Thương hiệu bệnh viện Hoàn Mỹ được bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng thành lập vào năm 1997. Tiền thân là Phòng khám Đa khoa Lý Thường Kiệt nằm tại quận Tân Bình, TPHCM với số vốn hơn 1 tỷ đồng mượn từ bệnh nhân của mình. Tuy nhiên, thời điểm năm 1997 Bộ Y Tế chưa cho phép thành lập phòng khám tư nhân nên dẫn đến việc phòng khám của bác sĩ bị yêu cầu đóng cửa. Nhờ vào nỗ lực cầu cứu khắp nơi của ông Tùng, phòng khám Lý Thường Kiệt tiếp tục được hoạt động trở lại và số lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng. Đến năm 1999, ông Nguyễn Hữu Tùng quyết định thành lập bệnh viện tư nhân đầu tiên mang thương hiệu Hoàn Mỹ tại 124 Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3, TPHCM.
Nhìn vào sự thành công của bệnh viện đầu tiên, bác sĩ Tùng tiếp tục mở rộng mô hình bệnh viện tư nhân ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Nhưng vì không có kiến thức và kinh nghiệm trong việc quản trị việc kinh doanh, đặc biệt là tài chính. Nên thương hiệu bệnh viện Hoàn Mỹ đã lâm vào cảnh nợ nần, buộc ông Tùng phải tìm kiếm nhà đầu tư để tồn tại.
Từ việc đầu tư hợp tác đến bán đi thương hiệu Hoàn Mỹ
Năm 2008, khủng hoảng kinh tế xảy ra khiến cho lãi suất các khoản vay của doanh nghiệp tăng đột biến. Chuỗi bệnh viện Hoàn Mỹ của bác sĩ cũng rơi gặp nhiều khó khăn vì ông không có kiến thức quản trị tài chính. Ông liên tục mở rộng chuỗi bệnh viện bằng vốn vay ngân hàng, dẫn đến việc năm 2008 số tiền vay lên đến 270 tỷ sắp đáo hạn với lãi suất rất cao 22%/năm. Và có một điều đáng chú ý đó là mặc dù số tiền nợ lớn như vậy nhưng ông lại “không còn một xu”. Để có thể vượt qua tình cảnh này ông bắt buộc phải tìm nhà đầu tư cứu sống doanh nghiệp. Đến cuối năm 2009, Hoàn Mỹ đã có được 20 triệu USD để cơ cấu lại nợ từ việc bán 44% cổ phần cho hai quỹ đầu tư VinaCapital và Deutsche Bank.
Bác sĩ, doanh nhân Nguyễn Hữu Tùng - người sáng lập thương hiệu bệnh viện Hoàn Mỹ
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng đã từng nhận rằng đây là thương vụ khiến ông phải “ngậm trái đắng”. Đầu tiên, các nhà đầu tư yêu cầu Hoàn Mỹ phải đạt được mức lợi nhuận theo quy định, nếu không thì công ty phải hoàn lại vốn đầu tư và chịu phạt lãi suất. Thứ hai, họ yêu cầu ông Tùng phải tìm giám đốc điều hành, giám đốc tài chính mới với chi phí lên đến 20 tỷ/năm. Đặc biệt Hoàn Mỹ phải tìm tổ chức tư vấn quản lý của nước ngoài, cụ thể là tập đoàn y tế của Malaysia với giá 2 triệu USD cho 1 năm rưỡi. Việc này khiến cho công ty không thể hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận. Đến lúc này, bác sĩ Tùng chỉ còn cách tìm kiếm đối tác khác thay thế những nhà đầu tư cũ.
Sau khi ông Tùng thông tin muốn bán cổ phần, có đến 5 nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và cuối cùng ông đã chọn Tập đoàn y tế Fortis Healthcare (Ấn Độ). Lý do được chọn bởi vì cho rằng văn hóa của hai đất nước có sự tương đồng với nhau. Năm 2011, Fortis đã chấp nhận chi 64 triệu USD đổi lấy 65% cổ phần của Hoàn Mỹ. Đây cũng là thời điểm bác sĩ, nhà sáng lập thương hiệu bệnh viện Hoàn Mỹ - Nguyễn Hữu Tùng chính thức rời hẳn khỏi công ty của mình. Thương vụ này tưởng đâu là một “cuộc hôn nhân” hoàn hảo. Khi mà hai nhà đầu tư VinaCapital và Deutsche Bank kiếm được lợi nhuận khoảng 22 triệu USD chỉ sau hai năm đầu tư. Còn Hoàn Mỹ thì được quản lý bởi tập đoàn lớn mạnh trong lĩnh vực y tế. Nhưng bất ngờ xảy ra vào năm 2013, Fortis Healthcare đã thông báo nhượng lại tất cả cổ phần đang nắm giữ của Hoàn Mỹ (65%) cho tập đoàn Richard Chandler Corp (Singapore) với giá 80 triệu USD. Sau đó, Richard Chandler lần lượt sở hữu 80% cổ phần vào năm 2013 và 100% cổ phần của Hoàn Mỹ vào năm 2015.
Sau khi “qua tay” nhiều chủ, thương hiệu bệnh viện Hoàn Mỹ kinh doanh ra sao?
Tập đoàn Richard Chandler (nay đã đổi tên thành Clermont Group) liên tục mở rộng quy mô sau khi mua lại thương hiệu bệnh viện Hoàn Mỹ và xây dựng Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ. Chỉ sau 1 năm diễn ra việc mua bán, công ty Hoàn Mỹ thông báo sở hữu 70% cổ phần Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai. Trong năm 2016, chuỗi thương hiệu bệnh viện này cùng lúc sáp nhập hai đơn vị khác nhau vào hệ thống.
Ảnh: The Leader
Tháng 3/2016, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ tổ chức lễ công bô bệnh viện Quốc tế Vinh (Nghệ An) sáp nhập vào hệ thống Hoàn Mỹ. Tiếp đến tháng 10/2016, hai bệnh viện và một phòng khám tư nhân thương hiệu Vạn Phúc (Bình Dương) chính thức là thành viên của công ty. Tiếp tục các thương vụ mua bệnh viện vào đầu năm 2018, Hoàn Mỹ thâu tóm thương hiệu bệnh viện cao cấp Quốc tế Hạnh Phúc - chuyên về chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, công ty còn mua thêm phòng khám Hữu Nghị tại TPHCM.
Theo số liệu báo cáo năm 2018 của CTCP Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn - đơn vị chủ chốt trong hệ thống Tập đoàn Hoàn Mỹ - ghi nhận doanh thu đạt 1.133 tỷ đồng và 346 tỷ lợi nhuận sau thuế. Sang năm 2019 doanh thu tăng trưởng hơn 16% lên 1.322 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 396 tỷ, tăng hơn 14% so với cùng kỳ. Tuy nhiên đến năm 2020 gặp dịch Covid-19 bùng phát, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cũng bị ảnh hưởng do tập trung chống dịch dẫn đến doanh thu giảm 7% chỉ ghi nhận 1.230 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế bằng với mức năm 2018 là 346 tỷ đồng.
Trái ngược với mức lợi nhuận hàng trăm tỷ của Hoàn Mỹ Sài Gòn, một thành viên khác của hệ thống Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ là bệnh viện Quốc tế Vinh liên tục ghi nhận thua lỗ. Theo thông tin tìm hiểu, kể từ thời điểm sáp nhập vào hệ thống năm 2016, bệnh viện này tăng trưởng hơn 90% doanh thu giai đoạn 2016 - 2019 khi ghi nhận lần lượt là 87,4 tỷ đồng và 168,9 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý mặc dù doanh thu tăng nhưng công ty vẫn báo lỗ. Năm 2016 mức thua lỗ lên đến 27,9 tỷ đồng, dần dần giảm cho đến năm 2019 chỉ còn lỗ 0,2 tỷ đồng. Và công ty từng bị Thanh tra của Bộ Y Tế phạt 35 triệu đồng vì vi phạm hoạt động quảng cáo khám chữa bệnh theo Quyết định số 36/QĐ-XPVPHC.
Hiện tại trên hệ thống của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ công bố số lượng đơn vị thành viên bao gồm: 14 bệnh viện và 8 phòng khám.
CAO CHÍ CANG - Vietnam Business Insider