Ra đời từ năm 1992, Tập đoàn Hòa Phát hoạt động theo 5 lĩnh vực: Gang thép - Sản phẩm thép - Nông nghiệp - Bất động sản - Điện máy gia dụng.

Hòa Phát sở hữu hệ sinh thái sản phẩm đa dạng chất lượng cao. Các sản phẩm thép của Tập đoàn nổi bật là thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, thép chất lượng cao, thép dự ứng lực, ống thép, tôn mạ, container. Trong ngành điện máy gia dụng, Hòa Phát có hàng loạt sản phẩm như tủ đông, điều hòa, tủ lạnh, máy lọc nước, máy giặt, máy rửa bát, bếp từ, máy làm mát...

Thông tin từ Hòa Phát cho biết, năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát đã nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 9.000 tỷ đồng. Trong đó, các công ty thành viên có đóng góp ngân sách nhiều nhất là Thép Hòa Phát Dung Quất, Thép Hòa Phát Hải Dương, Ống thép Hòa Phát, Thép Hòa Phát Hưng Yên, Điện máy gia dụng.

Tổng số thuế, phí các loại của Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất nộp cho ngân sách bao gồm thuế GTGT hàng nhập khẩu, thuế xuất nhập khẩu, thuế nội địa… đạt hơn 5.500 tỷ đồng và là công ty thành viên của Tập đoàn Hòa Phát có đóng góp nhiều nhất.

Thép Hòa Phát Hải Dương là công ty thành viên có số nộp ngân sách nhiều thứ hai trong Tập đoàn Hòa Phát với trên 1.300 tỷ đồng.

Một số công ty thành viên khác của Tập đoàn có số nộp lớn cho ngân sách Nhà nước như: Ống thép Hòa Phát, Thép Hòa Phát Hưng Yên, Điện máy gia dụng Hòa Phát, Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát, Tôn Hòa Phát, Khoáng sản An Thông….

Với những đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước, Tập đoàn Hòa Phát và nhiều Công ty thành viên đã được Tổng Cục Thuế, Cục Thuế các địa phương tuyên dương và trao Bằng khen, Giấy khen.

Trước đó, ngày 20/10/2023, Thép Hòa Phát Hải Dương là đại diện duy nhất của tỉnh được Tổng cục Thuế vinh danh đơn vị nộp thuế tiêu biểu giai đoạn 2020-2022. Trong danh sách 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất năm 2022 - V.1000, Hòa Phát đóng góp 8 đơn vị thành viên trong danh sách này.

Tập đoàn đang hoạt động và đóng góp ngân sách nhà nước tại 25 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hòa Phát còn tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tập trung vào 4 nhóm chính: Y tế - Giáo dục – Giao thông và Cộng đồng thông qua các hoạt động tài trợ phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo, Xuân yêu thương…  

Tính từ năm 2007, thời điểm khi Hòa Phát bắt đầu niêm yết trên thị trường chứng khoán đến 31/12/2023, Hòa Phát đã nộp trên 74.000 tỷ đồng cho Ngân sách Nhà nước.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh, theo báo cáo kết quả kinh doanh của HPG, năm 2023, Hòa Phát đã sản xuất 6,7 triệu tấn thép thô, giảm 10% so với năm 2022. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 6,72 triệu tấn, giảm 7%. 

Các lĩnh vực kinh doanh khác cũng ghi dấu ấn với việc chính thức cung cấp sản phẩm vỏ container ra thị trường từ đầu tháng 8/2023. Cũng trong tháng 8, Hòa Phát đã đưa bến đầu tiên của cảng tổng hợp container tại Dung Quất – Quảng Ngãi đi vào hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu bốc xếp hàng hóa của các doanh nghiệp tại Khu Kinh tế Dung Quất và các vùng lân cận. 

Lĩnh vực điện máy gia dụng mở rộng kênh bán, liên tục giới thiệu loạt sản phẩm mới như tủ đông cỡ lớn, máy giặt, cây nước hút bình, các dòng máy lọc nước thế hệ mới, máy làm mát không khí, bếp từ, bếp hồng ngoại, máy rửa bát,…đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đối với mảng nông nghiệp, Tập đoàn tối ưu quy mô, hiệu quả đầu tư các Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại chăn nuôi heo, bò, gà trên cả nước với mục tiêu duy trì vị thế, thị phần trong nhóm dẫn đầu về trứng gà sạch, heo thương phẩm cung cấp ra thị trường.

Trong đó, Gia cầm Hòa Phát lần đầu vượt sản lượng 300 triệu trứng, ra mắt sản phẩm trứng gà vỏ hồng. Hòa Phát cũng tiếp tục đầu tư mở rộng các khu công nghiệp hiện có tại Hưng Yên và Hà Nam, tạo thêm quỹ đất sạch và hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Lũy kế cả năm 2023, Hòa Phát đạt 120.355 tỷ đồng doanh thu, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 6.800 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 85% kế hoạch năm.