I.
Khái niệm “Tham vọng của Thành phố” lần đầu tiên được giới thiệu với mình qua bài viết “Cities and Ambitions” của Paul Graham. Trong bài viết đó, Paul có 2 ý tưởng chính:
Thứ nhất: Mọi thành phố “chất” trên thế giới đều có 1 tham vọng
Tham vọng là 1 giá trị mà phần lớn những người sống ở đó đều coi trọng và phấn đấu để đạt được.
- New York là tiền
- Washington DC là quyền lực
- Los Angeles là sự nổi tiếng
- Boston là tri thức…
Với trải nghiệm của mình, mình có thể cảm nhận được tham vọng của Hà Nội là sự ổn định, còn của Sài Gòn là sự phát triển và sáng tạo (sẽ được làm rõ hơn ở phần sau của bài viết).
Theo Paul, bởi vì sự ngưỡng mộ là 1 game có tổng bằng 0, mỗi thành phố có thiên hướng chỉ tập trung vào 1 loại tham vọng.
Ví dụ của Paul là 1 founder startup ở San Francisco thì có vẻ ngầu, nhưng ở New York thì sẽ cảm thấy như một công dân hạng 2, vì ở đây, công dân hạng nhất là người đứng đầu các quỹ đầu tư. Ở DC, làm tỉ phú có tiền cũng hay đấy, nhưng công dân hạng nhất là chính trị gia.
Sống ở 1 thành phố đủ lâu, bạn sẽ cảm nhận được tham vọng của thành phố đó, qua những người bạn gặp, những sự kiện bạn tham gia, những cuộc trò chuyện bạn “nghe lỏm” được.
Vậy nên là
II.
Thứ hai: Muốn theo đuổi giá trị gì, hãy sống ở thành phố có tham vọng đó
Tham vọng của một thành phố giống như một dòng chảy ngầm. Nếu bạn quan tâm tới work-life balance nhưng lại sống ở một nơi hối hả như Sài Gòn, bạn phải “bơi ngược dòng” rất nhiều. Bạn sẽ phải cố gắng để tìm thấy những người bạn cũng anti-hustle như mình. Bạn sẽ phải cố gắng để mặc kệ văn hóa công ty và sự đánh giá từ đồng nghiệp, vân vân.
Vậy nên, lời khuyên của Paul Graham là nếu bạn đã biết chắc mình muốn theo đuổi giá trị gì hoặc làm công việc như thế nào, hãy tới đó mà sống. Bơi xuôi dòng luôn dễ hơn.
Chọn đúng thành phố, gặp đúng network, nhiều cơ hội sẽ đến với bạn hơn.
III.
Chọn đúng thành phố quan trọng đến mức nào?
Có cần phải ở thành phố sáng tạo mới làm được công việc sáng tạo không? Có cần phải ở thủ phủ tài chính mới làm được công việc tài chính không? Có cần phải ở trung tâm của khoa học mới làm được công việc nghiên cứu không?
Câu trả lời của Paul, mà mình cũng đồng tình, là TÙY :))
- Có những công việc mà bạn buộc PHẢI ở thành phố đó, trong network đó, thì mới có thể làm được. Nhưng con số này không quá nhiều.
- Cũng có những công việc mà bạn chỉ cần 1 vài đồng nghiệp giỏi là đủ.
Nếu bạn ở 1 thành phố sáng tạo, nhưng không chơi cùng những người theo đuổi sự sáng tạo, thì cũng không có giá trị gì.
Thành phố bạn ở là 1 dòng chảy quan trọng. Network bạn chơi cùng là những người bơi cùng bạn. Nhưng kỹ năng của bạn vẫn là quan trọng nhất. Cơ hội đến từ network hay thành phố mà bạn không có kỹ năng để nắm bắt, thì dòng chảy với đồng đội có mạnh thế nào bạn cũng không đi được quá xa.
Với mình, cách trau dồi kỹ năng nhanh và hiệu quả nhất không phải là khóa mình trong phòng kín để “tu luyện”, mà là làm việc, trao đổi, và hợp tác cùng những người giỏi nhất. Mà theo kinh nghiệm của mình, những người giỏi nhất trong 1 lĩnh vực thường tụ tập ở những thành phố “chất” nhất.
San Francisco có những kỹ sư phần mềm giỏi nhất, Paris có những đầu bếp giỏi nhất, Cambridge (Massachusetts) có những nhà khoa học giỏi nhất…
Điều kiện lý tưởng nhất để phát triển những kỹ năng trên là được sống cùng thành phố, và sinh hoạt cùng network những người giỏi nhất này.
IV.
Làm việc online thì sao?
TUY NHIÊN, với sự phát triển của làm việc online, nhiều người (như bố mình) sẽ nói rằng: “Làm online thì cần gì phải đi đâu cho mệt? Ở đâu ‘sướng’ là được.”
Đúng, nếu giá trị bạn đang theo đuổi là “sướng”.
Nhưng, nếu giá trị bạn đang theo đuổi là xây dựng những sự nghiệp lớn, dài hơi, thì bạn có cơ hội làm được việc này cao hơn nếu sống ở những thành phố mà nhiều người đã và đang xây dựng những sự nghiệp như vậy.
Nếu mình vẫn sống ở Hà Nội, mình đã không thể xây dựng được mối quan hệ với mentor của mình sâu sắc như bây giờ. Mình cũng sẽ không gặp được các founders, creators gốc Bắc khác chuyển vào Sài Gòn lập nghiệp - những người đã trở thành những người bạn rất tốt của mình vì bọn mình chia sẻ tham vọng “phát triển”.
1 tham vọng lớn đến mức bọn mình sẵn sàng bỏ lại sau lưng cuộc sống dễ dàng bên gia đình, để chuyển đến 1 thành phố mới, đắt đỏ hơn, nhưng nhiều cơ hội và bạn bè cùng chí hướng hơn.
1 cuộc gọi video có thể giải quyết những vấn đề công việc, nhưng không thể thay thế được thời gian trực tiếp gặp nhau.
100% những mối quan hệ mình xây dựng được trong 1 năm qua được thực hiện qua những kèo ăn uống, hát karaoke, du lịch, chứ không phải 1, 2 cuộc gọi video.
Team mình ở MỞ có thể làm việc hiệu quả online trong 1 năm, nhưng để thực sự thân với nhau, thì vẫn cần những buổi co-work offline, hay 1-2 company trip 1 năm.
Không phải ngẫu nhiên mà San Francisco có những kỹ sư phần mềm giỏi nhất.
Người giỏi muốn ở gần những người giỏi khác. Vì ở gần nên họ dễ dàng giúp nhau giỏi hơn. Và điều đó lại thu hút những người giỏi khác. 1 vòng lặp.
Ở cùng 1 thành phố với những người giỏi trong lĩnh vực bạn quan tâm, đối với mình, là quan trọng cho việc phát triển sự nghiệp.
V.
Tham vọng của Sài Gòn khác gì tham vọng của Hà Nội?
Để trả lời câu hỏi này, mình nghĩ dựa trên trải nghiệm cá nhân là không đủ. Nên mình sẽ dẫn chứng 1 báo cáo rất chất lượng đến từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) - báo cáo PAPI 2023 về “chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam”.
Có 1 vài điểm rất thú vị mình muốn chỉ ra trong phần tình hình di cư của PAPI 2023:
- Sài Gòn là điểm đến di cư hot nhất cả nước (vượt xa Hà Nội - top 2). 3 cái tên còn lại trong top 5 là: 3 - Đà Nẵng, 4 - Cần Thơ, và 5 - Lâm Đồng (aka Đà Lạt).
- 2 lý do chính mọi người muốn đến Sài Gòn là có việc làm tốt hơn (35.1%) và đoàn tụ gia đình (35.4%).
- So với Hà Nội thì top 1 lý do di cư là đoàn tụ gia đình (chiếm gần 50%) và chỉ có 20.7% muốn di cư tới Hà Nội vì công việc.
Từ góc độ cá nhân, những cuộc trò chuyện mình có với bạn bè (từ cấp 2, 3) sống ở Hà Nội luôn liên quan đến việc cưới xin, lập gia đình, “vào biên chế”. Nhưng cùng nhóm bạn đó, sống ở Sài Gòn, thì sẽ là những cuộc trò chuyện liên quan đến các bước tiếp theo của công việc, sự nghiệp.
Mình hiểu rằng nhóm “người Bắc vô Nam” đã là 1 tệp rất đặc biệt rồi, nhưng khi zoom out, và nhìn vào những con số trong báo cáo toàn quốc, mình mạnh dạn đưa ra giả thuyết đầu tiên:
Giả thuyết #1: Tham vọng của Hà Nội là gia đình và sự ổn định. Tham vọng của Sài Gòn là làm giàu và sự phát triển.
Giả thuyết #2: Tham vọng của Đà Nẵng và Đà Lạt là lối sống.
- Không giống như Hà Nội và Sài Gòn, cả 3 thành phố còn lại trong top 5 đều có “Môi trường tự nhiên tốt hơn” thuộc top 1, 2 lý do hàng đầu để di cư. Đặc biệt là 70% những người muốn di cư tới Lâm Đồng và 38.8% tới Đà Nẵng đều chọn “môi trường tự nhiên tốt hơn” là lý do hàng đầu.
- “Phong cách sống thú vị hơn” là top 2 lý do di cư cho cả Lâm Đồng (10%) và Đà Nẵng (18.1%).
Từ trải nghiệm du lịch và làm việc ngắn ngày của mình ở Đà Nẵng và Đà Lạt, mình khá tự tin với giả thuyết này. 1 ngày làm việc mệt đến đâu thì đứng dậy đi tắm biển hoặc ngắm núi rừng cũng giúp mình bình thản hơn.
Mình cũng đã cân nhắc chuyển tới Đà Nẵng sống thử vì thích không khí biển, nhưng khi ngồi suy nghĩ lại tham vọng của mình là gì ở giai đoạn này, mình cảm thấy Đà Nẵng chưa phù hợp để sống lâu dài. Mình vẫn thèm hustle và gặp gỡ những người hustle ở Sài Gòn hơn là thèm đi biển hằng ngày ở Đà Nẵng.
Nếu mà Sài Gòn có biển hay núi rừng gần thành phố thì đỉnh của chóp luôn. Nhưng điều này là không thay đổi được.
NHƯNG nếu Đà Nẵng thu hút được thêm nhiều hustlers và founders trong những năm tới, mình tin Đà Nẵng sẽ trở thành 1 nơi RẤT THÚ VỊ ở Việt Nam - 1 thành phố vừa có kinh tế vừa có thiên nhiên
VI.
Tham vọng của Sài Gòn chính là sự tham vọng
Đây là 1 comment trong 1 bài viết của mình, trả lời câu hỏi “Tham vọng của Sài Gòn là gì?”:
“Ambition” của Sài Gòn là “Ambition” (tham vọng hơn). Nhiều người trẻ tìm đến Sài Gòn như một nơi để nuôi những tham vọng của họ : nổi tiếng hơn, giàu hơn, thành công hơn....và rồi trở nên tham vọng hơn.
Có một ý mình thú vị là phần lớn những người trẻ tham vọng đều tìm đến Sài Gòn và rồi nán lại trong một tương lai xa, vì maybe Sài Gòn giúp họ nuôi thêm những tham vọng lớn hơn khác và rồi lại gắn bó chặt chẽ với nó hơn.”
“Tham vọng của Sài Gòn chính là sự tham vọng.”
Câu trả lời này rất giống với đoạn kết trong bài viết của Paul Graham:
“In most ambitious kids, ambition seems to precede anything specific to be ambitious about. They know they want to do something great. They just haven't decided yet whether they're going to be a rock star or a brain surgeon.”
Tạm dịch: “Với hầu hết những người trẻ tham vọng, “sự tham vọng” thường đến trước phần “để làm gì”. Họ biết là họ muốn làm 1 điều gì đó vĩ đại. Họ chỉ chưa biết mình sẽ làm ngôi sao âm nhạc hay bác sĩ phẫu thuật não thôi.”
VII.
Sự đặc biệt của Sài Gòn
Từ trải nghiệm sau 1 năm sống và làm việc ở Sài Gòn, mình thấy điểm khác biệt lớn nhất của thành phố này, với những thành phố còn lại ở Việt Nam, là sự đa dạng và tôn trọng sự đa dạng.
Người sống ở Sài Gòn đến từ tứ xứ, làm đủ thứ việc.
Khát vọng làm giàu và phát triển thì mình tin thành phố lớn nào cũng có, nên nó cũng không được “độc quyền phân phối” ở Sài Gòn. Nhưng so với Hà Nội thì mình CẢM THẤY thoải mái hơn khi sống ở đây.
Dì chú mình sống ở đây lâu năm cũng rất thoải mái. 1 món ăn bưng ra, thích chấm cái gì, ăn như thế nào cũng được. Nó sướng với mình.
Mình CẢM THẤY Hà Nội có nhiều năng lượng đánh giá quá :))
Sài Gòn có 2 dòng chảy mà mình cảm nhận được:
Dòng chảy đầu tiên là sự tham vọng như bạn Emma có comment. Tham vọng giàu hơn, nổi tiếng hơn, cái gì đó hơn… Dòng chảy này tiếp nhiên liệu cho lối sống hối hả của Sài Gòn mà chắc ai cũng cảm nhận được.
Dòng chảy thứ hai, mà chắc những người di cư tới Sài Gòn từ miền Bắc và miền Trung mới cảm nhận được, là dòng chảy của sự tự do và thoải mái.
Cái mình thấy sướng nhất ở Sài Gòn là năng lượng tự do của dòng chảy này, làm gì cũng chả ai đánh giá Có lẽ, khát vọng của Sài Gòn là sự tự do. Và mỗi người có cách riêng của họ để đạt được sự tự do của mình, nên ai cũng tôn trọng ai.
Ambition - Tham vọng của 1 thành phố, có lẽ chỉ đơn giản là CẢM GIÁC mà 1 thành phố mang lại cho bạn - tự do phóng khoáng hay khép nép giữ ý, làm giỏi hơn hay chơi giỏi hơn, an toàn hơn hay đột phá hơn...
Cảm giác này được mang lại bởi nhiều yếu tố - lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, những ai đang ở đó, và những ai đang/sẽ đến đó…
Càng viết, suy nghĩ, và thảo luận về chủ đề này, mình càng tin là với 1 thành phố cả chục triệu dân, việc bạn chơi với ai quan trọng hơn việc bạn sống ở đâu.
Nhưng việc bạn chơi với ai, cũng không quan trọng bằng việc bạn có vững vàng với giá trị của mình không.
VIII.
Giá trị cá nhân vs Lẽ thường
“Xã hội nào, thành phố nào chả có vấn đề. Có những lẽ thường (norm) mà chúng ta thỏa hiệp được, nhưng có những giá trị mà bạn phải tự lựa chọn, và thật vững vàng với lựa chọn của mình. Bạn không được để một ai, một thành phố, hay một xã hội nào làm mình lung lay hết.” - Morrie, “Tuesdays with Morrie”
Mình tin là mọi quyết định quan trọng đều nên đến từ bên trong. Trong chủ đề bạn nên sống ở đâu, câu hỏi đầu tiên cần trả lời là tham vọng và giá trị của bạn là gì?
Khi bạn chọn được tham vọng và giá trị của mình, bơi ngược hay xuôi dòng, bơi cùng ai, bạn cũng sẽ không sợ đánh mất chính mình nữa. Vì bạn biết mình đang muốn bơi tới đâu.
1. Chọn tham vọng hoặc giá trị của mình - đích đến.
2. Chọn thành phố - dòng chảy.
3. Chọn network - người bơi cùng.
Dĩ nhiên, chọn được dòng chảy phù hợp, tìm thấy những người bơi cùng ăn ý, bạn sẽ bơi được xa hơn rất nhiều.
Tham vọng bạn đang muốn theo đuổi là gì? Thành phố bạn đang ở, nhóm người bạn đang chơi cùng có đẩy bạn xuôi dòng tới tham vọng đó không? Hay bạn đang bơi ngược dòng?
Cùng thảo luận nhé
—
(*) 2023 là năm thứ 15 bộ chỉ số PAPI được tổng hợp, dựa trên kết quả khảo sát hơn 19.500 người dân ở 416 xã, phường thuộc 208 quận, huyện của 63 tỉnh thành. Có 120 tiêu chí đo lường với hơn 500 câu hỏi được gửi đến người dân qua phỏng vấn trực tiếp một đối một và phỏng vấn bằng máy tính bảng.
www.facebook.com/AkwaabaTung/posts/
Nguồn: Akwaaba, Tùng