Trung Quốc đã bằng nhiều cách khác nhau tìm cách quốc tế hóa đồng nhân dân tệ nhưng hơn 10 năm qua kết quả thu được nhỏ hơn cả khiêm tốn. Họ nhận thấy Blockchain và Cryptocurrency là cơ hội duy nhất hiện tại để lật đổ vai trò của đồng USD, nhìn nhận Cryptocurrency và Blockchain là “cơ hội để vắt kiệt vai trò bá chủ lâu năm của đồng USD và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ với hệ thống tài chính tiền tệ thế giới”.
1. Một chút phiếm bàn và nhắc lại lịch sử:
a. Điều kiện cần để một đất nước trở thành cường quốc thế giới là 4 cái lớn:
i. Lãnh thổ lớn;
ii. Dự trữ tài nguyên lớn;
iii. Quy mô kinh tế lớn;
iv. Dân số lớn;
Nước Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác có đủ 4 điều kiện cần ở trên. Để duy trì vị trí cường quốc số 1 và giữ vai trò dẫn dắt thế giới nước Mỹ hiện đặt mục tiêu bằng mọi giá phải là số 1 tại 4 lĩnh vực:
i. Công nghệ: Hãy nhớ lại TT Kenedy phản ứng thế nào với việc Liên Xô đưa con người lên vũ trụ trước nước Mỹ;
ii. Tài chính: Vì sao không phải Kinh tế mà là Tài chính? Tài chính mạnh chỉ có thể tồn tại trong kinh tế mạnh nhưng không ngược lại. Kinh tế lớn là điều kiện cần, có thể lớn nhưng chưa chắc mạnh: không thể có một hệ thống Tài chính mạnh trên nền tảng một nền kinh tế yếu kém cạnh tranh và không bền vững dù nền kinh tế lớn là tiền đề cho tài chính mạnh. Hãy nhìn các quốc gia, vùng kinh tế sau khi GDP chạm mức bằng 2/3 nước Mỹ đã được Mỹ “chào đón” thế nào? Trung Quốc là gần nhất: được mở màn bằng cuộc chiến thương mại;
iii. Quân sự: Điều này khỏi phải bàn. Không có “ông trùm” nào mà không có sức mạnh của quyền lực cứng đi kèm;
iv. Văn hóa: công cụ của quyền lực mềm.
Hạ được Mỹ ở 1 trong 4 lĩnh vực này là có cơ hội hạ vị thế nước Mỹ. Không chỉ thế còn có cơ hội nhảy luôn vào vị trí của họ.
Biểu tượng và chất truyền dẫn của sức mạnh tài chính Mỹ là đồng USD. Biết bao tham vọng muốn hạ gục hay thay thế đồng USD đã thất bại. Có thể nói đồng USD ở đâu là quyền lực nước Mỹ đến đó. Nền kinh tế - tài chính thế giới nếu rung lắc đều nhờ sự cứu trợ của đồng USD. Và ngược lại khi đồng USD rung lắc bởi kinh tế Mỹ gặp vấn đề thì nền Kinh tế - Tài chính toàn cầu chao đảo. Hãy nhớ lại 2008 đã xảy ra và Covid-19 đang diễn ra. Hệ lụy của nó là một câu chuyện dài khác.
Không hề ngoa khi nói nền kinh tế toàn cầu đang sống bằng máu là đồng USD và tim là FED: dự trữ, thanh toán, thước đo giá trị. USD đang là đồng tiền toàn cầu.
Trung Quốc, và không chỉ Trung Quốc, không bao giờ thích chơi trên sân lạ và lại còn phải chơi theo luật của người khác.
b. Không còn nghi ngờ gì về việc Trung Quốc là quốc gia đang trỗi dậy không che dấu tham vọng đe dọa trực tiếp vị thế số 1 của nước Mỹ. Họ chi tiền ghê gớm vào việc chiếm giữ không gian kinh tế - tài chính, không gian vũ trụ, tiềm lực quân sự, không gian văn hóa và đầu tư vào các ngành công nghệ mũi nhọn. Trong khi ở 3 lĩnh vực cuối Trung Quốc đã đạt được các bước tiến tới nước Mỹ đáng kể thì trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ hầu như không đạt được bước tiến nào, dù họ giàu và nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ Mỹ lớn nhẩt thế giới. Đơn giản vì vị thế đồng USD quá mạnh và vững chắc.
Trung Quốc nhận thức rất rõ rằng kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào đồng USD làm chính Trung Quốc cũng phụ thuộc vào nó. Những đòn tấn công của đồng USD khó chống đỡ khi chính Trung Quốc đang nắm giữ hơn 1.000 tỷ TPCP Mỹ.
Trung Quốc đã bằng nhiều cách khác nhau tìm cách quốc tế hóa đồng nhân dân tệ nhưng hơn 10 năm qua kết quả thu được nhỏ hơn cả khiêm tốn. Dự trữ, thanh toán quốc tế… vẫn chủ yếu qua đồng USD.
Trong bối cảnh đối đầu ngày càng gia tăng với Mỹ, có thể thấy những rủi ro của việc USD hóa các giao dịch quốc tế với Trung Quốc:
i. Bị Mỹ đóng băng tài khoản USD: Điều này Mỹ đã áp dụng nhiều lần với nhiều quốc gia. Dù dự trữ thanh toán USD dưới hình thức nào vẫn phải thở qua lỗ mũi nước Mỹ: Fed.
ii. Giao dịch bằng USD, EUR là chấp nhận chịu sự kiểm soát của các cơ quan quản lý khác nhau của Mỹ và EU. Tức là chấp nhận không chủ quyền trong thanh toán quốc tế cả ở cấp độ quốc gia lẫn doanh nghiệp. Bởi có thể bị các quốc gia này, nhất là Mỹ, áp đặt cấm vận hay phong tỏa bất kỳ lúc nào;
iii. Hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hệ thống thanh toán USD lại chịu sự chi phối của các ông lớn Mỹ và EU. Bị cấm tham gia hệ thống này ngày hôm nay là thảm họa trở thành Robinson trong thương mại quốc tế;
iv. Nếu có công cụ thoát khỏi sự thống trị của USD, sẽ có rất nhiều quốc gia, tổ chức không hoàn toàn tin cậy nước Mỹ sử dụng. Công cụ như vậy thuộc quốc gia nào thì quốc gia ấy có cơ hội thách thức vị trí số 1 của Mỹ về tài chính tiền tệ.
v. Với đồng tiền nêu ở iv. việc quốc tế hóa nó trở nên đơn giản nếu đó là loại tiền tệ không biên giới địa lý khi áp dụng công nghệ Blockchain.
vi. Ở trong Trung Quốc các công cụ thanh toán khác có thể thay thế tiền mặt sẽ giúp chính phủ quản lý chống rửa tiền, đánh bạc, buôn lậu, tài trợ khủng bố, buôn người và các hoạt động mờ ám khác. Bản thân thị ytruowngf Trung Quốc rộng lớn là nơi thử nghiệm tốt cho những công cụ này.
Hơn ai hết Trung Quốc, Nga – những đối thủ tiềm năng của Mỹ - muốn có công cụ thoát khỏi vòng kim cô của đồng USD và EUR. USD ở đây được hiểu là USD chuyển khoản (nên nhớ - chuyển khoản. Giao dịch USD tiền mặt Fed không kiểm soát được. Tại đây khi nói về USD tức USD số - chuyển khoản)
Nga làm theo cách của mình dù TT Putin đã từng khuyến khích phát triển công nghệ Blockchain và CryptoCurrency (CC).
Trung Quốc làm theo cách khác.
c. Trung Quốc thay đổi thái độ ít nhất 2 lần với công nghệ Blockchain và CC.
i. Lúc đầu họ khá thoáng trong việc cho phép đào, ICO và giao dịch các loại CC. Nhà nước đứng ngoài cuộc mà chỉ có các tư nhân làm việc này;
ii. Nhưng sau đó do quan ngại ảnh hưởng tiêu cực lên xã hội nên họ bắt đầu cấm đoán. Khuyến khích “xuất khẩu” các hoạt động trên ra nước ngoài.
iii. Sự thay đổi lần 2 xảy ra sau một cuộc nghiên cứu tập thể của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc dành cho Blockchain và công nghệ kỹ thuật số. Họ nhận thấy Blockchain và CC là cơ hội duy nhất hiện tại để lật đổ vai trò của đồng USD, nhìn nhận CC và Blockchain là “cơ hội để vắt kiệt vai trò bá chủ lâu năm của đồng USD và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ với hệ thống tài chính tiền tệ thế giới”. Tất nhiên tham vọng thay Mỹ làm bá chủ thì Trung Quốc không nói ra.
Chính quyền Trung Quốc chuyển từ các lệnh cấm sang hỗ trợ toàn diện.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Blockchain là “một bước đột phá sáng tạo” và “Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc (PBoC) cần tạo ra một loại tiền điện tử do nhà nước điều hành”.
Ngay sau đó tháng 10 năm 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng sự phát triển của công nghệ Blockchain là một trong những ưu tiên của chính phủ Trung Quốc và kêu gọi thúc đẩy sự phát triển ứng dụng công nghệ Blockchain tại Trung Quốc. Vào thời điểm đó, ai cũng biết từ 2014 Trung Quốc đã bắt đầu phát triển tiền mã hóa – Cryptocurrency (CC) cho riêng mình. Tham vọng phát triển và thống trị lĩnh vực CC của Trung Quôc đã được tôi nhắc đến ở đây:
Trung Quốc và tham vọng bá chủ - Chiếm giữ không gian mạng và Big Data
Vào tháng 12 năm 2019 ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) đã phát hành thành công trái phiếu trên nền tảng Blockchain với tổng trị giá 2,8 tỷ USD lãi suất coupon 3,25% nhằm cho vay phát triển các SMEs. Việc phát hành và giao dịch trái phiếu này hoàn toàn dựa trên nền tảng Blockchain và giảm bớt nhiều chi phí trung gian. Đây là minh chứng về việc Trung Quốc quyết tâm phát triển, ứng dụng Blockchain vào cuộc sống thế nào.
d. Kết quả tiếp theo là 25/04/2020 Trung Quốc đã chính thức ra mắt một loại tiền mã hóa trên nền tảng Blockchain. Có thể coi đây là bước cơ bản đầu tiên trước khi khởi động một dự án tài chính toàn cầu một loại tiền điện tử nhà nước có tên là DC/EP (Digital Currency Electronic Payment - Thanh toán điện tử trên nền tảng Tiền kỹ thuật số).
Trung Quốc thực hiện phát triển chương trình DC/EP rất nghiêm túc hơn 5 năm qua và việc ứng dụng thử CC vừa qua là hệ quả tất yếu.
e. Chương trình phát hành Libra của Facebook và Ton của Telegram là một trong các động lực thúc đấy Trung Quốc triển khai nhanh chương trình DC/EP: Triển vọng phát hành tiền tệ của riêng mình của một công ty tư nhân với 2,3 tỷ (Facebook) và 400 triệu (Telegram) người dùng trên toàn thế giới có khả năng biến dự án thành một loại tiền điện tử lớn trên toàn cầu được Trung Quốc đón nhận vừa lo ngại vừa thấy đó là động lực một cách nghiêm túc: như một động lực về khả năng công nghệ và lo ngại bởi có thể tuột khỏi tay lá cờ đầu, tức cơ hội tạo ra công cụ có thể đẩy đồng đô la ra khỏi thị trường thanh toán điện tử, và trong tương lai thay đổi toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu. Nếu nước Mỹ với Libra mà đi đầu thì cơ hội này mất hẳn trong tương lai không hề ngắn.
Libra và Ton gây sốt một thời đã lắng lại cho các cuộc đi đêm, Bitcoin và nhiều loại CC khác đang có mức vốn hóa cao. Rõ ràng Trung Quốc muốn hướng người dân vào một loại CC nào đó có thể kiểm soát được. Nhu cầu DC/EP là thực sự cấp thiết với Trung Quốc.
f. Nhìn vào ví dụ của Trung Quốc và nhận ra những cơ hội nào có thể bị bỏ lỡ, nhiều quốc gia khác đã tuyên bố phát triển CBDC (Central Bank Digital Currency - Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương) tương tự DC/EP. Ví dụ, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, Nga, Thụy Điển… tổng số 44 quốc gia khác, trong đó không chỉ các nước lớn mà có cả các nước nhỏ như Campuchia, vùng lãnh thổ BVI… đang phát triển CC của nhà nước trên nền tảng Blockchain.
(Còn tiếp)