Trong gần nửa thế kỷ qua, cuộc tranh luận về kỷ nguyên Mỹ đang/sẽ đến hay đã lụi tàn là cuộc tranh luận gần như chưa có hồi kết. Nổi bật nhất trong số đó là cuốn sách "Sự thăng trầm của các cường quốc", do tác giả Paul Kennedy xuất bản lần đầu vào năm 1987 và được tái bản nhiều lần sau đó. Cuốn sách ra đời trong bối cảnh Nhật Bản và nhiều nước châu Âu đang trỗi dậy mạnh mẽ, trong khi sức mạnh của Mỹ lại suy giảm tương đối. Tiếp đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, được Paul Kennedy cập nhật trong các lần tái bản sau đó.

Điều đáng chú ý là, sau gần 40 năm nước Mỹ vẫn không/chưa suy tàn, trong khi sức khỏe kinh tế của Nhật Bản và EU, những "đối thủ" kinh tế một thời của Mỹ dường như đang vấp phải những vấn đề về cơ cấu khá trầm trọng. Vấn đề của họ đối với Mỹ hiện nay lại ở khía cạnh khác. Do kinh tế suy trầm, nên những quốc gia này hiện khó tăng thêm ngân sách quốc phòng hoặc chia sẻ gánh nặng với Mỹ trong các vấn đề toàn cầu.

Nhân dịp đầu năm mới, xin giới thiệu bài viết đáng chú ý của Douglas Carswell, hiện là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Trung tâm Chính sách Công Mississippi. Ông từng là Nghị sĩ Quốc hội Anh trong 12 năm.

472345212-9402083866481880-4286253506094985310-n-1735883709.jpg
 

____

THẾ KỶ MỸ TIẾP THEO ĐANG BẮT ĐẦU

(Douglas Carswell – To The Point – 31 tháng 12 năm 2024)

Bạn có nhớ khi Nhật Bản từng được dự đoán sẽ vượt qua Mỹ?

Vào những năm 1980, Nhật Bản là quốc gia được xem là đang lên. Nền kinh tế Nhật đã có những thập kỷ tăng trưởng thần tốc. Hàng xuất khẩu Nhật có mặt ở khắp nơi, và với những sáng tạo như Sony Walkman, Nhật Bản dường như là biểu tượng của tương lai công nghệ.

Trong khi đó, nước Mỹ trông như một cường quốc đang đi xuống. Cách đây 40 năm, nhiều ngành công nghiệp truyền thống của Mỹ sụp đổ, và tình trạng tội phạm dường như không thể kiểm soát.

Đến giữa thập niên 1990, GDP của Nhật Bản đạt 71% GDP của Mỹ, và khoảng cách có vẻ như ngày càng thu hẹp. Một "chuyên gia", Herman Kahn, đã dự đoán rằng Nhật Bản sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2000.

Còn bây giờ? Nền kinh tế Nhật Bản chỉ bằng một phần tư nền kinh tế Mỹ. Nhật Bản hầu như không tạo ra đổi mới lớn nào kể từ thời Tamagotchi (đừng hỏi). Mặc dù từng được ca ngợi về sự vượt trội trong công nghệ điện tử, nhưng những đổi mới kỹ thuật số vĩ đại nhất trong vài thập kỷ qua đều đến từ phía bên này Thái Bình Dương.

Ngày nay, dĩ nhiên, người ta nói rằng cường quốc đang lên không còn là Nhật Bản, mà là Trung Quốc.

Trong 40 năm qua, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc thật phi thường. Trung Quốc đã áp đảo đối thủ trong nhiều ngành công nghiệp xuất khẩu. Hơn nữa, khác với Nhật Bản, Trung Quốc không chỉ là đối thủ kinh tế mà còn là đối thủ chiến lược của Mỹ, với chính sách bành trướng mạnh mẽ ở Thái Bình Dương, Nam Á và một số khu vực ở châu Phi.

Đến năm 2021, GDP của Trung Quốc gần đạt 80% GDP của Mỹ, và các chuyên gia dự đoán rằng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trong vài thập kỷ tới.

Nhưng hãy nhìn vào những gì đã xảy ra kể từ đó. Nền kinh tế Trung Quốc dường như đã đạt đỉnh khi so sánh với quy mô kinh tế Mỹ. Trung Quốc còn có nhiều khoản đầu tư sai lầm do nợ nần hơn cả Nhật Bản trong bong bóng tài sản thập niên 1980.

Tình hình nhân khẩu học của Trung Quốc (Tỷ lệ Sinh Sản Toàn Phần – TFR hiện tại 1,02) còn tồi tệ hơn Nhật Bản (TFR 1,30). Và vị thế tài khóa của Trung Quốc khó cải thiện với những tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình cần được tài trợ.

Vào năm 2008, kinh tế châu Âu gần như ngang bằng với Mỹ. Hiện nay, nền kinh tế Mỹ lớn gấp đôi châu Âu.

Hãy nhìn vào số lượng các công ty lớn được thành lập trong 50 năm qua ở hai bên bờ Đại Tây Dương. Home Depot, một công ty duy nhất của Mỹ, đã vượt trội hơn tất cả các doanh nghiệp mới được thành lập trong Liên minh châu Âu kể từ năm 1974.

Vậy tại sao Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu đều không thể sánh kịp Mỹ, mỗi nơi theo cách riêng của mình? Bởi vì tất cả đều đang quay lại với những truyền thống chính trị - kinh tế kém hiệu quả hơn của họ so với mô hình của Mỹ.

Nhật Bản, dù có vẻ phương Tây từ sau năm 1945, thực chất vẫn giữ một nền kinh tế chính trị mang tính tập đoàn mạnh mẽ. Một số tập đoàn lớn được ưu ái – Keiretsu – chi phối thị trường, nhưng do được bảo vệ khỏi cạnh tranh nội địa, họ không đổi mới.

(Để hiểu điều này, hãy tưởng tượng nước Mỹ sẽ ra sao nếu IBM là công ty máy tính duy nhất, và tất cả đối thủ đều bị loại bỏ).

Trung Quốc, sau một giai đoạn ngắn hướng tới tự do hóa thị trường dưới thời Đặng Tiểu Bình, đang quay lại truyền thống thời Minh, tầng lớp quan liêu kiểm soát mọi khía cạnh. Tác động trì trệ đã bắt đầu lộ rõ.

Châu Âu, từng nhiều lần được các cường quốc thuộc khối Anglosphere cứu thoát khỏi các chế độ chuyên quyền bản địa (1704, 1815, 1914, 1944, Chiến tranh Lạnh), đang bi kịch quay lại lối mòn. Ngày nay, một tầng lớp quý tộc ở Brussels tìm cách kiểm soát ngày càng nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội trên toàn châu lục, phá hoại chính mình trong quá trình đó. (May mắn thay, Anh đã thoát khỏi điều này vào năm 2016 và có thể sẽ quay lại truyền thống Đại Tây Dương).

Để phát triển, Hoa Kỳ cần trung thành với mô hình chính trị - kinh tế mà những nhà lập quốc đã hình dung: chính phủ hạn chế, thuế thấp và tự do. Tin tốt là với chính quyền mới của Trump ở Washington, điều này có thể trở thành hiện thực.

Elon Musk, dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Trump, quyết tâm không chỉ cắt giảm chi tiêu liên bang (điều Mỹ rất cần để tránh phá sản). Ông còn muốn thúc đẩy tăng trưởng năng suất, chuyển mọi người từ khu vực công sang khu vực tư nhân, và cắt giảm mạnh mẽ các quy định.

Những dự đoán về sự suy giảm tương đối của Mỹ theo tôi là quá phóng đại. Nếu Trump, Musk và những người khác thực hiện được một nửa lời hứa, chúng ta sẽ đứng trước một giai đoạn tiến bộ và đổi mới phi thường. Khoảng cách giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới sẽ chỉ ngày càng lớn hơn.

Tôi cảm thấy vô cùng vinh hạnh khi được đồng hành trong hành trình này!

https://www.tothepointnews.com/.../the-next-american.../