Mới đây, tại buổi gặp nhà đầu tư ông Đoàn Văn Hiểu Em - Thành viên HĐQT MWG chia sẻ "Chúng tôi đang nỗ lực nhiều nhất để năm nay có cửa hàng đầu tiên tại Indonesia”. Tuy nhiên, ông Hiểu Em chưa tiết lộ kế hoạch cụ thể phát triển của MWG tại thị trường này.
Indonesia được Thế Giới Di Động đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á trong khoảng hai năm trở lại đây. Nói về lý do chọn thị trường Indonesia để chinh phục giấc mơ xuất ngoại, trong bài phỏng vấn mới nhất trên CafeF, ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết rằng có 2 lý do chính.
Đầu tiên, nguyên tắc chọn thị trường phải chọn nơi có quy mô bằng hoặc thấp hơn Việt Nam tí xíu, nghĩa là không tạo khoảng cách quá xa. Đặc biệt, trong khu vực Đông Nam Á, ông Hiểu Em cũng đánh giá cao tiềm năng của thị trường Indonesia bởi thị trường điện máy nước này còn sơ khai và thị trường điện thoại đang ngang bằng với quy mô Việt Nam. Thêm vào đó là những yếu tố như: văn hoá mua sắm tương đồng với Việt Nam, diện tích lớn gấp 7 lần Việt Nam, dân số thì gấp khoảng 3 lần…Lý do thứ 2 chính là luật đầu tư ở nước sở tại và hiện Indonesia đang rất cởi mở việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào.
Trước đó vào tháng 6/ 2017, Thế Giới Di Động đã thâm nhập thị trường nước ngoài đầu tiên và mở cửa hàng tại Phnom Pênh (Campuchia) với tên gọi là BigPhone. Mục đích của việc đặt tên gọi BigPhone là nhằm dễ dàng tiếp cận hơn với người dân nơi đây nhưng về bộ nhận diện thương hiệu thì vẫn giống tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại BigPhone đã được đổi tên thành Bluetronics - hoạt động theo mô hình kinh doanh điện thoại lẫn điện máy tương tự điện máy xanh.
Theo thống kê, trung bình mỗi cửa hàng Bluetronics có doanh thu khoảng 1.5 tỷ đến 1.8 tỷ đồng/tháng. Tính tới cuối tháng 2/2021, chuỗi điện máy Bluetronics của Thế Giới Di Động tại Campuchia đạt 50 cửa hàng, bao phủ 13/25 tỉnh thành. Với số lượng này, Bluetronics chính thức trở thành nhà bán lẻ thiết bị di động, điện tử tiêu dùng có số lượng cửa hàng và doanh số lớn nhất tại Campuchia.
Năm nay, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu tiêu doanh thu đạt 140 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 6,35 nghìn tỷ đồng. Theo MWG, kế hoạch này dựa trên giả định rằng các gián đoạn hoạt động kinh doanh do COVID-19 vào năm 2022 sẽ ít hơn so với năm 2020-2021.
Trong đó, Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh vẫn là trụ cột mang lại dòng tiền chính, đóng góp 75%-80% doanh thu. Theo kế hoạch MWG mở mới trung tâm điện máy, ĐMX Supermini, Topzone và phát triển mạng lưới công tác viên đại lý; mở rộng cửa hàng và chuyển đổi từ TGDĐ sang ĐMX đối với những cửa hàng đang có doanh thu cao và ở khu vực còn nhiều tiềm năng; kinh doanh thêm sản phẩm mới để tăng doanh số cho cửa hàng hiện hữu và đẩy mạnh doanh thu để đưa Bluetronics đạt điểm hòa vốn và “lấn sân” sang thị trường Indonesia.
Mới đây, MWG vừa có cập nhật kết quả kinh doanh sơ bộ tháng 1/2022. Theo đó, MWG đã đạt tổng doanh thu kỷ lục với hơn 16.000 tỷ đồng và 2.300 tỷ đồng doanh thu online do mùa bán hàng cao điểm phục vụ Tết Nguyên Đán 2022 diễn ra trọn trong tháng đầu năm.
Đặc biệt, dù mới khai trương ngay trong dịp Tết, các điểm bán thuộc chuỗi AVA đã có bước khởi đầu thuận lợi và đóng góp hơn 50 tỷ đồng doanh thu. Trước đó, vào ngày 10/1/2022, MWG thử nghiệm 12 cửa hàng độc lập bán lẻ: sản phẩm mẹ & bé (AVAKids); đồ thể thao (AVASport); thời trang (AVAFashion); đồng thời, triển khai shop-in-shop kinh doanh: trang sức (AVAJi) tại cửa hàng TGDĐ và xe đạp (AVACycle) tại cửa hàng Điện Máy Xanh.