Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 1)
Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 2)
Chúng ta kết thúc phần trước vào năm 159, khi Hán Hoàn Đế Lưu Chí cuối cùng cũng đánh bại được Lương gia, đứng đầu bởi ngoại thích là Đại tướng quân Lương Ký. Nhờ có sự giúp đỡ của 5 hoạn quan, Lưu Chí cuối cùng cũng đã nắm giữ được thực quyền. Và tất nhiên là 5 người này phải được trọng thưởng nhờ giúp đỡ Hoàng đế rồi, khi cả 5 hoạn quan đều được phong lên tước hầu, được gọi là Ngũ hầu (五侯), nhưng do là hoạn quan thì không thể có con, nên Hoàng đế cho người nhà của những người này giữ các chức quan cao trong triều. Ngoài ra, hoạn quan Đơn Siêu còn được phong chức tướng quân để quản lý đội quân của Lương Ký.
Tuy nhiên, diệt Lương Ký trong một khoản thời gian nhanh như vậy, cũng có để lại một số hậu quả. Thứ nhất là việc khai trừ tất cả các đại thần từng thông đồng với Lương Ký khiến cho các chức quan trong triều đình gần như trống rỗng. Thứ hai là những sĩ nhân trong triều từng bị Lương Ký kiềm hãm, nghĩ rằng đã tới lúc để chứng tỏ bản thân, nhưng Lưu Chí đã không còn tin tưởng sĩ nhân, trong mắt ông, đây là những người hèn nhát không dám đứng ra chống Lương Ký, hoặc chính bản thân họ thông đồng với nhà họ Lương. Ngoài ra, do đa phần các sĩ nhân đến từ những gia tộc ngoại thích giàu có, mới có thể có tiền để đưa con cháu đi học, Hoàn Đế sợ rằng một trong những gia tộc này sẽ nắm giữ quá nhiều quyền lực, do đó đa phần những chức quan lớn đều giao cho hoạn quan hoặc người nhà của họ.

Thứ ba là từ đây mở ra một cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa phe sĩ nhân và phe hoạn quan. Hoạn quan là một phe cánh hoàn toàn trái ngược với sĩ nhân, bởi vì chỉ có những gia đình cực kỳ nghèo khổ mới có ý định bán con mình vào trong cung để làm hoạn quan, nên chắc chắn một điều là họ không được đi học và không có khả năng quản lý đất nước. Do đó, với quyền lực mới của mình, họ cũng trở nên tham nhũng như Lương Ký và phe cánh của ông. Nhưng Lưu Chí không phải là không biết chuyện này, ông cũng có đưa một số sĩ nhân lên nắm giữ các chức quan cao trong triều để đỡ bớt tham nhũng, ngoài ra còn hạ lệnh chém Tả Quán và lưu đày Cụ Viên, trước khi cách chức luôn 3 hoạn quan còn lại trong Ngũ Hầu để làm gương. Nhưng sâu trong thâm tâm, Hoàng đế cũng tin tưởng các hoạn quan tham nhũng này hơn là sĩ nhân, bởi vì các hoạn quan sẽ không thể đe doạ đến ngôi vị của mình được.
Và thế là quyền lực rơi vào tay những hoạn quan tham nhũng, gây ra nhiều khó khăn cho đời sống của bá tánh, đến tận năm 166, khi cuộc tranh quyền giữa hai phe lên đến đỉnh điểm trong một sự kiện gọi là “Đảng Cố Chi Hoạ” hay 黨锢之祸, và sự kiện này trong Tam Quốc Diễn Nghĩa được coi là khởi đầu của sự sụp đổ của nhà Hán nên chúng ta sẽ đi sâu hơn một chút.
Để hiểu hơn về sự kiện này, chúng ta phải nói tới hai nhân vật, thứ nhất là Lý Ưng, được coi là lãnh đạo của phe sĩ nhân, năm 165, ông giữ chức Tư lệ hiệu uý ở Lạc Dương, chịu trách nhiệm cho việc xét xử tội phạm, ngoài ra Lý Ưng còn từng là một vị tướng ở biên cương, chống lại quân giặc người Khương, và đứng đầu “Bát Tuấn,” một nhóm nho sinh có tiếng trong giới sĩ nhân.
Có thể mọi người sẽ thắc mắc là tại sao trong thời đại này lại có nhiều người vừa là sĩ nhân vừa là tướng quân tới vậy, điều này một phần là do tầng lớp xã hội của Trung Hoa thời bấy giờ, khi mà gia tộc rất có ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, gần như không có cách nào để leo lên bậc thang xã hội được, và tất cả các chức quan đều phải có được chỉ có thể có được thông qua người thân làm trong triều. Như vậy, bạn phải đến từ gia tộc nổi tiếng, hoặc quen biết người trong gia tộc nổi tiếng mới có thể làm quan được. Đó là lý do tại sao chúng ta có rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong tam quốc là con cháu của những nhân vật nổi tiếng khác, ví dụ Tào Tháo là cháu của Tào Đằng, một hoạn quan nổi tiếng, Tôn Kiên có thể coi là hậu duệ của Tôn Tử, người viết ra Binh Pháp. Tuy nhiên, nếu bạn không thuộc dòng dõi quý tộc, các bạn vẫn sẽ có cơ hội nhất định, ví dụ như Hà Tiến, một người bán thịt không được đi học, cha mẹ mất sớm, phải đi làm để nuôi 5 người em, cuối cùng vẫn lên giữ chức Đại tướng quân nhờ có em gái trở thành Hoàng hậu.
Hay, nếu như bạn thực sự có tài, bạn có thể gây ấn tượng với những người thuộc gia tộc nổi tiếng để nhận được danh lợi. Ví dụ như Lý Ưng được coi là sĩ nhân giỏi giang có tiếng, và rất nhiều nho sĩ kéo đến để lấy lòng ông. Một người khi được mời đến nhà Lý Ưng sẽ được coi là “Đăng Long Môn” (登龙门) “Đến Cửa Rồng,” bởi vì đó là cơ hội duy nhất để khiến Lý Ưng ấn tượng, và được ông giúp đỡ cho một chức quan, từ đó đi lên trong con đường sự nghiệp. Thật tế là Tuân Úc, một trong những mưu sĩ nổi tiếng của Tào Tháo, có một người chú là Tuân Sảng đã có cơ hội làm Lý Ưng ấn tượng, và còn được mời đẩy xe ngựa cho ông để có hai người có thêm thời gian trò chuyện vì Lý Ưng đang bận phải đến nơi khác làm việc, và mặc dù đẩy xe ngựa được coi là một công việc của người hầu, Tuân Sảng lại vô cùng tự hào và đi đâu cũng khoe về chuyện đó suốt cả cuộc đời ông. Chỉ qua những câu chuyện này chúng ta đã có thể thấy Lý Ưng là một người có sức ảnh hưởng như thế nào, và trong giới nho sinh, ông được coi là tấm gương cho tất cả sĩ nhân học tập.
Trái ngược với Lý Ưng và phe cánh của ông là Trương Nhượng, một trong những hoạn quan quyền lực nhất thời bấy giờ, ông sau này sẽ còn nổi tiếng hơn trong thời Hán Linh Đế, khi trở thành người đứng đầu Thập thường thị, và còn được Lưu Hoành gọi là “Quốc Phụ.”
Cuộc đấu đã giữa Lý Ưng và Trương Nhượng bắt đầu vào năm 165, khi em trai của Trương Nhượng là Trương Sóc bị cáo buộc vào tội tham nhũng của dân, và do Lý Ưng là Tư lệ hiệu uý ở kinh thành, chịu trách nhiệm xét xử tội phạm vào lúc đó, ông hạ lệnh bắt giữ Trương Sóc. Tuy nhiên Trương Sóc sau đó chạy trốn vào nhà anh mình là Trương Nhượng, đa phần các quan chức đều lo sợ không dám chọc tức Trương Nhượng, nhưng Lý Ưng không quan tâm, ông vẫn đưa người vào, tìm và bắt giữ Trương Sóc, em trai Trương Nhượng sau đó bị xét xử và chém đầu.
Cuộc bắt giữ Trương Sóc được giới sĩ nhân trong nước coi là bản tuyên chiến chính thức của Lý Ưng, và nhanh chóng một phong trào chống hoạn quan nổ ra trên Trung Hoa. Vô số các quan chức đã ra lệnh bắt giữ cả gia đình của hoạn quan, và sự thù hận của các sĩ nhân đối với hoạn quan và gia đình họ, những người không xứng đáng nắm giữ quyền lực dưới con mắt của sĩ nhân đã lên đến đỉnh điểm, khiến một số các nho sĩ đã đi quá xa giới hạn, khi ra lệnh tra tấn và chém đầu toàn bộ thành viên trong gia đình hoạn quan, kể cả trẻ em, mà không cần xét xử. Bởi vì họ cho rằng sự tham nhũng này là quá rõ ràng và sợ nếu vụ việc để lâu, tin tức đến được Lạc Dương thì các hoạn quan sẽ dùng quyền lực của mình để yêu cầu thả người.
Với một phong trào diệt hoạn quan quá lớn như vậy, các hoạn quan ở kinh thành chỉ có thể xin Hoàng đế giúp đỡ, và nói rằng những sĩ nhân này đang muốn tự mình điều khiển luật pháp. Vậy là Hoàng đế nhân cơ hội mở tiệc ăn mừng năm mới 166, yêu cầu tất cả các quan chức trong nước thả tội phạm ra ngoài, nhưng đến thời điểm này, phe hoạn quan không muốn lùi bước nữa, và một số sĩ nhân nổi tiếng bao gồm Vương Doãn, người sau này giúp đỡ Lữ Bố lên kế hoạch giết Đổng Trác, mặc kệ Thánh chỉ của Hoàng đế, hạ lệnh giết hết những thân nhân của hoạn quan, chỉ tha tội cho những phạm nhân thông thường, và chúng ta đang nói tới cả một đại gia đình gồm hàng trăm người.
Giới sĩ nhân viện cớ rằng mình đang diệt trừ tham nhũng cho nhân dân, nhưng trong mắt Hoàng đế, những sĩ nhân này đang xem thường Thánh chỉ và tự mình quyết định pháp luật. Như vậy, vào năm 166, một quan chức tên là Trương Thành, người rất thân với phe hoạn quan, có người con bị Lý Ưng xử trảm mặc dù Thánh chỉ đã xuống nên căm hận, tố cáo Lý Ưng là kết bè đảng với các sỉ nhân khác đe doạ đến Hoàng đế. Trong suốt các triều đại của Trung Hoa, việc kết bè đảng là điều cực kỳ cấm kỵ bởi họ coi việc quan chức đáng ra phải tận tâm phục vụ cho triều đinh và nhân dân lại liên minh với nhau đe doạ đến ngôi vua là không thể chấp nhận.
Hán Hoàn Đế Lưu Chí vừa tức giận khi thấy Thánh chỉ của mình bị ngó lơ, hoàn toàn ủng hộ tố cáo này và hạ lệnh bắt giữ hơn 200 quan chức có quan hệ mật thiết với Lý Ưng. Cuộc bắt giữ này và phiên toà xét xử sau đó được gọi là “Đảng Cố Chi Hoạ.” Tuy nhiên, cuộc bắt giữ này cũng chỉ dừng lại tại đây, khi cả 2 quan chức chịu trách nhiệm cho phiên xử đều ủng hộ Lý Ưng, và cầu xin Hoàng đế tha tội cho ông. Hoàng đế cũng không thể nào chém đầu hơn 200 người này được, bởi đây đều là những đại thần phục vụ lâu năm trong triều, và đều đến từ những gia tộc quan trọng mà Hoàng đế cần để cai trị đất nước, ngoài ra còn một số người không bị bắt cũng ra đầu thú, bởi họ cảm thấy nhục nhã nếu như không được xếp là thân thích với Lý Ưng. Và ngay cả các hoạn quan cũng không muốn vụ xét xử này diễn ra, bởi có quá nhiều bằng chứng liên quan đến họ và người nhà tham nhũng nhiều đến mức nào, nên họ không muốn Hoàng đế biết chuyện.
Vậy là cuối cùng, nhạc phụ Hoàng đế là tướng quân Đậu Vũ, cha của Hoàng hậu Đậu Diệu, cũng xin được Hoàng đế tha cho phe Lý Ưng. Trước khi tiếp tục thì chúng ta cũng nên tìm hiểu về Đậu Vũ một chút và tại sao Hoàng đế lại lập Hoàng hậu thứ 3 như vậy. Như trong phần trước đã nói, sau Hoàng hậu Lương Nữ Oánh mất, Hoàn Đế lập phi tần của mình là Đặng Mãnh Nữ lên làm Hoàng hậu, nhưng sau khi diệt Lương Ký, Hoàng đế với quyền lực mới của mình bắt đầu trở nên đam mê sắc dục, và lập hơn 5000 phi tần và cung nữ khác nhau. Có lẽ Lưu Chí cũng có một vấn đề tâm lý một chút do nhiều năm sống dưới quyền kiểm soát của Lương gia, khi ông mở cả một bữa tiệc lớn ở cung điện, bắt cả 5000 phi tần của mình tham gia quan hệ với các quan chức dự tiệc, còn Lưu Chí chỉ thích ngồi đó xem chứ không tham gia. Và qua những sự việc này khiến mối quan hệ của Hoàn Đế và Lương Hoàng hậu ngày càng xấu đi, ngoài ra, mỗi khi tức giận, Lương Hoàng hậu cũng nhắc nhở Hoàng đế ngày xưa ông chỉ là bù nhìn cho Lương gia, khiến cho Hoàng đế sau này lưu đày bà và muốn lập phi tần ông sủng ái là Quách quý nhân làm Hoàng hậu mới. Nhưng một số đại thần lại phản đối và muốn lập Đậu Diệu, nói rằng bà đến từ một gia tộc quyền lực, sẽ thích hợp làm Hoàng hậu hơn. Hoàng đế đành chấp nhận và lập Đậu Miêu làm Hoàng hậu, sau đó mặc kệ bà và lại tiếp tục vui chơi với các phi tần.
Vậy là sau khi nhạc phụ Đậu Vũ xin Hoàng đế tha cho phe sĩ nhân, kết quả của cuộc xét xử là tất cả những ai bị bắt sẽ được miễn tội chết nhưng bị cách chức và giam giữ tại gia đến cuối đời.
Nhưng sự kiện “Đảng Cố Chi Hoạ” không chỉ dừng lại ở đây, bởi vì trong một năm tới, Hán Hoàn Đế Lưu Chí sẽ băng hà, và mặc dù ông là có tận 5000 phi tần, Hoàng đế chỉ có 3 người con gái và không có con trai, khiến cho cả triều đình một lần nữa phải tìm người nối ngôi, để xem việc gì xảy ra tiếp theo, trở lại với phần 4 nhé.

Minh Hoang Phuc dịch từ Serious Trivia