Sacombank sẽ bán 81,6 triệu cổ phiếu quỹ trong tháng 7

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) mới đây là đã công bố phương án chi tiết về việc bán gần 81,6 triệu cổ phiếu quỹ.

Cụ thể, số cổ phiếu quỹ này dự kiến được bán từ ngày 1/7 đến 30/7, theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Tuy nhiên, số lượng cổ phiếu tối đa được bán theo phương thức thỏa thuận là 20.087 cổ phiếu.

Khối lượng đặt bán trong mỗi ngày sẽ dao động trong khoảng mức tối thiểu từ 3% tổng số cổ phiếu đăng ký bán (tương đương 2,5 triệu cp/phiên) và tối đa là 10% (tương đương hơn 8,1 triệu cp/phiên). Giá đặt bán trong ngày không được thấp hơn 96,5% giá tham chiếu.

Tạm tính theo mức giá đóng cửa của cổ phiếu STB ngày 23/6 (là 29.750 đồng/cp), Sacombank có thể thu về 2.430 tỉ đồng từ thương vụ này.

Việc bán cổ phiếu quỹ được thực hiện theo đề án tái cơ cấu ngân hàng sau sáp nhập. Số cổ phiếu này đươc hình thành từ việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) và Sacombank hồi năm 2015.

Trước đó, vào năm 2018, Sacombank cũng từng có chủ trương bán hết số cổ phiếu quỹ này nhưng không thành công.

Lợi và hại của việc bán cổ phiếu quỹ đối với cổ đông

Ảnh hưởng đầu tiên và dễ nhận biết từ động thái bán cổ phiếu quỹ của Sacombank là sự gia tăng về lượng cung cổ phiếu STB trên thị trường chứng khoán. Trong trường hợp lượng cầu không đổi, sự gia tăng nguồn cung sẽ gây ra áp lực giảm giá cổ phiếu.

Số liệu giao dịch cho thấy khối lượng giao dịch bình quân của cổ phiếu STB từ đầu năm đến nay là khoảng 36,3 triệu đơn vị/phiên. Do đó, lượng bán dao động trong khoảng 2,5 – 8,1 triệu đơn vị/phiên sẽ tương đương khoảng 6,9% – 22,3% thanh khoản của một ngày giao dịch.

z2570232951707-2e2f3cdea431b2c91e3b812059496d0a-1624436759.jpg
Diễn biến cổ phiếu STB kể từ đầu năm. (Nguồn: Tradingview)

Mặc dù tác động của việc bán cổ phiếu quỹ đối với diễn biến giá cổ phiếu STB là rất khó định lượng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận là thông tin này cũng như hoạt động bán cổ phiếu quỹ của Sacombank đã, đang và sẽ tác động đến tâm lý của nhà đầu tư. 

Dữ liệu của HOSE cho thấy kể từ khi xuất hiện thông tin Sacombank bán cổ phiếu quỹ (11/6), thị giá STB đã giảm gần 2,5%.

Bên cạnh ảnh hưởng đến cung cầu cổ phiếu mang tính ngắn hạn, việc bán cổ phiếu quỹ của Sacombank cũng tác động đến những yếu tố cơ bản, dài hạn của ngân hàng nhưng theo chiều hướng tích cực.

Về tài chính, giao dịch này giúp ngân hàng thu về một lượng tiền mặt ‘’khổng lồ’’, có thể lên tới hơn 2.400 tỷ nếu bán được toàn bộ 81,6 triệu cổ phiếu tại vùng giá 30.000 đồng/cp. Lượng ‘’tiền tươi’’ này sẽ giúp thanh khoản ngân hàng trở nên dồi dào, tạo dư địa để giảm chi phí vốn huy động và đẩy mạnh hoạt động cho vay.

Mặt khác, vào cuối tháng 3, giá trị lượng cổ phiếu quỹ này được Sacombank hạch toán là gần 750,9 tỉ đồng, tương đương 9.206,5 đồng/cp. Do đó, nếu bán thành công với giá bình quân 30.000 đồng/cp, ngân hàng này có thể ghi nhận khoản lãi ròng khoảng 1.700 tỉ đồng. Con số này sẽ được hạch toán trực tiếp vào khoản mục thặng dư vốn cổ phần, qua đó làm gia tăng vốn tự có của Sacombank.

Vốn tự có ‘’dày hơn’’ sẽ giúp cải thiện các hệ số an toàn vốn ngân hàng và là cơ sở để cơ quan quản lý ''thoáng hơn'' trong việc cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng. Được biết, đến hết tháng 5, Sacombank đã sử dụng hết room tín dụng theo chỉ tiêu NHNN cấp và đang tiến hành xin NHNN nới room.

Đồng thời, nguồn vốn thu về từ bán cổ phiếu quỹ hoàn toàn có thể được Sacombank kết chuyển tăng vốn điều lệ. Đã gần 6 năm kể từ ngày sáp nhập với SouthernBank, Sacombank chưa thực hiện tăng vốn điều lệ trong khi các ngân hàng cùng quy mô tài sản như ACB, MB, VPBank đều đã tăng gần gấp đôi.

z2570123513688-1ee7d4a3db1821b0ff9153566bdeb2c0-1624436762.jpg
Giá trị lượng cổ phiếu quỹ Sacombank đang nắm giữ. (Nguồn: BCTC quý I/2021)