hoa-chat-duc-giang-1-1664977843.jpg

Tập đoàn Hóa chất Đức Giang - cơ ngơi nghìn tỷ của đại gia Đào Hữu Huyền

CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) được thành lập vào năm 1963, tiền thân là Công ty Hóa chất Đức Giang - một doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng cục hóa chất Việt Nam. Đến năm 2004, công ty tiến hành cổ phần hóa và đổi tên thành CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang, vốn điều lệ 15 tỷ đồng. Sau đó, công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ 4 lần và đạt mức gần 335 tỷ đồng vào năm 2013. Doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực sản xuất phốt pho vàng (P4), bột giặt, chất tẩy rửa và một số loại hóa chất khác. Công ty chính thức niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ tháng 8/2014, sau 10 năm kể từ khi cổ phần hóa. Trước khi niêm yết, cổ đông lớn nhất của công ty là ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, nắm giữ 26,2% cổ phần. Ngoài ra, các thành viên trong gia đình ông cũng sở hữu 10,44%. Cổ đông lớn thứ hai sở hữu 19,91% cổ phần là Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Ông Đào Hữu Huyền sinh năm 1956 tại Hưng Yên, tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Hóa tại Đại học Tổng hợp. Trước khi làm việc tại DGC, ông từng lập công ty TNHH Văn Minh để nhập hóa chất từ Trung Quốc về bán trong nước vào năm 1993. Đến năm 2007, thời điểm cổ đông nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu từ 51% xuống 20%, ông cùng gia đình đã chi tiền để mua lại cổ phần và trở thành nhóm cổ đông lớn nhất của công ty. Kể từ đó ông nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của DGC từ năm 2007 đến nay, và giữ cương vị Tổng giám đốc của tập đoàn đến năm 2020, sau đó “truyền ngôi” cho trai của mình là ông Đào Hữu Duy Anh. Ngoài ra, ông Huyền còn đảm nhiệm vị trí chủ tịch của hàng loạt công ty liên quan như: CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam (Mã: PAT), CTCP Hóa chất Đức Giang - Lào Cai (Mã: DGL), CTCP Hóa chất phân bón Lào Cai, CTCP Hóa chất Bảo Thắng.

Hiện tại, ông Đào Hữu Huyền đang nắm giữ khối tài sản hơn 5.279 tỷ đồng, bao gồm: 18,11% cổ phần DGC (5.097 tỷ) và 7,69% cổ phần PAT (181,6 tỷ đồng). Vợ ông là bà Nguyễn Thị Hồng Lan nắm giữ cổ phần của cả ba công ty DGC, PAT, DGL trị giá gần 543 tỷ đồng. Ông Huyền có hai người con là Đào Hữu Duy Anh và bà Đào Hồng Hạnh, trong đó ông Duy Anh đang là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Hóa Chất Đức Giang. Vị giám đốc này sinh năm 1988, đã tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Cambridge (Anh) chuyên ngành xây dựng thiết kế vận hành nhà máy. Trước khi nhận chức vụ Tổng giám đốc, con trai ông Huyền là Phó tổng giám đốc phụ trách thị trường xuất khẩu - bộ phận đem về hơn 80% doanh số cho tập đoàn. Tổng tài sản của ông Duy Anh đang nắm giữ trị giá hơn 1.147 tỷ đồng, bao gồm: 3,011% cổ phần DGC (847,5 tỷ), 9,036% cổ phần PAT (213,5 tỷ) và 2,558% cổ phần DGL (86,8 tỷ).

hoa-chat-duc-giang-2-1664978307.jpg

Chân dung ông Đào Hữu Huyền (phải) - Chủ tịch HĐQT DGC và con trai Đào Hữu Duy Anh (trái) - CEO DGC

Cách đây vài tháng, ông Huyền từng tiết lộ rằng trong năm qua, một người kỹ sư của công ty đã kiếm được 100 tỷ đồng, ngay cả nhân viên vệ sinh môi trường cũng sở hữu khối tài sản 35 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân viên của công ty đã mua hàng trăm chiếc ô tô mới để đi làm, tất cả đều nhờ là nhờ vào cổ phiếu DGC. Những điều này hoàn toàn có thể là sự thật trong bối cảnh Hóa chất Đức Giang của ông Đào Hữu Huyền đang làm ăn rất tốt, liên tục công bố mức lợi nhuận quý cao nhất lịch sử.

Hành trình trở thành tập đoàn tỷ đô của Hóa chất Đức Giang

Sau một tháng từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán, CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang khánh thành Tổ hợp Nhà máy Hóa chất Đức Giang Lào Cai tại tỉnh Lào Cai, đây chính là bước ngoặt lớn nhất của tập đoàn. Khi còn là công ty nhà nước, công ty chỉ tập trung vào sản phẩm bột giặt và hóa chất tại thị trường miền Bắc. Đến khi ông Huyền mua lại cổ phần, ông nhận thấy phosphor là mặt hàng quan trọng trên thế giới nên đã đầu tư dự án nhà máy tại Lào Cai. Nhờ vào dự án này đã giúp cho DGC trở thành một trong 18 nhà sản xuất phosphor vàng (P4) trên thế giới, và đứng đầu tại Việt Nam với sản lượng 60.000 tấn/năm, chiếm 70% tổng công suất trong nước. Trước khi niêm yết, công ty đã thành lập nhiều công ty con khác nhau để từng bước chuẩn bị cho việc chuyển đổi mô hình hoạt động. Giai đoạn 2017 - 2018, công ty của ông Huyền đã tiến hành sáp nhập hai công ty con vào CTCP Hóa chất Đức Giang Lào Cai, rồi lại sáp nhập công ty này vào công ty mẹ. Ngoài ra, công ty cũng đã tiến hành mua lại 51% CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam vào năm 2018. Năm 2019, CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang chuyển đổi mô hình và đổi tên thành CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang. Một năm sau đó, tập đoàn đã chuyển niêm yết cổ phiếu từ sàn HNX sang HOSE, và liên tục đạt “đỉnh”.

Giai đoạn 2012 - 2016, doanh thu của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang tăng trưởng đều đặn từ 1.800 tỷ đồng đến hơn 2.600 tỷ đồng, và lợi nhuận ròng ở mức gần 300 tỷ đến 390 tỷ đồng. Và tổng tài sản vào cuối năm 2016 là gần 2.005 tỷ đồng và vốn điều lệ là hơn 500 tỷ. Sang năm 2017, báo cáo tài chính của tập đoàn ghi nhận kết quả tụt giảm thê thảm, chỉ còn 625 tỷ doanh thu và 128 tỷ lợi nhuận. Nguyên nhân dẫn đến những con số như vậy không phải do hoạt động kinh doanh kém, mà vì không còn được hợp nhất kết quả kinh doanh của công ty Hóa chất Đức Giang Lào Cai vào công ty mẹ. Do trong năm này, tập đoàn đã giảm sở hữu tỷ lệ của công ty tại Lào Cai từ 61,68% xuống 42%. Nhưng đến năm 2018, tập đoàn của ông Huyền lại chuyển công ty Đức Giang Lào Cai từ công ty liên kết sang công ty con, thông qua việc phát hành cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ cổ phần sở hữu. Nhờ đó, doanh thu của tập đoàn tăng vọt lên 874% ở mức 6.090 tỷ đồng, lãi ròng hơn 872 tỷ, tăng 580% so với cùng kỳ. Hai năm tiếp theo, doanh thu của công ty cứ giảm rồi tăng từ 5.090 - 6.236 tỷ, và lợi nhuận sau thuế còn dao động mạnh hơn khi giảm xuống còn 571 tỷ vào năm 2019, rồi lại tăng lên 948 tỷ đồng năm 2020. Cuối năm 2020, tổng tài sản của công ty là 5.876, cao gần gấp 3 lần so với 4 năm trước với mức vốn điều lệ là gần 1.488 tỷ đồng.

hoa-chat-duc-giang-3-1664978808.jpg

Bước ngoặt của Hóa chất Đức Giang chính là quyết định đầu tư vào dự án Tổ hợp nhà máy Hóa chất Đức Giang Lào Cai

Bước sang năm 2021, các hoạt động kinh doanh của Hóa chất Đức Giang bắt đầu “bùng nổ” ở mọi mặt. Sản phẩm chủ lực của tập đoàn là phosphor vàng - nguyên liệu chính để sản xuất chip phục vụ cho thiết bị 5G, sản xuất pin cho xe điện, chất bán dẫn, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón,... trở nên khan hiếm trầm trọng kể từ đại dịch Covid-19 xuất hiện. Một phần là do Trung Quốc hạn chế sản xuất các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường và khủng hoảng nguồn năng lượng trong nước. Điều này đã khiến cho nguồn cung ngày càng thu hẹp nhưng phía cầu vẫn liên tục tăng mạnh, dẫn đến giá phosphor vàng đạt “đỉnh”. Tháng 7/2021, giá của nguyên liệu này tăng 182% lên mức 7.333 USD/tấn so với 2.600 USD/tấn ở đầu năm. Đặc biệt, 70% doanh thu của Đức Giang đến từ việc xuất khẩu (Ấn Độ chiếm 25%, Nhật Bản, Hàn Quốc,...), nên công ty không bị chịu rủi ro tỷ giá khi đi vay đồng USD vì có rất nhiều tiền USD trong tài khoản. Trong năm này, tập đoàn cũng đã bắt đầu khai thác mỏ Apatit - Khai trường 25, chuyển đổi từ việc phải mua sang tự chủ quặng Apatit - nguồn nguyên liệu chính trong các hoạt động sản xuất. Việc này theo ước tính đã giúp giảm 35% chi phí nguyên vật liệu trong hoạt động kinh doanh. Những thuận lợi đó đã mang lại kết quả kinh doanh cuối năm của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang tăng 53% đạt 9.550 tỷ đồng doanh thu, và lợi nhuận sau thuế vượt chỉ tiêu 128% so với kế hoạch, tăng 165% so với cùng kỳ lên con số 2.513 tỷ đồng.

Đến năm 2022, chiến tranh giữa Nga - Ukraine tiếp tục “giáng” thêm một đòn nặng vào nguồn cung, khi Nga là nhà cung cấp phosphor lớn trên thế giới và Trung Quốc tiếp tục giãn cách vì dịch Covid-19. Do đó, giá bán bình quân của phosphor vàng trong quý 2/2022 tăng 125% so với cùng kỳ và doanh thu từ phân bón phốt phát đã tăng thêm 49%. Ngày 19/4/2022, giá cổ phiếu DGC của tập đoàn đã lên “đỉnh” khi từng đạt mức 262.100 đồng, đưa vốn hóa thị trường của công ty ở mức hơn 1,9 tỷ USD. Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2022 là cao nhất trong lịch sử của tập đoàn từ lúc mới thành lập đến nay. Doanh thu đạt hơn 7.636 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 190% so với cùng kỳ năm 2021, đạt hơn 63% so với kế hoạch cả năm. Chỉ số lợi nhuận sau thuế còn “khủng” hơn nữa, khi lãi ròng 3.403 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 540% so với 625 tỷ đồng của nửa đầu năm 2021, và gần đạt mục tiêu 3.500 tỷ cả năm của tập đoàn. Tuy nhiên, kỳ vọng nửa năm còn lại bắt đầu giảm khi nguồn cung từ các quốc gia khác bắt đầu cải thiện. Cũng trong tháng 3/2022 vừa qua, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã chính thức bán hết 6,03 triệu cổ phiếu DGC còn lại và thu hơn 1.000 tỷ đồng. Trước đó tập đoàn nhà nước này đã bán hơn 9 triệu cổ phiếu vào cuối năm 2021 sau khi Đức Giang liên tục tăng trưởng mạnh.

hoa-chat-duc-giang-4-1664979138.jpg

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án số 1 thuộc Dự án Hóa chất Đức Giang - Nghi Sơn

Nhờ vào việc thu về hàng nghìn tỷ đồng lãi ròng, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang quyết định đầu tư “siêu dự án” 12.000 tỷ đồng tại Thanh Hóa. Dự án Tổ hợp Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn tại xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa có tổng diện tích 80ha, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2021 - 2025 có mức đầu tư 10.000 tỷ đồng để xây dựng các công trình sản xuất có công suất 390.000 tấn/năm, giai đoạn 2 từ 2026 - 2028 sử dụng 2.000 tỷ đồng còn lại để xây dựng các nhà máy có công suất 250.000 tấn/năm. Tuy nhiên dự án hiện đang gặp vấn đề về giải phóng mặt bằng nên chưa thể khởi công. Tháng 6/2022 vừa qua, đích thân ông Đào Hữu Huyền cũng đã đến làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông về dự án nhà máy sản xuất phân bón và tổ hợp nhôm, có tổng mức đầu tư lên đến 57.000 tỷ đồng. Ngoài ra, DGC cũng lấn sân sang mảng bất động sản với dự án Chung cư Hóa chất Đức Giang được phê duyệt tháng 10/2020. Nhưng dự án này vẫn chưa được tiếp tục triển khai do quỹ đất của tập đoàn chưa được chuyển đổi. 

Liệu rằng giá cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang từ đây đến cuối năm 2022, có thể quay trở lại đỉnh để giúp cho nhân viên có thêm hàng chục tỷ nữa hay không?