Hội nghị tái cấu trúc nợ bằng bất động sản sáng 22/2, do Egroup – công ty mẹ của Apax Holdings tổ chức đã có hàng trăm nhà đầu tư tham dự. Các nhà đầu tư đều hy vọng tìm được cơ hội thu hồi khoản vốn đã góp vào hệ sinh thái của ông Nguyễn Ngọc Thủy - Shark Thủy.
Tại hội nghị, bà Đinh Thị Phương Thêu – Phó Tổng Giám đốc Thường trực Egroup doanh nghiệp đang tập trung hai mảng công việc lớn là tái cấu trúc hoạt động kinh doanh và tái cấu trúc nợ.
Đối với tái cấu trúc nợ, bà Thêu cho hay ban lãnh đạo đã làm việc với hai đối tác, qua đó chọn ra hai dự án bất động sản với nhiều loại sản phẩm đủ điều kiện để đề xuất với các nhà đầu tư phương án đổi nợ lấy đất.
Cụ thể, một dự án tại Thanh Hóa, chủ đầu tư là Công ty Đại Nam Á, đang có 75 lô đất, diện tích từ 100 - 194m 2, giá bán đổ đồng là 300 triệu đồng, nhà đầu tư được gạt nợ 100 triệu đồng, phải vào thêm tiền 200 triệu đồng. Đất có sổ đỏ, gom đủ 10 sổ sang tên luôn.
“Sản phẩm này dành cho nhà đầu tư có dư nợ dưới 1 tỷ đồng tại Egroup và các công ty liên quan. Đã có một nhóm về xem thực địa, chốt 10 lô, chỉ còn lại 65 lô. Giá đổ đồng, ai vào sớm được lựa chọn những lô có diện tích lớn, có lợi hơn” – bà Thêu thông báo.
Ngoài ra, 27 căn biệt thự nghỉ dưỡng tại Chương Mỹ, Hà Nội được giới thiệu là đẹp top ba Việt Nam, cách trung tâm Hà Nội một giờ xe cũng được đen ra gán nợ, áp dụng cho các nhà đầu tư có dư nợ từ 1 tỷ đồng trở lên. Nhà đầu tư được gạt nợ 6 tỷ đồng, vào thêm 6,5 tỷ đồng hoặc hơn tùy giá trị từng căn. Nhà đầu tư mua biệt thự nghỉ dưỡng của dự án này có thể tự vận hành hoặc ủy thác cho chủ đầu tư vận hành với tỷ lệ lợi nhuận chia đôi.
“Đã có khách chốt 6 căn, nhà đầu tư mua biệt thự nghỉ dưỡng có thể tự vận hành hoặc ủy thác cho chủ đầu tư vận hành với tỷ lệ lợi nhuận chia đôi. Đất 50 năm, khi hết thời hạn, chủ đầu tư sẽ xin gia hạn, nhà đầu tư không phải chịu chi phí gia hạn đất” – bà Thêu thông tin.
Tại hội nghị, bà Thêu kêu gọi các nhà đầu tư đồng lòng cùng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bà cho biết, tuần trước có một đơn vị chấp nhận rót vốn 50 tỉ đồng nhưng lại đúng lúc nhiều nhà đầu tư, phụ huynh tụ tập phản đối nên đối tác “quay xe”.
Cùng với tái cấu trúc nợ của Công ty mẹ - Egroup, hệ thống Anh ngữ Apax cũng đang dồn sức tập trung cho việc tái cấu trúc, tái khai trương để sớm mở lại các hoạt động của trung tâm.
Apax Holdings đã công bố kế hoạch tái cấu trúc hệ thống Anh ngữ Apax Leaders, mong muốn triển khai từ 11/2022 và dự kiến cơ bản xong trong quý 1/2023 với mục tiêu đến tháng 3, sẽ có 38 trung tâm tái khai trương ở Việt Nam, đến tháng 5, APAX Leaders sẽ mở thêm 16 trung tâm…
Để tái cấu trúc cần có vốn, bà Thêu cho biết hiện Ban lãnh đạo đang tiếp xúc với 3 quỹ đầu tư của Singapore, Malaysia và Mỹ, “biết là nhà đầu tư đang khó khăn và tập đoàn đang nỗ lực, mong mọi người hỗ trợ”.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, tân CEO của Apax Leaders, đơn vị hiện tại sẽ cần khoảng 150 tỷ đồng để tiến hành tái cấu trúc toàn bộ hệ thống trung tâm (tương đương khoảng 2 tỷ đồng/trung tâm). Hiện, đã có hàng trăm nhà đầu tư ủng hộ chuyển tiền về tài khoản của Công ty Anh ngữ Apax để hỗ trợ quá trình tài cấu trúc.
Trước đó, trong thông báo CTCP Đầu tư Apax Holdings (IBC) đưa ra cách đây mấy ngày, phái trung tâm ngoại ngữ này cho biết, hiện tại, công ty đang tập trung vào quá trình tái cấu trúc và tái khai trương để có thể đưa các trung tâm hoạt động trở lại, nên chưa thể trả tiền trong giai đoạn này. Nếu phụ huynh muốn lấy lại tiền học phí, thì công ty đề xuất chuyển thành hợp đồng cho vay, có lãi suất như ngân hàng và trả dần sau giai đoạn tái cấu trúc.
Những học viên đăng học ký tại các trung tâm bị đóng cửa sẽ được chuyển sang các trung tâm Apax khác ở gần đó, hoặc lựa chọn hình thức học trực tuyến (online) với giáo viên người nước ngoài.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính quý 4 của Apax Holdings cho thấy, doanh thu thuần của công ty trong quý 4/2022 là âm 45,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cũng âm hơn 81 tỷ đồng, nên Apax Holdings vẫn có lợi nhuận gộp 36 tỷ đồng. Lũy kế năm 2022, công ty đạt doanh thu thuần 1.336 tỷ đồng và lỗ sau thuế 81,4 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2022, Apax Holdings có tổng tài sản gần 4.600 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn là hơn 2.400 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền mặt của Apax Holdings lên tới gần 700 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, lớn gấp hơn 2 lần nếu so với cuối quý 3/202. Tuy nhiên, đây là báo cáo tự lập của doanh nghiệp, phần thuyết minh báo cáo tài chính hoàn toàn thiếu diễn giải chi tiết về các khoản mục. Chính vì vậy, tính chính xác và tin cậy của số liệu này vẫn là bỏ ngỏ.