Cụ thể, UBCKNN cho biết, Cienco4 đã thu về 1.123,6 tỷ đồng từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng vào năm 2023. Chủ trương của đợt chào bán cổ phiếu này đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Cienco4 thông qua từ trước đó một năm, vào tháng 4/2022.
Theo đó, số tiền thu về dự kiến sẽ được dùng để thanh toán các khoản nợ tại ngân hàng; thanh toán các khoản công nợ dự kiến phải trả cho các nhà thầu phụ và nhà cung cấp hàng hóa/dịch vụ; thanh toán tiền mua nguyên vật liệu, vật tư; ứng trước cho nhà thầu và thanh toán chi phí quản lý.
Tuy nhiên, từ ngày 11/5-18/5/2023, ngay sau khi hoàn tất việc chào bán cổ phiếu, Cienco4 đã sử dụng 600 tỷ đồng thu được cho Trustlink vay.
Đáng chú ý, việc thay đổi phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán vừa nêu, với giá trị thay đổi lớn hơn 50% số tiền thu về, của ban lãnh đạo Cienco4 vẫn chưa được ĐHĐCĐ thông qua. UBCKNN cho rằng hành vi này là trái quy định. Do đó, nhà thầu xây dựng danh tiếng đã bị nhà chức trách xử phạt 350 triệu đồng.
Án phạt mới đây của UBCKNN làm dấy lên băn khoăn về cách sử dụng nguồn vốn, cũng như tính thị trường của các đợt chào bán cổ phiếu mà Cienco4 đã thực hiện, VNDirect là đơn vị tư vấn, trong 2 năm trở lại. Sẽ không có gì đáng nói nếu chúng tuân thủ các điều kiện, chuẩn mực và quy định của pháp luật hiện hành.
Đáng chú ý, ở cả hai đợt chào bán, ngay sau khi gỡ phong toả tài khoản, Cienco4 đều chuyển số tiền đáng kể đến cùng một 'địa chỉ', có liên quan đến nhóm VNDirect, là CTCP Đầu tư và Dịch vụ Trustlink (Trustlink).
Một giao dịch như thế được thực hiện vào ngày 4/3/2022. Ngay sau khi có báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 1.123,5 tỷ đồng lên 2.247,1 tỷ đồng, Cienco4 đã giải toả tài khoản phong toả. Cùng ngày, Cienco4 đã ký các hợp đồng cho vay tài sản với Trustlink và chuyển 500 tỷ đồng cho công ty này. Các khoản vay này có thời gian vay từ 1-3 tháng, lãi suất 8,95 - 10%/năm.
Số tiền mà Cienco4 đã ‘gửi’ Trustlink thực tế còn lớn hơn con số tại văn bản nêu trên, là ‘tối đa 555 tỷ đồng’. Bởi, ngày 7/3/2022, doanh nghiệp này đã chuyển tiếp 100 tỷ đồng cho Trustlink. Kết quả truy nguyên nguồn tiền này của cơ quan thanh tra cho thấy, nó khởi phát từ tài khoản phong toả, được Cienco4 chuyển vào tài khoản tại một nhà băng, trước khi ‘chuyển tiếp’ cho Trustlink.
Có lẽ cũng vì thế, đơn vị thanh tra cho rằng, tại ngày 7/3/2022, Cienco4 đã sử dụng 600 tỷ đồng (vượt quá 50%) số tiền thu được từ đợt chào bán cho Trustlink vay. Nhấn mạnh rằng, việc thay đổi phương án sử dụng vốn này chưa được đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Cienco4 thông qua.
Nếu thường xuyên dõi theo các tin tức liên quan đến Cienco4, hẳn nhà đầu tư vẫn còn nhớ về sự xuất hiện của một nữ sinh viên sinh năm 2004 đã chi ra 157 tỷ đồng để mua lại 15,7 triệu cổ phiếu C4G bị ‘ế’ trong đợt chào bán này. Cũng nhờ sự ra mặt của nữ sinh khi ấy mới 19 tuổi, ông lớn ngành xây dựng mới hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên hơn 3.300 tỷ đồng.
Tương tự đợt phát hành trước, ngày 11/5/2023, ngay sau khi giải toả tài khoản phong toả, Cienco4 đã chuyển 550 tỷ đồng cho Trustlink vay. Một ngày trước đó, thượng tầng của công ty này cũng ‘mở đường’ cho giao dịch này bằng việc thông qua nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐQT về việc sử dụng vốn hiệu quả.
Lần này, số tiền tối đa vẫn được giữ ở mức 555 tỷ đồng nhưng nội dung đã có một số thay đổi, theo đó: Công ty được sử dụng số tiền thạm thời nhàn rỗi để gửi/cho vay/mua chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn ngắn tại các tổ chức tài chính, tổ chức kinh tế.
Đến ngày 18/5/2023, Cienco4 chuyển tiếp 50 tỷ đồng cho Trustlink vay. Thời hạn vay từ 18/5/2023 đến ngày 18/8/2023, lãi suất 9%/năm.
Thời điểm này, khoản tiền 550 tỷ đồng Cienco4 cho Trustlink vay ngày 11/5/2023 vẫn chưa được tất toán (chưa trả bất kỳ khoản gốc lãi nào). Như vậy, Cienco4 tiếp tục sử dụng quá 50% số tiền thu được từ đợt chào bán cho Trustlink vay mà chưa được ĐHĐCĐ thông qua.
---------------------------
Nguồn: DFF