Tôi sửng sốt khi cậu bạn mời ăn tân gia nhân tiện hội họp bạn bè học cùng cấp 3 đang sống ở Hà Nội. Buổi họp mặt gần đông đủ, chỉ thiếu 3 người đi công tác. Điều khiến tôi choáng váng là trong số 12 người có mặt, đã có 9 người mua nhà Hà Nội, trong đó 2 người mua thêm được đất để dành, chỉ còn tôi và 2 người nữa vẫn trắng tay. Tôi thấy mình thật sai lầm khi luôn chậc lưỡi nghĩ giá nhà Hà Nội quá cao, tôi không bao giờ mua được. Lo sống hưởng thụ và chần chừ không dám mua nhà khiến tôi bị bạn bè bỏ rơi một quãng rất xa. 

Tôi sửng sốt khi cậu bạn mời ăn tân gia nhân tiện hội họp bạn bè học cùng cấp 3 đang sống ở Hà Nội. Buổi họp mặt gần đông đủ, chỉ thiếu 3 người đi công tác. Điều khiến tôi choáng váng là trong số 12 người có mặt, đã có 9 người mua nhà Hà Nội, trong đó 2 người mua thêm được đất để dành, chỉ còn tôi và 2 người nữa vẫn trắng tay.

Tôi thấy mình thật sai lầm khi luôn chậc lưỡi nghĩ giá nhà Hà Nội quá cao, tôi không bao giờ mua được. Sợ mua nhà mang nợ nên vợ chồng tôi có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, chỉ mua bảo hiểm phòng rủi ro và để một khoản nhỏ phòng thân. Thậm chí những khoản thưởng Tết 50-100 triệu vợ chồng tôi cũng không tích lũy mà mua đồ hiệu, điện thoại xịn hoặc đổ vào những chuyến đi chơi check-in sang chảnh. Giờ đây ở tuổi 40, tôi nhận ra bạn bè đều lần lượt ổn định đâu vào đấy, nhiều người thu nhập cũng chỉ ngang ngửa, thậm chí thấp hơn tôi giờ cũng đã nhà cửa, xe cộ đàng hoàng.

Tuấn, cậu chủ nhà mời tân gia hôm nay lận đận nhất về công việc. Làm trong lĩnh vực xây dựng, tuy có kiến thức và chuyên môn tốt, chăm chỉ nhưng vì ít nói, giao tiếp kém nên cậu ấy hay bị đẩy đi công trường xa nhà, nhiều năm không được thăng chức. Vậy mà giờ Tuấn cũng mua được căn chung cư 70m2 giá 2 tỷ. Cậu bạn có chút ngại ngùng khi thừa nhận còn nợ ngân hàng 500 triệu nhưng vẫn khiến tôi thầm hổ thẹn vì giờ có vét cả tiền bạc trong nhà tôi may ra chỉ được 200 triệu.

Ngẫm lại tôi thấy tình cảnh hiện giờ của mình là do tư tưởng ưu tiên hưởng thụ, chấp nhận ở nhà thuê để không mang nợ. Thu nhập vợ tôi khá thấp, lương tôi gần 20 triệu (hiện giờ khoảng 30 triệu nhưng các con lớn cũng tốn kém hơn) nên chúng tôi luôn nghĩ tích cóp bao giờ mới mua được nhà. Nhưng đến tuổi 40, khi các bạn đều nhà cửa ổn định tôi đã nhận ra cái sai của mình. Nhà đi thuê nay đây mai đó. Công việc cũng đã bắt đầu qua giai đoạn rực rỡ, chỉ vài năm nữa thôi, tôi có thể bị doanh nghiệp chê già, sẵn sàng sa thải bất cứ lúc nào. Trong khi đó, con lớn của tôi mới 10 tuổi, vợ chồng tôi còn phải lo cho 2 con học hết đại học là 10 năm nữa. Nhà không có, tiền tích lũy không đáng bao nhiêu, tôi thấy tương lai mịt mờ hơn cả khi còn trẻ.

Trong khi đó, với mức lương chỉ hơn 10 triệu, cộng cả lương của vợ, thu nhập ban đầu của gia đình Tuấn chưa đến 20 triệu vậy mà giờ sau chục năm kết hôn hai người cũng mua được nhà. Tuấn kể, biết mình khó tăng thu nhập nhờ công việc, Tuấn cùng vợ có kế hoạch tích lũy ngay từ ban đầu.

Vợ cậu ấy nhận trông mấy em bé quanh xóm vào cuối tuần, tháng cũng kiếm thêm được 3-5 triệu, còn Tuấn khi được thưởng các khoản Tết hay có tiền thưởng thêm sau mỗi công trình đều đưa vợ dồn vào tài khoản tích lũy. Hai vợ chồng cố gắng vun vén chỉ tiêu vào lương, nếu dư thì mua sắm đồ đạc. Sau 5 năm đầu họ đã có 500 triệu tiền tích lũy và khoảng 100 triệu tiền lời từ các khoản đầu tư nhỏ như vàng, chứng khoán và gửi tiết kiệm.

Năm 2016, khi nghe được thông tin huyện quê Tuấn sẽ nâng cấp lên thị xã, vợ chồng cậu ấy bàn bạc dùng số tiền này mua đất ở quê. Lô đất đó 100m2 giá 700 triệu, hai người vay thêm 100 triệu để mua. Sau gần 4 năm, ngay khi huyện chính thức lên thị xã lô đất đó đã tăng lên 1,4 tỷ, hai vợ chồng quyết định bán và mua căn hộ trả góp.

Chờ đợi gần 1 năm giờ Tuấn đã có căn hộ khang trang và chỉ vay ngân hàng 500 triệu. Số tiền này không quá nặng gánh so với thu nhập hiện giờ của hai vợ chồng. Tuấn cho biết, tiền vay ngân hàng sẽ trả dần, còn tiền tích lũy trong mấy năm qua cậu ấy sẽ dùng đầu tư.

Những cậu bạn khác của tôi, người kinh doanh giỏi hoặc lập được công ty thì mua nhà phố, biệt thự, người làm công ăn lương cũng mua được căn hộ tập thể hay nhà ở xã hội. Mọi người đã ổn định nhà cửa nên rôm rả bàn chuyện đầu tư, rót tiền vào đâu để sinh lời, chuẩn bị kế hoạch tương lai cho con... Chỉ có tôi là chưng hửng vì giờ chưa biết bắt đầu từ đâu.

Từ câu chuyện của mình, tôi khuyên các bạn trẻ, lương không quá thấp hãy cứ tự tin cho kế hoạch mua nhà. Vì thực tế tôi thấy, dù giá nhà đất cứ tăng liên tục, nhưng vẫn có rất nhiều người mua được nhà cửa. Có nhà rồi sẽ ổn định mọi thứ và lo cho con cái tốt hơn.

Tác giả: Trịnh Sương