Thị trường Việt Nam đã trở nên nhỏ bé với tham vọng của Thế Giới Di Động
Vào tháng 10/2021, tại buổi ra mắt chuỗi TopZone - chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp các sản phẩm cao cấp và chính hãng của Apple, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài từng chia sẻ rằng tại thị trường Việt Nam, quy mô của Thế Giới Di Động đã vượt trội. Vì vậy, đây thời điểm để MWG xây dựng, mở rộng và khẳng định vị thế của mình tại khu vực Đông Nam Á.
Xét về quy mô, MWG là nhà bán lẻ đa ngành số 1 Việt Nam và là đại diện Việt Nam duy nhất có mặt trong top 100 nhà bán lẻ lớn nhất Châu Á – Thái Bình Dương với hơn 5.300 cửa hàng. MWG tập trung trong lĩnh vực bán lẻ với các sản phẩm như: điện thoại di động, laptop, phụ kiện, thiết bị đeo, thiết bị điện máy, thiết bị gia dụng, thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh, dược phẩm.
Tính đến cuối tháng 2/2022, MWG vận hành hơn 5.420 cửa hàng, bao gồm 976 cửa hàng Thế Giới Di Động, 2.038 cửa hàng Điện Máy Xanh, 22 cửa hàng Topzone, 2.122 cửa hàng Bách Hoá Xanh, 205 nhà thuốc An Khang, 50 cửa hàng Bluetronics và 14 cửa hàng AVA độc lập (AVAKids, AVASport, AVAFashion, AVAJi và AVACycle).
Nếu chỉ xét riêng về hai chuỗi điện thoại và điện máy, có thể thấy MWG đang chiếm thị phần lớn tại Việt Nam nên việc mở rộng hơn nữa rất khó. Ngoài ra, thị trường smartphone tại Việt Nam cũng đang chững lại bởi phần lớn người dân đã sở hữu điện thoại.
Do đó, việc tìm kiếm một thị trường mới với nhiều tiềm năng để khai thác trong bối cảnh ngành công nghệ không còn là “gà đẻ trứng vàng” như xưa cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Thống lĩnh thị trường bán lẻ điện máy tại Indonesia và niêm yết công ty trong 5 năm tới
Sau Campuchia, Thế Giới Di Động đã xác định thị trường tiếp theo mà doanh nghiệp này muốn chinh phục đó là Indonesia.
Theo Thế Giới Di Động, Indonesia là nền kinh tế lớn nhất tại Đông Nam Á với GDP 1,2 ngàn tỷ đô la Mỹ và đứng thứ 4 thế giới về dân số với gần 280 triệu người (xấp xỉ 3 lần Việt Nam). Indonesia luôn nằm trong nhóm những nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao trong khu vực. Đồng thời, quốc gia này có nhiều nét tương đồng về mức sống và giao thông so với Việt Nam. Tiềm năng về quy mô tiêu dùng lớn khi Indonesia có hơn 30.000 cửa hàng bán lẻ thực phẩm hiện đại (mô hình tương tự như Bách Hóa Xanh).
Riêng đối với ngành bán lẻ sản phẩm công nghệ và điện máy dù có tổng giá trị tiêu thụ hàng năm lớn hơn thị trường Việt Nam nhưng còn rất phân mảnh. Kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm chưa đến 20% thị phần đối với ngành hàng này, riêng điện máy dưới 15% thị phần. Nhà bán lẻ điện máy có số lượng cửa hàng lớn nhất chỉ có hơn 60 điểm bán. Nhiều công ty tên tuổi nước ngoài chưa thành công khi thâm nhập vào thị trường Indonesia một phần do những rào cản về luật pháp, địa lý và sự đa dạng trong văn hóa và ngôn ngữ bản địa.
Với những yếu tố trên, thay vì “tự thân vận động” khai thác thị trường Indonesia, MWG đã chọn phương pháp dễ dàng hơn thông qua việc bắt tay thành lập liên doanh PT Era Blue Elektronik (Era Blue) với tập đoàn Erajaya.
Tập đoàn Erajaya là một trong những “ông lớn” bán lẻ sản phẩm công nghệ có mạng lưới và thị phần đứng đầu tại Indonesia. Hiện nay, tập đoàn Erajaya hiện đang vận hành hơn 1.200 cửa hàng tại Indonesia dưới nhiều thương hiệu bao gồm: chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại và thiết bị IoT erafone, chuỗi cửa hàng monobrand hợp tác với Apple, Samsung, Xiaomi, Vivo… Năm 2011, Erajaya đã lên sàn chứng khoán Jakarta.
Liên doanh Era Blue được xem là cột mốc đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển ở nước ngoài của MWG và kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực giúp công ty nối dài chuỗi tăng trưởng trong tương lai.
Với liên doanh này, Thế Giới Di Động cũng đặt tham vọng khá lớn: thống lĩnh thị trường bán lẻ điện máy tại Indonesia và niêm yết công ty trong 5 năm tới. Hai bên dự kiến sẽ khai trương cửa hàng Era Blue đầu tiên tại Jakarta vào giữa năm 2022.
Theo đó, sự cộng hưởng giữa bí quyết kinh doanh mô hình bán lẻ điện máy với năng lực vận hành mạng lưới hơn 5.000 cửa hàng của MWG cộng với việc am hiểu thị trường địa phương và lợi thế nguồn lực sẵn có của Erajaya được kỳ vọng sẽ giúp Era Blue rút ngắn thời gian hiện thực hóa tầm nhìn trở thành nhà bán lẻ thống lĩnh thị trường Indonesia.
Trước Indonesia, Thế Giới Di Động đã thâm nhập thị trường nước ngoài đầu tiên và mở cửa hàng tại Phnom Pênh (Campuchia) với tên gọi là BigPhone vào tháng 6/2017. Sau đó, BigPhone đã được đổi tên thành Bluetronics - hoạt động theo mô hình kinh doanh điện thoại lẫn điện máy tương tự điện máy xanh.
Theo thống kê, trung bình mỗi cửa hàng Bluetronics có doanh thu khoảng 1.5 tỷ đến 1.8 tỷ đồng/tháng. Tính tới cuối tháng 2/2021, chuỗi điện máy Bluetronics của Thế Giới Di Động tại Campuchia đạt 50 cửa hàng, bao phủ 13/25 tỉnh thành. Với số lượng này, Bluetronics chính thức trở thành nhà bán lẻ thiết bị di động, điện tử tiêu dùng dẫn đầu Campuchia về cả quy mô lẫn doanh thu.
Dự kiến đến tháng 6/2022, Thế Giới Di Động sẽ chạm được điểm hoà vốn tại thị trường này. Xác định Campuchia chỉ là thị trường nhỏ, Thế Giới Di Động chỉ đặt mục tiêu mở thêm khoảng 10 cửa hàng trong năm nay và dồn lực tập trung để khai thác thị trường Indonesia.
Với sự thành công tại thị trường Campuchia và những chiến lược bài bản ngay từ ban đầu khi tiến quân vào thị trường Indonesia, tham vọng trở thành "ông vua" dẫn đầu ngành bán lẻ thị trường Đông Nam Á của MWG đang lộ rõ dần từng bước đi cụ thể.
Tuy nhiên, liệu những tham vọng này của MWG có trở thành hiện thực không sẽ cần thêm một thời gian dài để có câu trả lời chính xác bởi đây không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà có thể nhìn thấy kết quả ngay được.