1607471556-smbc-1619668911.jpg
 

Ngày 28/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tiến hành ký kết thỏa thuận bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho đối tác Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC) của Nhật Bản.

Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do SMFG sở hữu 100% vốn, là pháp nhân đứng ra mua phần vốn góp này.

Giá trị thương vụ không được hai bên tiết lộ nhưng theo nguồn tin của tờ Nikkei Asia, Sumitomo Mitsui sẽ đầu tư hơn 150 tỷ yên (tương đương 1,4 tỷ  USD) vào FE Credit trong đầu tháng 10, biến công ty tài chính của VPBank thành một công ty liên kết.

1,4 tỉ USD cho 49% cổ phần FE Credit xác lập kỷ lục mới cho thị trường tài chính Việt Nam. Trước FE Credit, chưa tổ chức tín dụng nào của Việt Nam bán vốn được tiền tỉ đô cho nước ngoài, kể cả đó là một ngân hàng thương mại hàng đầu.

Với mức định giá 2,8 tỉ USD, FE Credit đã vượt vốn hóa của hàng loạt ngân hàng số má đang niêm kết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, dù cho đó có là Sacombank (1,86 tỉ USD), Eximbank (1,44 tỉ USD), SHB (hơn 2 tỉ USD), HDBank (1,82 tỉ USD), OCB (1,1 tỉ USD), MSB (1,06 tỉ USD), LienVietPostBank (0,94 tỉ USD),…

Vậy SMBC là tập đoàn nào mà 'chơi lớn' như vậy? 

Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC Group - SMFG) là một tổ chức dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia của Nhật Bản. Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, doanh nghiệp và ngân hàng đầu tư trên toàn thế giới, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính cho nhiều đối tượng khách hàng, bao gồm các cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tập đoàn lớn, các tổ chức tài chính và các đơn vị thuộc khu vực công.

Theo dữ liệu từ Bloomberg, quy mô tổng tài sản của Tập đoàn này thời điểm cuối năm 2020 lên đến 219.863 tỷ JPY ( tương đương 2.020 tỷ USD) trong đó tổng nợ phải trả chiếm tới 95% ở mức 209.078 tỷ JPY (tương đương 1.921 tỷ USD).

Năm 2020, SMBC Group ghi nhận doanh thu đạt 4.347,6 tỷ JPY (tương đương 39,9 tỷ USD) trong khi lợi nhuận sau thuế được duy trì ổn đinh ở mức 703,88 tỷ JPY (tương đương 6,47 tỷ USD). Như vậy, nếu mức định giá của VPBank là hợp lý thì khoản đầu tư vào FE Credit sẽ tương đương gần 22% lãi ròng năm 2020 của đối tác tới từ Nhật Bản.

Kết quả kinh doanh và các chỉ tiêu tài chính của SMFG giai đoạn 2017-2020. Nguồn: Bloomberg
Kết quả kinh doanh và các chỉ tiêu tài chính của SMFG giai đoạn 2017-2020.
Nguồn: Bloomberg

SMBC Group hiện là tổ chức ngân hàng lớn thứ hai về tổng tài sản và vốn hóa thị trường ở Nhật Bản. Tập đoàn là một trong ba tổ chức ngân hàng lớn nhất (megabank) cùng với MUFJ Financial Group và Mizuho Financial Group, thống trị thị phần Hệ thống tài chính của Nhật Bản.

Công ty con cốt lõi của SMBC Group là đơn vị ngân hàng, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui đóng vai trò là công ty mẹ bên cạnh các công ty con khác bao gồm SMBC Nikko Securities, SMBC Trust Bank, Sumitomo Mitsui DS Asset Management, Sumitomo Mitsui Finance and Leasing và Japan Research Institute (JRI).

SMBC Group hoạt động tại hơn 40 quốc gia và duy trì sự hiện diện trong tất cả International Financial Centers. Tập đoàn đã và đang cung cấp các dịch vụ tài chính, ngân hàng đồng thời hỗ trợ cho nhiều dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng lớn tại Việt Nam với tổng giá trị khoảng 20 tỷ USD.

Ngân hàng Sumitomo Mitsui Bank được thành lập nhờ sự sát nhập của Ngân hàng Sumitomo và Ngân hàng Sakura vào tháng 4 năm 2001. Ngân hàng Sumitomo là một ngân hàng lớn của Nhật Bản được thành lập vào năm 1895; Ngân hàng Sakura là hậu duệ của Ngân hàng Mitsui, một ngân hàng lớn khác của Nhật Bản được thành lập vào năm 1876 nhưng hoạt động từ năm 1683 khi Mạc phủ Tokugawa cấp phép cho Mitsui Takatoshi làm người đổi tiền.

Ngân hàng Sumitomo Mitsui Bank chi nhánh TP HCM được thành lập từ năm 2005. Vào năm 2008, SMBC chi 225 triệu USD để mua 15% cổ phần Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Hiện SMBC đang vô tình vướng phải “cuộc chiến vương quyền” tại nhà băng này. Đến nay, cổ đông Nhật dường như đã hết kiên nhẫn với đội ngũ lãnh đạo hiện nay của Eximbank khi liên tục yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường (EGM) từ năm 2019 với mục tiêu thanh lọc hội đồng quản trị nhưng đều bất thành do một nhóm cổ đông nắm số lượng lớn cổ phần thường xuyên phủ quyết.

Được biết, khoản đầu tư vào FE Credit là một phần trong chiến lược trung hạn nhằm mở rộng nền tảng kinh doanh tại châu Á của tập đoàn. SMBCCF hiện là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu thị trường Nhật Bản với hơn 900 chi nhánh và nhiều công ty con tại Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan, và Trung Quốc.