tap-doan-nguyen-lieu-a-chau-aig-thu-duoc-hon-12800-ty-tu-viec-ban-nguyen-lieu-cho-vinamilk-masan-nestle-pg-thuoc-so-huu-cua-ai-1-1676650208.jpg

Mới đây, thông tin về một doanh nghiệp thu được hơn 12.800 tỷ đồng nhờ vào việc cung cấp nguyên liệu cho các “ông lớn” ngành thực phẩm như: Vinamilk, Masan, Nestle, P&G, Nutifood,...đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Cụ thể, Công ty Cổ phần Nguyên liệu Á Châu AIG đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022 đạt hàng chục nghìn tỷ doanh thu, tăng trưởng hơn 33% so với năm 2021 mặc dù thị trường biến động liên tục. 

Theo đó, Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu đang sở hữu hệ sinh thái hơn 10 công ty sản xuất và cung cấp các loại nguyên liệu cho ngành thực phẩm, nước giải khát,  sản phẩm từ sữa, thủy sản, dược phẩm, và bánh kẹo. Một số công ty thành viên hàng đầu có thể kể đến như: CTCP Hóa chất Á Châu (ACC), CTCP Nguyên liệu Thực phẩm Á Châu Sài Gòn (AR), CTCP Chế biến Dừa Á Châu (ACP), Công ty Cổ phần Á Châu Hoa Sơn (AHS),...Nhờ vào sự phát triển của các đối tác lớn trong ngành thực phẩm, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu tăng trưởng mạnh mẽ, đạt hàng nghìn tỷ đồng trong suốt những năm qua.

tap-doan-nguyen-lieu-a-chau-aig-thu-duoc-hon-12800-ty-tu-viec-ban-nguyen-lieu-cho-vinamilk-masan-nestle-pg-thuoc-so-huu-cua-ai-2-1676650321.jpg

Danh sách khách hàng được đăng tải trên trang web của tập đoàn (Nguồn: asiagroup-vn.com)

Năm 2019, doanh thu thuần của Á Châu là 5.204 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán hàng hóa chiếm tỷ trọng 66%, doanh bán thành phẩm chiếm hơn 33% và thu được 69 tỷ đồng từ việc bán phế liệu. Lãi ròng cả năm đạt 545 tỷ đồng với biên lợi nhuận ròng ở mức 10,4%. Giai đoạn 2020 - 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh bùng phát nhưng kết quả kinh doanh của AIG vẫn tăng trưởng mạnh. Doanh thu của tập đoàn lần lượt ghi nhận ở mức 6.531 tỷ và 9.684 tỷ, tăng hơn so với cùng kỳ năm trước đó lần lượt là 25,4% và đặc biệt là năm 2021 tăng đến 48%. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn 1.000 tỷ đồng và doanh thu tài chính của năm 2020 sụt giảm gần 4 lần, dẫn đến lợi nhuận ròng chỉ còn lại 510 tỷ đồng, thấp hơn so với 545 tỷ của năm 2019. Đến năm 2021, nhờ tình hình kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ nên con số lãi ròng đã tăng trở lại lên 678 tỷ đồng, cao hơn 32,9% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, mặc dù tình hình kinh tế vào 6 tháng cuối năm có nhiều khó khăn, CTCP Nguyên liệu Á Châu vẫn lập kỷ lục về cả doanh thu và lợi nhuận. Theo kết quả quý IV/2022, doanh thu của tập đoàn tăng trưởng 18% so với cùng kỳ đạt 3.481 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế là 131 tỷ. Lũy kế cả năm đạt doanh thu thuần cao nhất kể từ khi thành lập là 12.884 tỷ đồng, tiếp tục có tốc độ tăng trưởng hơn 33%. Trong đó, nguồn thu từ bán hàng hóa chiếm 73%, cao hơn con số 66% của năm 2019, doanh thu từ bán thành phẩm đạt 26,8%. Đặc biệt trong cơ cấu khác với năm 2019 là phát sinh thêm doanh thu từ mảng dịch vụ đạt 3,3 tỷ đồng. Không chỉ doanh thu, mà cả chỉ số lợi nhuận sau thuế của AIG cũng lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay khi đạt 798,7 tỷ đồng, cao hơn 17,8% so với năm 2021 và biên lợi nhuận ròng đạt 6,2%. Để đạt được con số hàng chục nghìn tỷ đồng, Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu đã phát triển mạnh mẽ từ một nhà thương mại trở thành một tập đoàn sản xuất nguyên liệu lớn mạnh trong vòng 23 năm.

Người đứng sau Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu AIG là ai?

Công ty Cổ phần Nguyên liệu Á Châu được thành lập vào năm 2001, tiền thân là CTL Company, sau đó đổi tên thành ATL vào năm 2004. Khoảng ba năm sau, CTCP Hóa chất Á Châu (ACC) ra đời và xây dựng nhà máy sản xuất bột kem không sữa AFI – Asia Saigon Food Ingredients. Giai đoạn 2010 - 2017, các công ty thành viên khác lần lượt ra đời cùng với hàng loạt nhà máy sản xuất. Năm 2017 được xem như cột mốc đánh dấu bước ngoặt của cả tập đoàn, khi ban lãnh đạo quyết định thành lập ASIA GROUP để hợp nhất 7 công ty thành viên và đầu tư phát triển Trung tâm Nghiên cứu. Kể từ khi nhận được khoản đầu tư đầu tiên của Mekong Enterprise Fund II vào ACC năm 2011, các công ty thành viên và tập đoàn bắt đầu nhận được sự chú ý của các quỹ đầu tư lớn trên thế giới. Trong đó có PENM Partner Capital và NewQuest Capital Partners đã lần lượt đầu tư vào Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu vào năm 2014 và năm 2017 cho đến thời điểm hiện tại. 

tap-doan-nguyen-lieu-a-chau-aig-thu-duoc-hon-12800-ty-tu-viec-ban-nguyen-lieu-cho-vinamilk-masan-nestle-pg-thuoc-so-huu-cua-ai-3-1676650603.jpgHình ảnh Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu - ông Nguyễn Thiên Trúc (bên trái) và GS.TS Hà Thanh Toàn (bên phải) - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ tại buổi lễ trao tiền tài trợ cho trường Đại học Cần Thơ

Theo báo cáo quản trị năm 2022 của tập đoàn, vốn điều lệ là 1.706 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất kiêm Chủ tịch HĐQT của CTCP Nguyên liệu Á Châu là ông Nguyễn Thiên Trúc. Tổng số cổ phần ông Trúc đang nắm giữ tại công ty là khoảng 37,35%. Theo thông tin tìm hiểu, ông Nguyễn Thiên Trúc sinh ngày 20-03-1971 tại Cần Thơ, đã có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Các thành viên trong gia đình của vị chủ tịch này chỉ sở hữu lượng cổ phần không đáng kể, bao gồm chị ruột sở hữu 0.19%, anh rể 0,15% và anh vợ 0,04%. Đáng chú ý, trong HĐQT của tập đoàn còn có sự xuất hiện của ông Mai Xuân Trầm - Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn KIDO (Mã: KDC). Ông Trầm bắt đầu đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT độc lập của Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu từ tháng 06/2022, nhưng đã quyết định gửi đơn từ nhiệm bắt đầu kể từ ngày 26-02-2023 sắp tới vì lý do cá nhân. Ngoài ra, theo bảng báo cáo, công ty còn có hai cổ đông sở hữu trên 10% cổ phần đó là ông Nguyễn Bảo Tùng và quỹ VFPHK Holdings Limited có trụ sở tại Hong Kong.

Hiện tổng tài sản của tập đoàn là 7.949 tỷ đồng, tăng hơn 86% so với 4.264 tỷ đồng của năm 2019. Trong đó, tổng vốn chủ sở hữu là 4.751 tỷ đồng, nợ phải trả là 3.198 tỷ đồng, đạt tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 1,48 lần. Tuy nhiên, khoản nợ ngắn hạn của công ty chiếm đến 98% trong tổng cơ cấu nợ, trong đó khoản nợ vay ngắn hạn tính đến ngày 31-12-2022 là 1.881 tỷ đồng, gấp 55 lần so với con số 34 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Trong năm 2022, tổng chi phí lãi vay của cả tập đoàn là 111 tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với 55 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2021. Liệu rằng, với tình hình kinh tế được dự báo là sẽ gặp khó khăn trong năm 2023, thì CTCP Nguyên liệu Á Châu có tiếp tục tăng trưởng với tốc độ như những năm qua hay không?