Năm 2021 là năm tồi tệ bởi dịch COVID-19 bùng phát nặng nề, nhiều nhà máy ở TP HCM và các tỉnh công nghiệp phía nam buộc phải đóng cửa, dừng sản xuất 3-4 tháng trời, số doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động tăng cao, số lao động bị thất nghiệp cũng tăng, thế nhưng thật bất ngờ vì số thu ngân sách nhà nước 11 tháng đầu năm 2021 đã đạt 103,4% kế hoạch thu ngân sách cả năm, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020 (ước tính đạt 1 triệu 389 ngàn tỷ đồng).
Với rất nhiều người thì đây là con số rất vô lý, không thể tin được, bởi nó trái với thông tin về số doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động, số doanh nghiệp gặp khó khăn tăng, số lao động thất nghiệp, giảm thu nhập cũng tăng mà báo chí đã đưa trong suốt thời gian vừa qua.
Thế nhưng dù có thấy vô lý, thấy khó tin như thế nào đi chăng nữa thì chúng ta vẫn buộc phải thừa nhận rằng đấy là sự thật, đấy là con số thật, bởi số thu ngân sách là tiền tươi thóc thật, không thể bịa cho vui, bịa ra thì lấy tiền đâu để mà nộp vào kho bạc nhà nước, để mà có tiền chi tiêu.
Có thể lý giải số thu ngân sách năm 2021 tăng cao là do 2 nguyên nhân sau:
1) Đúng là số doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động tăng, số doanh nghiệp gặp khó khăn tăng, nhưng đấy hầu hết là doanh nghiệp vừa và bé, còn hầu hết số doanh nghiệp lớn vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh tốt, lợi nhuận tăng trưởng cao, nhờ thế mà số tiền nộp thuế tăng (bằng chứng là số doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận cao, tăng chi cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông khá nhiều).
2) Số doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động, gặp khó khăn vốn dĩ trước đây là những doanh nghiệp đóng góp ngân sách ít, tỷ trọng đóng góp vào thu ngân sách nhà nước rất thấp, nên khi họ không đóng thuế thì cũng không ảnh hưởng lớn đến con số thu ngân sách quốc gia.
Như vậy có thể hiểu rằng tăng thu ngân sách không tỷ lệ thuận với tăng GDP, có nghĩa rằng năm 2021 thu ngân sách có thể tăng 10%-12%, nhưng GDP chỉ tăng trưởng 3%-4% thôi vẫn là hợp lý, không có gì bất thường cả. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì chúng ta vẫn có thể yên tâm rằng số doanh nghiệp lớn của Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân vẫn có nội lực mạnh, vẫn kiên cường trước đại dịch, vẫn có tăng trưởng tốt.
Tác giả: Đỗ Cao Bảo - Phó chủ tịch HĐQT FPT