screenshot-20211126-160632-facebook-1637917635.jpg

Nhà đầu tư chứng khoán nào mà bạn ngưỡng mộ nhất? Warren Buffet của Berkshire Hathaway? Hay Peter Lynch của “Trên đỉnh phố Wall”? Cũng có thể là George Soros – kẻ đánh sập Ngân hàng Anh. Tất cả đều là những huyền thoại. Nhưng hôm nay tôi muốn kể cho bạn nghe cầu chuyện về 02 nhà đầu tư kín tiếng, ít khi xuất hiện trên truyền thông và rất ít người biết đến. Mặc dù vậy, họ đã điều hành một trong những quỹ đầu tư thành công nhất mọi thời đại, đồng thời khám phá ra một mô hình kinh doanh đặc biệt có thể giúp các nhà đầu tư tìm kiếm những công ty có khả năng mang lại lợi nhuận vượt trội. Đó là câu chuyện về Nick Sleep và Qais Zakaria tại Quỹ đầu tư Nomad Investment. Quỹ Nomad, trong giai đoạn từ 2001 – 2013 đã mang lại tỷ suất lợi nhuận tổng cộng 921%, vượt trội so với mức tăng trưởng 117% trong cùng thời kỳ của chỉ số MSCI World Index (một chỉ số theo dõi cổ phiếu của hơn 4.000 công ty trên toàn cầu).

Cũng như cái tên của mình, Quỹ Nomad của Nick Sleep và người đồng sự Qais Zakaria ban đầu hoạt động như những kẻ du mục, lang thang khắp các thị trường chứng khoán trên thế giới để tìm kiếm những khoản đầu tư có thể mang lại lợi nhuận lớn.    

Ban đầu, triết lý đầu tư của Sleep và Zakaria tại Nomad mô phỏng phương pháp của Buffet – tìm và mua những doanh nghiệp đang được bán dưới giá trị. Sleep và Zakaria lùng sục khắp các thị trường từ Anh, Phillipines đến cả Zimbabwe để tìm kiếm những cổ phiếu đang được bán với mức giá rẻ mạt. Chiến lược này nhanh chóng mang lại quả ngọt khi các cổ phiếu hồi phục, mang lại cho Nomad những khoản lợi nhuận gấp đôi, gấp ba, thậm chí là gấp mười lần vốn đầu tư ban đầu. 

Mặc dù vậy, Sleep sớm nhận ra chiến lược này không thể duy trì lâu dài. Khi các thị trường chứng khoán bật tăng trở lại sau những giai đoạn khủng hoảng, thật khó khăn cho Nomad để tìm kiếm các công ty đang được bán với giá rẻ. Có những thời điểm, Sleep và Zakaria gần như đã nghĩ họ không còn cơ hội kiếm tiền từ thị trường chứng khoán. Và đó là lúc một ý tưởng lóe lên trong đầu họ, cũng là lúc họ tìm ra mô hình kinh doanh có thể tạo dựng nên những công ty vĩ đại – mô hình mà họ gọi với cái tên “scale economic shared”.

Mô hình “scale economic shared” bắt nguồn từ việc Sleep nghiên cứu hoạt động của một trong những nhà bán lẻ hàng đầu ở Mỹ - Costco. Costco lúc đó vận hành một mô hình bán hàng chiết khấu, trong đó khách hàng trả 45$ phí thành viên thường niên để được mua sắm tại những kho hàng hóa lớn chất đầy hàng hóa với giá rẻ nhất có thể (giống với mô hình của Metro ở Việt Nam trước đây). Costco đặt biên lợi nhuận các loại hàng hóa không vượt quá 15%, trong khi những nhà bán lẻ khác thường đặt ở mức 30%. Khách hàng của Costco hoàn toàn yên tâm vì luôn được lựa chọn hàng hóa với giá bán rẻ nhất thị trường. 

Đối với đa số nhà phân tích, chiến lược này của Costco không hề hấp dẫn một chút nào do không mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn, dẫn đến báo cáo tài chính không hề đẹp và không thu hút được các nhà đầu tư phố Wall. Tuy nhiên, Sleep và Zakaria nhìn được logic dài hạn trong chiến lược kinh doanh của Costco. Thỏa mãn khách hàng bằng cách mang lại lợi ích thiết thực cho họ sẽ giữ khách hàng quay trở lại và chi tiêu nhiều hơn cho các hàng hóa khác, từ đó tạo ra mức doanh thu khổng lồ cho chuỗi. Và khi có doanh số lớn hơn, Costco càng có thêm vị thế để đàm phán giá cả với các nhà cung cấp, tiếp tục đưa chi phí giảm mạnh hơn nữa. Điều tuyệt vời là Costco không hưởng phần lợi này một mình. Thay vào đó, họ tiếp tục chia sẻ lợi ích kinh tế nhờ quy mô này với khách hàng bằng cách giảm giá bán sâu hơn nữa. Sleep và Zakaria ước tính mỗi thành viên của Costco có thể tiết kiệm 5$ cho mỗi 1$ mà Costco giữ lại cho công ty. 

Chiến lược này tạo ra một vòng tròn hoàn hảo, đưa mô hình kinh doanh của Costco ngày càng trở nên mạnh mẽ. Sleep đã mô tả ngắn gọn như thế này: “Tăng doanh thu dẫn đến hiệu quả về quy mô, dẫn đến chi phí thấp, dẫn đến tăng doanh thu”. 

Đa phần các doanh nghiệp khi phát triển đến một quy mô nhất định sẽ bắt đầu chững lại và trở nên trì trệ. Nhưng Costco thì khác. Với mô hình kinh doanh chia sẻ lợi ích cho khách hàng, Costco đã biến một trong những kẻ thù của các nhà phân tích tài chính – chi phí, trở thành lợi thế giúp công ty trở nên vượt trội trước các đối thủ vốn chỉ tập trung vào lợi ích trước mắt. Biên lợi nhuận thấp của công ty không phải là điểm yếu, mà phản ánh sự kiên nhẫn, một cách trì hoãn những lợi ích ngắn hạn để nhắm đến những mục tiêu lớn lao hơn. Đó chính là phần thưởng lớn nhất đối với những nhà đầu tư nhìn thấy sự ưu việt của mô hình “scale economies shared” và kiên nhẫn với chiến lược dài hạn của công ty. Trong 18 năm Quỹ Nomad nắm giữ, cổ phiếu Costco đã tăng từ 30$ lên mức 380$, chưa kể mức cổ tức hậu hĩnh mà công ty trả cho cổ đông hàng năm. 

Khi đào sâu nghiên cứu mô hình “scale economies shared”, Sleep và Zakaria nhận thấy nhiều doanh nghiệp vượt trội khác cũng đang vận hành theo chiến lược này. Từ Walmart, GEICO, ASOS và đặc biệt là Amazon. Họ cũng nhận ra điểm chung của những doanh nghiệp này – một lãnh đạo có tầm nhìn, tâm huyết với doanh nghiệp, không phải là một CEO được thuê điều hành. Bạn có nhận thấy những tính chất này ở doanh nghiệp nào trên thị trường chứng khoán Việt Nam? 

Tóm tắt những đặc điểm của một doanh nghiệp hoạt động theo mô hình “scale economic shared”

1. Tiết kiệm chi phí nhờ lợi thế quy mô. Chia sẻ những lợi ích từ việc tiết kiệm chi phí đến khách hàng. Từ đó tiếp tục đẩy mạnh doanh số và mở rộng quy mô

2. Có tầm nhìn phát triển trong dài hạn. Không chạy theo lợi nhuận ngắn hạn để làm đẹp báo cáo tài chính

3. Lãnh đạo tâm huyết với doanh nghiệp, có tầm và thường là người sáng lập và gây dựng nên công ty