
Theo Bloomberg, Sea Limited gần đây đã thông báo tăng lương khoảng 5% cho hầu hết nhân viên của mình sau khi bắt đầu có lãi nhờ đẩy mạnh cắt giảm chi phí vào thời điểm ngành công nghệ đang rơi vào suy thoái.
Tỷ phú Forrest Li đã nêu rõ đối tượng thuộc diện tăng lương là những nhân viên đã ký hợp đồng trước tháng 4 trong một bản ghi nhớ nội bộ. Theo đó, chính sách này có hiệu lực bắt đầu từ tháng 7 tới.
Sau khi số dư tiền mặt tăng dần thay vì giảm ở mỗi quý, hiện nay công ty mẹ Shopee đã có thể "tự cung tự cấp", theo người sáng lập của Sea cho biết.
Trong quý 4/2022, công ty này đã đạt lãi ròng ở mức 426,8 triệu USD nhờ vào chiến lược cắt giảm chi phí mạnh mẽ, đây là quý đầu tiên có lãi sau 14 năm thành lập của Sea. Doanh thu trong cùng quý cũng theo đó tăng trưởng chậm lại đáng kể, nhưng vẫn vượt ngưỡng kỳ vọng tăng 7,1% lên 3,5 tỷ USD. Việc tăng lương cho nhân viên được xem là tín hiệu đáng mừng, cho thấy công ty chủ quản của Shopee đang bắt đầu trở mình.
Năm ngoái, nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, trò chơi và công nghệ tài chính (fintech) có trụ sở tại Singapore này đã cắt giảm hơn 7.000 nhân sự, tương đương 10% tổng số nhân viên tại đây. Mới đây, vào tháng 3 vừa qua, Sea cũng cắt giảm nhiều vị trí tại chi nhánh Shopee ở Indonesia, ước tính có khoảng 500 người bị ảnh hưởng. Trước đó, tính đến cuối năm 2021, có khoảng 67.000 nhân sự đang làm việc tại Sea.
Bên cạnh đó, Sea cũng cắt giảm lương, chi ngân sách cho nhân viên và ban lãnh đạo, giúp cho công ty có lãi trong quý cuối cùng của năm 2022. Công ty này còn thẳng tay giam lương của một số nhân viên, đồng thời cắt giảm hơn 700 triệu USD từ chi phí cho bán hàng cũng như tiếp thị.
Thêm vào đó, Sea Limited cũng đã ra quyết định đóng cửa chi nhánh tại Ấn Độ và một số nước châu Âu nhằm tối ưu chi phí để đạt được dòng tiền dương.