327693609-6145224458829733-471431279929713632-n-1674794766.jpg
 

Khi tổ chức lớn đến một mức nào đó, thì quan trọng nhất không chỉ là tìm những cơ hội kinh doanh tốt và triển khai chúng, mà quan trọng hơn là khả năng nói KHÔNG với quá nhiều cơ hội kinh doanh đến. Vì đốt/tiêu tiền sẽ nhanh và dễ hơn kiếm ra tiền rất nhiều. Do đó lựa chọn làm gì mới là quan trọng.

Hãy nhìn HAGL, Vingroup, Novaland làm bài học: đang làm bất động sản với thương hiệu rất ngon, bán hàng ầm ầm nhưng họ lại làm thêm sân golf, thực phẩm, chuỗi siêu thị, giáo dục, bệnh viện, khoáng sản, nông nghiệp, thuỷ điện, điện tử, bến du thuyền, và thậm chí cả từ thiện v.v. Tốn không biết bao là tiền! Và cuối cùng thì dẹp gần hết, tập trung chỉ vào một vài lĩnh vực lõi (HAGL làm nông, Vingroup làm bất động sản và ô tô, Novaland về lại bất động sản), nhưng có lẽ là khá muộn. Nếu họ chuyên sâu vào một vài lĩnh vực và dứt điểm từng việc từ sớm thì có lẽ chúng ta đã có những tập đoàn vô cùng lớn rồi.

FPT trước đây cũng sa vào cái bẫy có quá nhiều thứ để làm: chứng khoán, ngân hàng, quản lý quỹ, bất động sản, bán lẻ, điện thoại v.v. Thương hiệu FPT quá mạnh để người ta nghĩ rằng làm gì cũng sẽ thành công. Tuy nhiên không phải là vậy. Cuối cùng FPT rút khỏi ngành tài chính, tập trung toàn lực làm công nghệ, viễn thông, và một phần giáo dục. Và họ đã khá thành công. Một công ty từng thu hút nhiều nhân tài và văn hoá doanh nghiệp tiến bộ như FPT còn làm không nổi huống chi các doanh nghiệp khác? (Thực ra nếu FPT chỉ tập trung làm công nghệ thôi thì giờ chúng ta đã có một Samsung rồi!)

Rất ít tổ chức nào thành công mà kinh doanh quá nhiều thứ. Nguồn nhân lực và tài lực sẽ bị phân tán, đặc biệt là ở Việt Nam, khi tiền thì không bao giờ có đủ, tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới bất định; những người đúng đầu chưa đủ kinh nghiệm và trải nghiệm đề điều hành tổ chức siêu lớn. Nên nhớ là tất cả chúng ta chỉ trải nghiệm thị trường chứng khoán và kinh tế thị trường thật sự có vài thập kỷ thôi.

Rất khó kiếm được một đội ngũ thực sự xuất sắc làm cùng vì thị trường lao động chất lượng cao ở Việt Nam quá khan hiếm. Làm sao đủ người giỏi mà làm nhiều thứ được? Cho dù có nhiều người giỏi làm cùng thì chính ông CEO cũng sẽ bị phân tán tư tưởng (mind-sharing), vì chỉ việc thoáng nghĩ đến thôi cũng đã mất sức rồi. (Ví dụ: sáng dậy làm cốc cafe, đọc báo cáo một biz con con thấy mất tiền, ngứa mồm gọi điện cho giám đốc điều hành, nói chuyện có 10’ thôi, nhưng thế là cả ngày bực dọc, đếch làm được gì nữa!)

Tôi rất nể công ty Phú Mỹ Hưng: Họ chỉ có 433 ha (mở rộng là 730 ha) mà làm mãi từ hơn 20 năm nay. Họ làm rất bài bản và tập trung, làm đến đâu là đẹp đến đấy. Trong khi đó, ông Novaland đáng ra nếu làm thật tốt cái AquaCity 1000 ha ở Đồng Nai đi rồi hãy nhảy sang những ngành kinh doanh hay vị trí khác thì công ty đã phát triển rực rỡ, đằng này chưa bán hết đã nhảy sang làm cái khác và làm thật nhanh, thế nên công ty mới khủng hoảng.

Do vậy, với doanh nghiệp, “tập trung” là xác định rõ ràng năng lực cốt lõi (core competency) của mình là gì, lĩnh vực kinh doanh ra tiền nhất là gì ? Sau đó dùng toàn lực phát triển năng lực lõi và đưa việc kinh doanh tiến lên. Thế là đã đủ mệt rồi. Thời gian đâu làm việc khác nữa.

Cá nhân làm việc không hiệu quả cũng phần nhiều vì lan man, cái gì cũng muốn làm, mất tập trung, làm“chẳng đâu vào với đâu”, cuối cùng sự nghiệp lận đận cho đến già. Não của chúng ta không được thiết kế để làm nhiều thứ một lúc, “đã xay lúa thì khỏi bế em”, không ai có thể phân tâm mà làm tốt được cả.

Bạn chắc đã gặp những cộng sự như thế này: Họ rất xuất sắc, phản biện rất tốt, nhìn nhận vấn đề rất hay, và năng lực triển khai không hề tệ. Nhưng cuối cùng bạn vẫn phải chia tay họ. Mà lý do chính là họ muốn làm nhiều thứ cùng một lúc và luôn nghĩ rằng mình đủ năng lực và nguồn lực làm. Để cuối cùng không có việc gì là tốt cả. (Ở công ty tôi, đây luôn là lý do chính khi quản lý cao cấp nghỉ việc: không tập trung để dứt điểm công việc).

Câu cửa miệng của tôi khi nói với cộng sự của mình ở công ty luôn là: “Ông/bà làm ơn tập trung. Đừng lan man nữa”.

“Tập trung” đối với cá nhân/lãnh đạo quản lý có nghĩa là chỉ làm những gì mình được giao làm, và không làm những việc khác. Ví dụ, việc chính của ông là tuyển sinh thì ông hãy nghĩ mọi cách để tăng tuyển sinh đi, chứ ông đừng đi tư vấn cho nhà nước; Việc chính của chị là tuyển người giỏi thì hãy ám ảnh tuyển bằng được nhân tài đi, đừng đi than vãn chuyện văn phòng; Việc của bà làm marketing thì hãy chỉ làm marketing cho tốt đã, đừng đi dạy người khác cách điều hành công ty.

“Tập trung” là làm những cái gì đem lại lợi ích tốt nhất cho các ưu tiên chiến lược của mình. Ví dụ, nếu đã xác định là phải cải thiện sức khoẻ thì thay vì ăn uống giao lưu, ông dành thời gian đi tập gym đi; Nếu tiếng Anh là điểm yếu của mình cho việc thăng tiến thì hãy học hàng ngày và đừng để bất cứ lý do gì cản trở (như bồ, tham việc, hay nể nang bạn bè).

“Tập trung” với người quản lý cũng có nghĩa là làm việc mà người khác không làm được tốt hơn. Nếu chỉ có ông phát triển được thị trường thì ông hãy dành phần lớn thời gian nghĩ và làm việc đó đi, đẩy thị phần của mình từ 5% lên 15% thay vì ông dành thời gian đi vận hành; và nếu thị trường hiện tại còn quá rộng lớn thì hãy nghĩ hết cách để khai thác đi, thay vì lan man mở cõi khác.

Tính lan man của chúng ta cũng dễ hiểu: nhiều khi năng lực kém hoặc làm không được thì chúng ta có xu hướng trốn tránh thực tại để giảm stress. Khi trốn tránh thực tại thì không có gì tốt hơn bằng làm việc khác và bao biện bằng việc mình bận rộn. Nhưng thế là vô cùng có hại cho cá nhân và tổ chức.

Kinh nghiệm cá nhân của tôi, trong năm vừa rồi tôi chỉ làm mấy việc chính: 1) huy động bằng được nguồn tài chính cho công ty; 2) Tìm được người giỏi và tạo điều kiện cho họ làm tốt nhất; 3) dứt điểm hai thương vụ đầu tư chiến lược vào hai trong số những trường uy tín nhất Việt Nam (Ngôi Sao ở Hà Nội; Trường QT Canada ở HCMC); Có thế thôi, không làm việc gì khác! Thời gian còn lại hầu gia đình, tập gym, đọc sách, đánh golf và cafe với những người bạn thân.

Sẽ luôn có một lý do để bạn làm điều gì đó, nhưng nếu nghĩ thật kỹ thì bạn sẽ thấy việc ấy thực ra chả cần thiết cho công ty hay phát triển cá nhân của mình. Câu hỏi đầu tiên khi đứng trước nhiều lựa chọn luôn là: Việc này có thực sự có lợi cho các ưu tiên chiến lược của mình và tổ chức không? Và lợi bao nhiêu? Nếu có và lợi nhiều thì hãy làm, nếu ít thì hãy dũng cảm nói KHÔNG.

Ngày xuân, xin chúc tất cả chúng ta tập trung, không lan man, để hoàn thành các mục tiêu lớn đề ra (mà cũng ít mục tiêu lớn thôi, để còn tập trung.)