chu-ky-kinh-te-1646233395.jpg

Phiên giao dịch ngày 2/3/2022 đã chứng kiến sự trái chiều và phân hóa rất cao. Trong khi hầu hết các mã trụ cột Vn30, chủ yếu là cổ phiếu dòng ngân hàng giảm mạnh, thì ở chiều ngược lại một số cổ phiếu Midcap của một số ngành như Dầu khí, Phân bón, Thép, Vận tải, lại tăng khá tốt. VN-index có lúc giảm 20 điểm, chạm ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1480. Dù đóng cửa có hồi lên đôi chút, nhưng với thanh khoản khá cao đã tạo ra cây nến đỏ tương đối xấu. Với những diễn biến bất lợi từ cuộc chiến Nga-Ukraine đẩy giá dầu lên cao, khả năng thị trường chung trong thời gian tới đây sẽ gặp nhiều khó khăn. Vậy điều gì sẽ chờ đón chúng ta trong thời gian tới đây? Chiến lược trọng yếu là gì? Trong bài viết hôm nay tôi xin chia sẻ góc nhìn về vấn đề này.

Những ai đã đọc bài viết "Ba kịch bản chứng khoán năm 2022" tôi viết hồi trong Tết chắc còn nhớ vấn đề tôi quan ngại lớn nhất của năm nay là Lạm phát. Dù lúc đó những xung đột giữa Nga và Ukraine còn chưa trở thành cuộc chiến tranh như bây giờ, nhưng tôi đã dự báo giá dầu có thể lên rất cao. Việc giá dầu tăng sẽ kéo theo hệ lụy làm giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tăng theo. Công cụ để kiềm chế lạm phát khá ít, vẫn chỉ là giải pháp suốt 50 năm nay là tăng lãi suất. Rõ ràng vấn đề lạm phát gần như là không thể tránh khỏi, nên chấp nhận và đối mặt. Chiến tranh Nga - Ukraine như đổ dầu vào lửa, làm bùng phát thêm những thực trạng và mặt trái của nền kinh tế toàn cầu. Dịch bệnh vẫn còn đó, chiến tranh lại nổ ra, đương nhiên giá hàng hóa sẽ tăng cao. Chúng ta luôn được học rằng kẻ thù của chứng khoán là lạm phát và lãi suất tăng cao. Trong những giai đoạn đầu khi lạm phát phi mã, lãi suất nhảy vọt thì chứng khoán chắc chắn sẽ đi xuống. Nhưng liệu những điều đã từng xảy ra trong quá khứ, liệu những điều chúng ta đã từng hiểu biết còn đúng trong hiện tại và tương lai sắp tới hay không? Đây là điều mà tôi suy nghĩ suốt thời gian qua. Với kinh nghiệm hơn 20 năm của TTCK, tôi cảm thấy mình vẫn như đứa học trò, mỗi lần xảy đến lại mỗi khác. Tuy nhiên, dù không thể dự báo chính xác được những gì sẽ xảy ra, nhưng thiết nghĩ vẫn có một số nguyên tắc chúng ta cần ghi nhớ.

Trong những giai đoạn đặc biệt như chiến tranh, lạm phát đột ngột cao, cái gì nên giữ nhất? Có phải là tiền hay không? Không, dứt khoát không phải là tiền. Tôi còn nhớ bác tôi là người giàu có tiếng đất Hà thành, nhưng vẫn sống khá khiêm tốn và giản dị, luôn tiết kiệm tiền cho con cháu. Thế rồi những đồng tiền xương máu đó sau những đợt lạm phát, đổi tiền đầu thập niên 80 của thế kỷ trước chỉ còn mua được chiếc xe đạp. Tiền sẽ là thứ mất giá nhanh nhất, không phải là đối tượng ưu tiên đầu tư. Nếu không giữ tiền thì nên chuyển vào đâu? Theo truyền thống đa số mọi người có xu hướng tích trữ vàng, mua ngoại tệ, mua bất động sản. Gần đây khi chứng khoán thăng hoa, số lượng người biết đến chứng khoán đông hơn, kênh chứng khoán cũng đang trở thành một kênh đầu tư quan trọng. Xét cụ thể hơn, ngoại tệ không hấp dẫn bởi NHNN VN điều hành tỷ giá quá tốt, không để xảy ra tình trạng đô la hóa. Kênh vàng luôn có một lượng khách hàng tin cậy, nhưng do chênh lệch giữa giá mua và bán, giữa giá trong nước và thế giới, nên kênh này cũng chứa đựng những rủi ro nhất định. Như vậy có lẽ hiệu quả và an toàn nhất vẫn là đầu tư BĐS và CK. 

Nói về chứng khoán thì nếu có những giai đoạn có thể yên tâm nắm giữ lâu dài, với vị thế đầu tư tăng trưởng cùng doanh nghiệp, cùng VN-index. Nhưng thế giới ngày càng đổi khác, ngày càng phức tạp và biến chuyển nhanh hơn. Chính vì thế Nhà đầu tư cũng nên thay đổi tư duy để bắt kịp với nhịp đập thị trường. Ngay cả ở các thị trường tiên tiến, không chỉ các NĐT cá nhân mà cả các Quỹ đầu tư cũng rút ngắn lại chu kỳ đầu tư. Điều này không hẳn là lướt sóng hay quay cuồng cùng những biến động ngắn hạn, mà nên tìm ra chiến lược phù hợp hơn, với những tiêu chí chi tiết và cụ thể hơn. 

Những tác động bất ngờ từ thế giới, từ dịch bệnh và chiến tranh, ngày càng xảy ra thường xuyên hơn. Trong giai đoạn cụ thể hiện nay, chúng ta cũng nên thích ứng để không lạc hậu với thời cuộc. Có một số điểm tôi xin được liệt kê như sau:

1. Hãy quản lý tài sản đầu tư chứng khoán theo NAV. Trong bất kể trường hợp nào, chỉ giữ mã mạnh, luôn sẵn sàng cắt lỗ mã yếu.

2. Những sự kiện nổi bật làm tác động thị trường cần phải được quan tâm đúng mức. Ví như cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ không thể chấm dứt một sớm một chiều, điều này hàm ý những dòng ảnh hưởng bởi cuộc chiến sẽ có một chu kỳ nhất định, không chỉ là vài ba phiên giao dịch.

3. Không quá yêu cổ phiếu, không quá tin doanh nghiệp. Nếu trước đây có những lúc chúng ta đã từng tin yêu vào một số cổ phiếu, thì nay không phải là họ xấu đi, mà trong môi trường mới mọi thứ chưa chắc đã tiến triển thuận lợi.

4. Sự tư vấn từ Chuyên gia có trình độ, có tâm, là cực kỳ cần thiết.

Với 4 nguyên tắc nêu trên, chúng ta hãy đi tìm sóng chu kỳ ngành. Các cơn sóng chu kỳ ngành này có độ dài ngắn khác nhau, nhưng cũng rất có tiềm năng mang lại lợi nhuận và sự hiệu quả so với các kênh đầu tư khác. Hiện nay nổi lên 5 con sóng chu kỳ của những ngành Dầu khí, Vật liệu cơ bản (Thép, Đá), Phân bón, Vận tải (Biển và Hàng không) và Bán lẻ. Ngoài ra ngành Bất động sản mang tính nhay cảm nên các cơn sóng của ngành này phức tạp và nhiễu hơn. Hy vọng rằng với những tư vấn của đội ngũ Chuyên gia S-Talk, cùng với sự tỉnh táo của NĐT, sự thành công sẽ đến trong những hoàn cảnh đầy chông gai như hiện nay.