
Mới đây, kết quả kinh doanh quý II của Sabeco cho hay doanh nghiệp này ghi nhận lãi hơn 1.200 tỷ đồng trong quý II, nhỉnh hơn quý đầu năm nhưng giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái - giai đoạn công ty lập kỷ lục lợi nhuận. Nguyên nhân chính mà ban lãnh đạo công ty này lý giải là vì sự cạnh tranh khốc liệt với các hãng bia quốc tế.
Việc cạnh tranh thị phần buộc Sabeco phải đầu tư nhiều hơn cho hoạt động tiếp thị, mở rộng kênh phân phối nên chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng theo.
Một phần cũng vì quý II/2022 là thời điểm Sabeco lập kỷ lục lợi nhuận nhờ sức mua tăng vọt sau dịch, nên mức giảm mới lên đến 32%. Kết quả kinh doanh năm nay kém khả quan bởi quy định xử phạt người uống bia rượu khi tham gia giao thông, bên cạnh đó là chi phí bao bì, nguyên vật liệu đều cao hơn trước trong khi kinh tế trong nước tăng trưởng chậm mà lượng tiêu thụ giảm.
Lũy kế nửa đầu năm, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần hơn 14.500 tỷ đồng, mới hoàn thành 36% kế hoạch và lãi sau thuế hơn 2.200 tỷ đồng - tương đương hoàn thành 38% mục tiêu cả năm.
Đầu năm 2023, ban lãnh đạo Sabeco đã từng đưa ra nhận định cho rằng ngành bia Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng khi thu nhập của người dân tăng nhanh, cộng thêm tiềm năng lớn từ phân khúc "bia không cồn" và xuất khẩu. Vì vậy, Sabeco đã tự tin đặt mục tiêu tăng 15% doanh thu lên 40.272 tỷ đồng và tăng 5% lợi nhuận lên 5.775 tỷ đồng để xác lập đỉnh cao mới.
Tuy nhiên, đa số các công ty chứng khoán dự báo doanh thu và lợi nhuận Sabeco năm nay khó đạt kỳ vọng vì người tiêu dùng "thắt lưng buộc bụng" sẽ làm cho ngành bia đang tăng trưởng chậm lại.
Tính đến cuối tháng 6/2023, Sabeco có tổng nguồn vốn hơn 33.600 tỷ đồng, trong đó phân nửa là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Công ty này hiện đang nắm giữ lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng hơn 22.300 tỷ đồng.