Tập đoàn Tín Thành nổi tiếng với hàng loạt dự án lớn trị giá hàng tỷ USD, đang vướng vào cáo buộc không tuân thủ quy định về bảo hiểm xã hội.

Theo Bảo hiểm Xã hội TP.HCM, đến ngày 16/12/2024, Tập đoàn Tín Thành nằm trong danh sách 91 doanh nghiệp bị xử phạt vì chậm đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, với số tiền nợ lên tới hơn 5,74 tỷ đồng. Hình phạt dành cho doanh nghiệp này là 165 triệu đồng và được biết phía Tập đoàn đã nộp hơn 148 triệu đồng để khắc phục tiền chậm nộp.

Tập đoàn Tín Thành thành lập ngày 3/9/2009 dưới tên Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành, với số vốn điều lệ ban đầu 108 tỷ đồng. Đến tháng 6/2018, công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Tín Thành và nâng vốn điều lệ qua nhiều lần lên mức 432 tỷ đồng hiện tại.

tap-doan-tin-thanh-tu-anh-hao-quang-ty-usd-den-cao-buoc-no-bao-hiem-xa-hoi-1735092854.jpg

Tập đoàn hoạt động đa ngành, nổi bật trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, môi trường và nông nghiệp công nghệ cao. Các dự án trọng điểm bao gồm năng lượng sinh khối, điện-hơi công nghiệp và tái chế rác thải.

Dù vốn điều lệ chỉ 432 tỷ, Tập đoàn Tín Thành công bố danh mục dự án trị giá hàng tỷ USD. Ngày 12/10/2024, doanh nghiệp này ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 270 triệu USD với Quỹ Anderson Management Capital để triển khai ba dự án lớn tại Việt Nam và Mỹ, bao gồm:

- Khu liên hiệp nông nghiệp công nghệ cao tại Phú Yên.

- Nhà máy điện sinh khối 15MW tại Đà Nẵng.

- Dự án tái chế lốp xe tại South Carolina, Mỹ.

Tập đoàn Tín Thành đã thu hút các khoản đầu tư lớn từ nước ngoài, đáng chú ý là thỏa thuận 6,4 tỷ USD với Acuity Funding vào tháng 9/2023. Khoản vốn này được phân bổ cho:

- 4 nhà máy điện sinh khối và các dự án trồng cây cao lương tại Việt Nam.

- Nhà máy đắp lốp và dịch vụ xe tải tại South Carolina, Mỹ (1,7 tỷ USD).

- Dự án sản xuất hydrogen xanh (3,7 tỷ USD), hợp tác với Air Products, một tập đoàn hàng đầu thế giới.

Tháng 3/2023, Tập đoàn hợp tác chiến lược với King Coffee, khởi động dự án tái chế và đắp lốp xe tại Mỹ. Đây là bước tiến quan trọng trong việc củng cố vị thế của Tập đoàn tại thị trường quốc tế, mở ra triển vọng phát triển mới.

Những con số đẹp đẽ từ các dự án này lại đối lập hoàn toàn với khoản nợ bảo hiểm của Tập đoàn. Nhiều ý kiến cho rằng, liệu có phải Tín Thành đang "vung tay quá trán," tập trung quá mức vào các kế hoạch tỷ USD mà bỏ qua trách nhiệm cơ bản với người lao động?

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: nếu ngay cả việc hoàn thành nghĩa vụ bảo hiểm cho người lao động cũng bị chậm trễ, liệu Tập đoàn có đủ năng lực quản lý để triển khai các dự án quy mô lớn như vậy?

---------------------------