vbi-2021-07-25t201823866-1627219132.jpg

DOANH NGHIỆP CÓ 2 LOẠI VỐN

Để có thể hoạt động doanh nghiệp cần vốn. Về cơ bản, Doanh nghiệp có 2 loại vốn: Vốn vay (debt) và vốn của cổ đông (Equity). Trên bảng cân đối tài sản thì vốn nằm bên tay phải và luôn phải cân bằng với giá trị tài sản của doanh nghiệp bên tay trái.

Nguồn vốn vay (debt) là nợ ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, và 1 số loại nợ khác. Thông thường lãi suất của vốn vay thấp hơn lãi suất vốn chủ sở hữu (equity). Nhưng vốn vay là vốn cam kết. Doanh ngiệp phải trả đúng lãi suất và kỳ hạn.

Nguồn vốn chủ sỡ hữu (equity) là vốn góp của cổ đông và lợi nhuận giữ lại. Lãi suất của vốn cổ đông/chủ sở hữu, trung bình, cao hơn lãi suất của vốn vay. Tuy vậy vì cổ đông là chủ của doanh nghiệp nên lãi suất của cổ đông thì không cam kết. Doanh nghiệp lỗ thì cổ đông “đồng cam cộng khổ”, doanh nghiệp lời thì cổ đông là người hưởng lợi chính.
 

DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN VIỆT NAM: VỐN VAY ĐANG NHIỀU HƠN VỐN CỔ ĐÔNG.

Tổng số vốn cổ đông trên thị trường chứng khoán Việt Nam, còn thấp hơn khá nhiều so với tổng số tiền do hệ thống ngân hàng cho các doanh nghiệp vay. Điều này trái với thông lệ của các nước phát triển.
Người dân Việt Nam còn khá thận trọng “ăn chắc mặc bền” nên đa số muốn gởi ngân hàng hơn là đầu tư doanh nghiệp. Khi làm như vậy, người dân Việt đã bỏ qua cơ hội để sinh sôi nảy nở tiền của mình. Theo thống kê, trong thời gian dài thì tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp cao hơn khá nhiều so với lãi suất trung bình của ngân hàng, khoảng tù 1.8 lần – 5.6 lần, tùy thị trường.

Song song với việc phát triển các doanh nghiệp tư nhân, và việc hỗ trợ khởi nghiệp, Việt Nam cần “giáo dục’, khuyến khích người dân dư tiền thành các nhà đầu tư vào doanh nghiệp, chứ không chỉ là người gởi tiền vào ngân hàng. Khi đó người dân cũng được lợi, mà doanh nghiệp cũng có nhiều vốn hơn, kinh tế Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
 

LỢI NHUẬN CỦA VIỆC ĐẦU TƯ VÀO DOANH NGHIỆP

Khi đầu tư vào doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ được hưởng hai nguồn lợi nhuận:

1) cổ tức được chia từ lợi nhuận của doanh nghiệp.

2) chênh lệch giữa giá bán cổ phần và giá mua, khi kết thúc đầu tư.

Tài chính cá nhân sẽ có bài hướng dẫn việc tính tỷ suất lợi nhuận này.
 

CÁC HÌNH THỨC ĐẦU TƯ

** Trường hợp 1:
Nhà đầu tư (NĐT) là cổ đông chính, và nắm quyền làm chủ. Khi đó NĐT vừa là chủ doanh nghiệp (nhóm 3), vừa là nhà đầu tư (nhóm 4). Và có thể NĐT làm luôn giám đốc điều hành (nhóm 1). Trong trường hợp này NĐT là người quyết định cuộc chơi, là người quyết định chính về tỷ suất lợi nhuận và rủi ro trên số tiền đầu tư của mình.

** Trường hợp 2:
NĐT là cổ đông và không điều hành, của 1 doanh nghiệp chưa niêm yết trên sàn chứng khoán. Đầu tư dạng này thì lợi nhuận kỳ vọng cao và vì thế rủi ro cũng cao.

Trước khi quyết định đầu tư, NĐT cần phải hiểu rõ về năng lực và đạo đức của chủ doanh nghiệp, ban điều hành; nắm vững kết quả hiện nay và tiềm lực trong tương lai của doanh nghiệp.
Nếu không phải là những cổ đông đầu tiên được mua giá gốc 1.0 thì NĐT cần phải nắm cơ bản về định giá doanh nghiệp, trước khi mua với giá X chấm.

** Trường hợp 3:
NĐT mua cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Có hai loại NĐT chính trên sàn chứng khoán.

– Loại 1 là những người đầu tư ngắn hạn, còn được gọi là nhà đầu cơ, hay nhà kinh doanh. Họ đầu tư ngắn hạn, mua mua bán bán cổ phiếu trong thời gian ngắn, vài ngày, vài tuần, vài tháng. Có nhiều chiến lược đầu tư ngắn hạn: theo trend, theo thông tin, theo phân tích kỹ thuật, theo cảm giác chủ quan…
Đây là Zero-sum game, trò chơi có tổng bằng 0. Nghĩa là số tiền người thắng sẽ bằng số tiền người thua. Và vì cả hai bên phải đóng phí cho hệ thống, cho các công ty chứng khoán, nên thực tế thì nhà đầu tư ngắn hạn thua nhiều hơn thắng.

– Loại 2 là những nhà đầu tư dài hạn. Có nhiều trường phái đầu tư dài hạn, trong đó trường phái đầu tư giá trị của tỷ phú hàng đầu thế giới Warren Buffet là trường phái được giới đầu tư học hỏi và áp dụng nhiều nhất.

Vào những năm 2006 – 2008, nói đến đầu tư dài hạn thì thị trường VN sẽ cười. Ai cũng mong làm giàu nhanh. Mua 1 phát giá lên ngay, chứ công đâu mà chờ 10, 20 năm? Lúc đó thị trường hầu như không có nhà đầu tư dài hạn nào, ngoài các cổ đông sáng lập, HĐQT của các doanh nghiệp, và những nhà đầu tư mua nhầm cổ phiếu bị lỗ quá, nên chuyển qua “ôm” dài hạn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã qua thời gian “hoang sơ”, và bắt đầu trưởng thành. Ngoài những nhà đầu tư ngắn hạn, ắt hẳn đã xuất hiện những nhà đầu tư dài hạn, những nhà đầu tư tăng trưởng, những nhà đầu tư giá trị.

Trong những bài sau, “Tài chính cá nhân” sẽ đi chi tiết về cách xác định 1 cổ phiếu giá trị. Nắm vững những nguyên tắc lý thuyết, các nhà đầu tư có thể tự nghiên cứu để tìm ra sàn chứng khoán 10-15 cổ phiếu thích hợp với khẩu vị của mình. Bước kế tiếp là chờ thời gian để mua vào với giá hợp lý và giữ lâu dài.

Đó là 1 trong những kênh đầu tư giúp Nhà đầu tư đạt tỷ suất lợi nhuận 12%/năm – 15%/năm.