Cách đây khoảng 2 năm, mình rời NVIDIA để tham gia một công ty khởi nghiệp của một nhóm bạn. Lúc bấy giờ, công ty vẫn còn trong stealth (giai đoạn gầy dựng), chưa ra mặt. Mình có đọc được một số bình luận trên mạng rằng: chẳng ai đang yên đang lành công ty lớn lại nghỉ việc đi làm khởi nghiệp cả, chắc là mình bị đuổi việc. Nhiều người viết rằng mình là gương xấu khuyến khích các bạn trẻ bỏ việc an nhàn đi làm khởi nghiệp.

Suy nghĩ rằng: khởi nghiệp nhiều rủi ro là không sai. Khởi nghiệp vất vả và có nguy cơ phá sản rất cao. Đi làm khởi nghiệp không phải là cho tất cả mọi người.

Mình biết về những rủi ro đó nhưng mình vẫn chọn tham gia Snorkel AI. Mình lúc đó không hiểu rõ về môi trường khởi nghiệp nên mình đã đặt cuộc vào con người.

Tất cả những người mình gặp ở Snorkel đều giỏi và tốt bụng. Họ hiểu rõ về cả academic và engineering (học thuật và kỹ thuật). Hầu hết công ty khởi nghiệp sẽ thất bại, nhưng hầu hết những người xuất sắc sẽ thành công.

Và bởi vì một người thầy của mình đã nói: ‘Tham gia khởi nghiệp là cách duy nhất để kiếm 15 năm kinh nghiệm trong vòng 5 năm’.

Snorkel đã dạy cho mình vô số thứ mà mình biết mình sẽ không thể học được nếu vẫn ở NVIDIA. Những điều mình học được này cho mình tự tin để có thể theo đuổi chặng đường tiếp theo của mình.

Gần đây, Snorkel có một tin rất vui: công ty đã trở thành unicorn — startup trị giá 1 tỷ USD. 2 năm rưỡi và 1 tỷ USD — đây là một trong những startup lớn nhanh nhất mà mình từng biết”, Huyền Chíp viết trên status FB gần nhất của mình.

screen-shot-2021-11-03-at-113359-am-1635916986.png
Team sáng lập và điều hành của Snorke AI

Snorke AI là một dự án khởi nghiệp về AI dựa chủ yếu trên dữ liệu để giúp các công ty – tổ chức phát triển các ứng dụng của họ một cách dễ dàng hơn – nhất là về mặt xử lý dữ liệu.

Platform Snorke AI hiện đang có 4 chức năng chính: gắn nhãn và xây dựng dữ liệu đào tạo theo chương trình trong vài giờ mà không cần ghi nhãn thủ công; tự động làm sạch, tích hợp và quản lý dữ liệu đào tạo có lập trình từ tất cả các nguồn; đào tạo và triển khai các mô hình học máy hiện đại trong nền tảng hoặc thông qua Python SDK; phân tích và giám sát hiệu suất của các mô hình để nhanh chóng xác định và sửa các chế độ lỗi trong dữ liệu.

Còn startup này giới thiệu về mình như sau: “Snorkel AI bắt đầu như một dự án nghiên cứu trong Phòng thí nghiệm AI của Stanford vào năm 2015, nơi chúng tôi bắt đầu khám phá giao diện cao cấp hơn cho AI thông qua dữ liệu đào tạo.

Với hơn 40 sản phẩm được đánh giá cao về công nghệ cốt lõi đằng sau Snorkel Flow, ngày nay chúng tôi đang trao quyền cho không chỉ các kỹ sư mà còn cả các nhà khoa học, bác sĩ và nhà báo để đưa AI vào hoạt động kinh doanh và đời sống hàng ngày. Snorkel được phát triển và triển khai tại Google, Intel, Apple, hai trong ba ngân hàng hàng đầu của Mỹ, Bộ Tư pháp Mỹ và các tổ chức hàng đầu khác.

Đội ngũ Snorkel là một tập hợp các chuyên gia đến từ học viện, giới công nghệ và cả giới kinh doanh để làm cho AI trở nên thiết thực – dễ sử dụng hơn cho các doanh nghiệp. Nhóm của chúng tôi bao gồm giảng viên khoa học máy tính tại Stanford, Brown, Washington và Wisconsin và các cựu sinh viên đẳng cấp thế giới từ Google, Facebook, NVIDIA, Lyft, Twilio, Microsoft…”.

Trong lần gọi vốn gần nhất, Snorke AI đã thu hút được 85 triệu USD ở vòng Series C được dẫn dắt bởi BlackRock và Addition. Theo đó, startup này chính thức trở thành một ‘unicorn’ mới – tức doanh nghiệp có giá trị khoảng 1 tỷ USD của thị trường Mỹ.

Trong vòng gọi vốn này còn có sự tham gia của Factory và Cooley - những nhà đầu tư mới. Các nhà đầu tư hiện hữu trước đó của họ bao gồm: Greylock, GV, Lightspeed Venture Partners, Nepenthe Capital, Walden International và Stone Bridge Ventures.

snorkel-1635916986.jpg
 

Dù không phải là Nhà sáng lập hay nằm trong team điều hành, song Huyền Chip vẫn là một nhân vật quan trọng của Snorke AI. Ngoài việc tham gia ngay từ đầu như cô đã kể ở trên, thì back-ground của Huyền Chíp cũng khiến Snorke AI trông đáng tin hơn – minh chứng là họ có nhắc đến tên NVIDIA – công ty cũ của cô trong phần giới thiệu.

Trong năm 2020, cô gái tài năng này đã được LinkedIn vinh danh trong danh sách Top Voices - Những tiếng nói hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo. Đây là một giải thưởng thường niên của LinkedIn, nhằm tôn vinh những tác giả, chuyên gia có nhiều đóng góp trong việc chia sẻ thông tin và thúc đẩy các cuộc thảo luận liên quan đến khoa học, công nghệ. Vượt qua hàng trăm người khác, Huyền Chip ghi tên mình vào vị trí thứ 5 của bảng xếp hạng.

Huyền Chip từng là khuôn mặt nổi bật của văn đàn Việt, khi là tác giả của cuốn sách từng gây bão truyền thông như “Xách ba lô lên và đi” hay “Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford”, “Tuổi trẻ không hối tiếc”.

Không chỉ vậy, Huyền Chip còn có “profile” học vấn và nghề nghiệp cực khủng. Cô gái sinh năm 1990 từng làm việc với Netflix, Primer, Baomoi.com, đồng thời có công trong việc ra mắt trình duyệt Cốc Cốc từ những ngày đầu.

Năm 2014, Huyền Chip thông báo sang Mỹ du học. Đến năm 2018, cô nhận cùng lúc bằng đại học và thạc sĩ chuyên ngành trí tuệ nhân tạo của Đại học Stanford. Sau khi tốt nghiệp, cô được nhận vào làm tại NVIDIA - một tập đoàn công nghệ đa quốc gia chuyên về phát triển bộ xử lý đồ họa (GPU) và công nghệ chipset cho các máy trạm, máy tính cá nhân, và các thiết bị di động.

Sau 1 năm làm việc tại NVIDIA, Huyền Chip đến đầu quân cho Snorkel AI, một nền tảng end-to-end dựa trên dữ liệu đầu tiên để phát triển các ứng dụng AI.