Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (IBC) của ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2022. 

Theo đó, trong quý 4, Apax Holdings ghi nhận doanh thu thuần -45 tỷ và doanh thu tài chính -41 tỷ và chi phí bán hàng cũng -85 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, Apax Holdings lỗ trước thuế 111 tỷ đồng, trái ngược với cùng kỳ năm 2021 đạt doanh thu 352 tỷ đồng và lãi trước thuế 118 tỷ đồng. Tổng cộng quý 4, Apax Holdings báo lỗ trước thuế 110 tỷ đồng và lỗ sau thuế 93 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm 2022, doanh nghiệp của Shark Thuỷ đạt doanh thu 1.336 tỷ, tăng 35% so với kết quả 2021. Tuy nhiên, sau khi trừ đi giá vốn và các chi phí, doanh nghiệp bị lỗ sau thuế hơn 81 tỷ đồng - mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động. 

Năm 2022, Apax Holdings đặt kế hoạch doanh thu 2.190 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 141 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính, công ty mới hoàn thành 61% mục tiêu doanh thu và chưa đạt kế hoạch lợi nhuận đã đề ra.

Lý giải nguyên nhân thua lỗ, Apax Holdings cho biết, doanh thu cung cấp dịch vụ, doanh thu tài chính giảm do bị ảnh hưởng trực tiếp từ suy thoái kinh tế và sự bất ổn trong thị trường đầu tư và thị trường vốn cuối năm 2022. Bên cạnh đó, kết quả hoạt động kinh doanh của Apax English giảm do bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid (chi phí mặt bằng của toàn hệ thống, chi phí vận hành của cả bộ máy) và do ảnh hưởng trực tiếp từ suy thoái kinh tế.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy

Trong quý 4, chi phí lãi vay của IBC phát sinh thêm 35 tỷ, khiến chi phí lãi vay cả năm tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2021 lên 161 tỷ. Chi phí tài chính của công ty trong cả năm tăng mạnh từ 67 tỷ lên 204 tỷ. Trung bình, mỗi ngày công ty của shark Thủy phải trả hơn 400 triệu đồng tiền lãi.

Chi phí quản lý doanh nghiệp trong năm 2022 vừa qua cũng tăng hơn gấp đôi lên 200 tỷ đồng. 

Tại ngày 31/12/2022, nợ phải trả của Apax Holdings là 3.076 tỷ đồng, tăng so với đầu năm, trong đó tổng vay và nợ thuê tài chính (ngắn hạn + dài hạn) là 1.915 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm nhẹ so với đầu năm còn 1.520 tỷ đồng. Tổng tài sản hết năm 2022 đạt gần 4.600 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn là hơn 2.400 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm, lượng tiền mặt của Apax Holdings vẫn khá dồi dào với 737 tỷ đồng tiền và tương đương tiền - tăng nhẹ so với 697 tỷ đồng thời điểm đầu năm. Trong đó, chỉ riêng khoản tiền mặt đạt xấp xỉ 700 tỷ đồng. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp này, lớn gấp hơn 2 lần nếu so với cuối quý 3/2022.

Tính đến cuối năm 2022, Apax Holdings nắm 66,36% vốn tại Công ty CP Anh ngữ Apax (Apax English/Apax Leaders). Ngoài Apax English, Apax Holdings còn sở hữu hai công ty con khác là Công ty CP Phát triển Igarten và Công ty CP Trường liên cấp Firbank Australia.

Thời gian gần đây, Apax Holdings gặp nhiều thông tin tiêu cực như nợ học phí, nợ lương, phải đóng cửa dừng hoạt động. Nhiều phụ huynh đã đề nghị Apax English hoàn trả hàng tỷ đồng tiền học phí khi không thực hiện đúng cam kết đào tạo.

Nhiều người đặt ra câu hỏi, tại sao có lượng tiền mặt khổng lồ như vậy nhưng doanh nghiệp của Shark Thủy lại lien tục khất nợ? Có thể lý giải điều này như sau, đây là báo cáo tự lập của doanh nghiệp, phần thuyết minh báo cáo tài chính hoàn toàn thiếu diễn giải chi tiết về các khoản mục. Chính vì vậy, tính chính xác và tin cậy của số liệu này vẫn là bỏ ngỏ.

Ngoài ra, danh mục tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng là số liệu chính xác và có độ tin cậy lớn. Tuy nhiên, nếu so sánh với Báo cáo tài chính bán niên có soát xét của kiểm toán, mặc dù tiền mặt tăng nhưng tiền gửi các kỳ hạn của Apax Holdings chỉ còn 40 tỷ đồng, giảm mạnh so với số dư 360 tỷ đồng hồi đầu năm. Chính vì vậy, thực hư số tiền mặt 700 tỷ đồng này chính xác tới đâu phải chờ báo cáo tài chính đã soát xét mới chính xác.

Trong một diễn biến khác, trên thị trường chứng khoán, IBC là một trong những cổ phiếu biến động tiêu cực trong khoảng 3 tháng vừa qua. IBC từng ghi nhận chuỗi giảm sàn 25 phiên liên tiếp sau hàng loạt các lùm xùm diễn ra.Về cổ phiếu, giá IBC của Apax Holdings đã liên tục giảm từ mức 20.000 đồng/cổ phiếu xuống còn chưa tới 3.000 đồng/cổ phiếu. Shark Thủy và Egroup cũng liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu.

Sau 2 phiên tăng trần liên tiếp gần nhất, hiện IBC giao dịch ở mức 2.690 đồng/đơn vị, giảm 87% so với mức đỉnh một năm trước.