8% tổng số tội phạm tiền điện tử).
Chính vì tiền điện tử có cả lợi, có cả hại nên là lĩnh vực còn đang gây nhiều tranh cãi, số tỷ phú giàu nhất thế giới ủng hộ cũng nhiều và số tỷ phú phản đối cũng không ít, trong khi Elon Musk và Mark Zuckerburg ủng hộ thì Warren Buffett lại phản đối vì cho rằng tiền điện tử không có giá trị thực và không thể tái sản xuất.
Ở qui mô quốc gia thì số quốc gia công nhận tiền điện tử chiếm đa số, số quốc gia chưa công nhận thì chỉ có 6 quốc gia mà thôi. Ngay trong số các quốc gia công nhận tiền điện tử thì cách công nhận cũng khác nhau, trong khi Mỹ chọn cách lãnh đạo tiền điện tử làm cho nó trong sạch hơn thì Singapore đang tìm cách củng cố để trở thành trung tâm tiền điện tử của Đông Nam Á, là sân chơi chính cho các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển tiền điện tử Châu Á, là môi trường thuận lợi cho những người yêu thích tiền điện tử (bao gồm cả Trung Quốc), đồng thời cũng dần hoàn thiện các qui định để kiểm soát và xử phạt nghiêm khắc các hành vi phạm.
Theo bạn Việt Nam chúng ta nên làm gì với tiền điện tử?
Tác giả: Đỗ Cao Bảo- Phó Chủ tịch HĐQT FPT