Giá vàng đang nhảy múa liên tục, phá đỉnh mọi thời đại và đang chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong nước, giá vàng cũng liên tục biến động, lên xuống liên tục. Hiện tại, các công ty vàng bạc đang niêm yết giá bán vàng SJC quanh mức 81,8 triệu đồng/lượng.
Nếu so với khoảng chục năm trước, thời điểm cuối năm 2014, giá vàng hiện tại đã tăng hơn gấp đôi. Còn nếu so xa hơn, khoảng 20 năm trước, giá vàng đã tăng gấp chục lần.
Sacombank đang dính khoản nợ xấu hơn 5.800 lượng vàng
Ngân hàng Sacombank (STB) đang “dính” một khoản nợ xấu bằng vàng, khối lượng “khủng” hơn nhiều. Đây là khoản vay của một doanh nghiệp từ hơn chục năm trước - năm 2009.
Cụ thể, CTCP Kinh doanh Thủy Hải sản Sài Gòn (mã chứng khoán APT) công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023.
Nội dung ghi nhận công ty còn khoản nợ quá hạn chưa thanh toán tại Sacombank hơn 538 tỷ đồng tiền gốc. Số gốc này phát sinh lãi đến 836 tỷ đồng. Đáng chú ý, tồn tại khoản vay chưa thanh toán được, nhưng nợ gốc của công ty tại Sacombank trong năm 2023 vừa qua vẫn ghi nhận tăng 34 tỷ đồng (từ 504 tỷ đồng đầu năm lên 538 tỷ đồng).
Khoản vay của Thủy Hải sản Sài Gòn tại Sacombank phát sinh từ năm 2009, trong đó khoản vay bằng tiền mặt hạn mức tín dụng 103 tỷ đồng, lãi suất 12%/năm. Hợp đồng này quá hạn thanh toán nhưng công ty chưa có khả năng trả.
Ngoài ra cũng trong năm 2009 doanh nghiệp này còn có khoản vay 5.833 lượng vàng SJC. Đến nay tạm tính theo thời giá vàng ngày 8/4/2024 là 81,8 triệu đồng/lượng, thì giá trị số vàng này khoảng 477 tỷ đồng. Lãi suất cho vay theo hợp đồng 10,8%/năm.
Như vậy, tính cả gốc và lãi, Sacombank đang "mắc kẹt" tại Công ty Thủy Hải sản Sài Gòn số tiền gần 1.400 tỷ đồng, trong đó phần lớn là tiền liên quan số vàng 5.833 lượng.
Tháng 6/2022 Thủy sản Sài Gòn công bố thông tin công ty là bị đơn trong vụ án dân sự “tranh chấp hợp đồng tín dụng” với Sacombank.
"Con nợ" của Sacombank đang âm vốn chủ sở hữu 1.264 tỷ đồng
Nợ khủng không có khả năng thanh toán của Thủy Hải sản Sài Gòn cũng dễ hiểu khi công ty đang kinh doanh bết bát. Năm 2023 vừa qua công ty lỗ tiếp 136 tỷ đồng, kéo dài chuỗi kinh doanh thua lỗ lên ít nhất đến 9 năm, từ 2015 đến nay.
Thua lỗ triền miên, Thủy Hải sản Sài Gòn đã âm vốn chủ sở hữu 1.264 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu có 88 tỷ đồng. Tổng tài sản còn 170 tỷ đồng trong khi nợ phải trả lên đến 1.435 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu những năm gần đây của công ty khá ổn định quanh mức 250 tỷ đồng, thậm chí trước đó doanh thu vượt 300 tỷ đồng đến 350 tỷ đồng. Lãi gộp từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đạt trên 40 tỷ đồng.
Tuy vậy gánh nặng chi phí tài chính mà chủ yếu là chi phí lãi vay và lỗ đánh giá lại số dư nợ gốc khoản vay vàng của Sacombank đã thổi bay lợi nhuận. Khoản chi phí tài chính này chiếm hàng trăm tỷ mỗi năm, trong đó năm 2022, 2023 đều trên 140 tỷ đồng.
APT cũng "gặp xui" khi dính hơn 72 tỷ đồng nợ xấu khó đòi từ các cá nhân và đối tác, khiến tình hình tài chính không thuận lợi.
Những câu chuyện dở khóc dở cười
Không chỉ Sacombank, nhiều ngân hàng cũng đang mắc kẹt với những khoản nợ vàng "khủng", những câu chuyện dở khóc dở cười không biết bao giờ xử lý xong.
Mới đây ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) rao bán 2 khoản nợ cá nhân là ông T.A.T và bà V.T.T với số nợ hàng hơn 2.000 chỉ vàng SJC và hơn 90 tỷ đồng tiền mặt.
Tài sản đảm bảo cho các khoản nợ trên gồm 4 quyền sở hữu nhà đất tại TP HCM. Agribank đang phải rao bán khoản nợ này với giá khởi điểm khoảng bằng một nửa.
Cũng là nợ vàng tại Agribank, trước đó khoản nợ của một khách hàng cá nhân là bà Doãn Thị Ngân cũng được cộng đồng chú ý. Đây là khoản nợ phát sinh từ 20 năm trước, tháng 4/2004, trong đó khoản vay là gần 2.150 chỉ vàng SJC.
Thời điểm vay giá khoảng 6,66 triệu đồng/chỉ. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là căn nhà/đất tại thành phố Thủ Đức, được cấp quyền sử dụng đất từ năm 2003.
Câu chuyện của Agribank và bà Doãn Thị Ngân, ông T.A.T, bà V.T.T không hiếm khi rất nhiều khoản “nợ xấu” bằng vàng chưa được trả trong bối cảnh giá vàng leo thang.
Hồ Nga
Theo Chất lượng và Cuộc sống