18 năm, 3,5 tỷ đô la Mỹ vào ngành ô tô

Thaco Trường Hải gần đây cho biết sau 18 năm đầu tư và phát triển, khu công nghiệp Thaco Chu Lai hiện có tổng diện tích hơn 1.280 ha, tổng vốn đầu tư là 3,5 tỷ đô la Mỹ với 35 công ty, đơn vị và hơn 9.000 nhân sự. Thaco Chu Lai được xem là trung tâm công nghiệp ô tô và logistics tập trung có quy mô lớn nhất cả nước và thuộc top đầu khu vực Đông Nam Á.

1-20200308-kph-new-1635059144.jpg
nhà máy Thaco Chu Lai

Hiện nay, Thaco Chu Lai đang được đầu tư phát triển thành hệ sinh thái đa ngành (sản xuất ô tô, cơ khí & công nghiệp hỗ trợ, logistics, nông nghiệp, đô thị, thương mại - dịch vụ và du lịch công nghiệp) có hạ tầng đồng bộ, sinh thái và thông minh tại Quảng Nam, miền Trung Việt Nam, kết nối với Tây Nguyên, Lào, Campuchia.

Hệ sinh thái đa ngành Thaco Chu Lai bao gồm các phân khu: KCN ô tô, cơ khí & công nghiệp hỗ trợ, KCN nông - lâm nghiệp, khu đô thị và du lịch, khu đô thị và dịch vụ, cảng và hậu cần cảng, cảng du lịch.

Với chiến lược phát triển cơ khí và công nghiệp hỗ trợ thành ngành sản xuất kinh doanh chính, năm 2021, Thaco thành lập Tổng công ty cơ khí và công nghiệp hỗ trợ.

webcars-1589168319-5283-1589170017-680x0-1634983559.jpg

Khu công nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô và cơ khí Thaco Chu Lai có diện tích 120ha, tổng vốn đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, gồm 13 nhà máy linh kiện phụ tùng và 1 tổ hợp cơ khí Thaco Chu Lai với hơn 4.900 nhân sự. Các nhà máy được trang bị hệ thống dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại chuyển giao từ Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị từ nghiên cứu và phát triển sản phẩm, sản xuất và gia công, xử lý bề mặt, lắp ráp và lắp đặt, cung ứng (khách hàng trong nước và xuất khẩu)…", đại diện Thaco cho biết.

Ngoài ra, từ năm 2021 Thaco đã phát triển cơ khí trở thành ngành kinh doanh chính; đồng thời phát triển tổ hợp cơ khí Thaco Chu Lai thành trung tâm cơ khí đa dụng của đất nước tại miền Trung. Trung tâm có chức năng cung cấp các sản phẩm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ thông qua liên kết với các doanh nghiệp lớn để phát triển sản xuất kinh doanh, gia công theo chuỗi giá trị; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ trong các công đoạn, công nghệ, thiết bị còn thiếu hay chia sẻ một số công đoạn trong chuỗi giá trị.

"Mặc dù dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, thời gian qua, nhiều mặt hàng linh kiện phụ tùng và cơ khí xuất khẩu vẫn tăng về số lượng lẫn giá trị. Công ty đã xuất khẩu hàng loạt sản phẩm sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Campuchia... Trong 9 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu tăng hơn 90% so với cùng kỳ 2020. Công ty hiện đang tập trung sản xuất các đơn hàng lớn sẽ được xuất khẩu sang nhiều thị trường mới như Anh, Tây Ban Nha, Đức, Israel, Canada... Dự kiến năm 2021, doanh thu xuất khẩu linh kiện phụ tùng và cơ khí đạt hơn 65,3 triệu đô la Mỹ. Kế hoạch năm 2022 sẽ xuất khẩu hơn 164 triệu đô la Mỹ (tăng gấp 2,5 lần)", Thaco nhấn mạnh.

cang-chu-lai-thuoc-thaco-cua-ngo-xuat-nhap-khau-hang-hoa-moi-tai-mien-trung-1635059266.png
Cảng Chu Lai (thuộc THACO) - cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hoá mới tại miền Trung

Tham vọng của tỷ phú Trần Bá Dương

Ông Trần Bá Dương, chủ tịch tập đoàn Thaco Trường Hải cho biết, tập đoàn đã phát triển được ngành cơ khí và ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong giai đoạn sắp tới, chiến lược phát triển của Thaco là từ một công ty sản xuất kinh doanh ô tô trở thành một tập đoàn công nghiệp đa ngành, gồm 2 tập đoàn trực thuộc là ô tô và nông nghiệp và 4 tổng công ty trực thuộc gồm: Tổng công ty về cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, tổng công ty về giao nhận vận chuyển – logistics, tổng công ty về đầu tư xây dựng và tổng công ty về thương mại – dịch vụ.

"Triết lý của chúng tôi là làm thật, tạo ra giá trị thật và làm một cách bài bản từ thấp lên cao, từ nhỏ đến lớn và chọn lựa các mục tiêu. Cùng với mục tiêu chúng tôi đưa ra các mô hình quản trị một cách hợp lý. Trong mô hình quản trị bao gồm quản trị nội bộ, bao gồm cả quản trị một chuỗi giá trị sản xuất, mở ra trong giai đoạn mới là sự hợp tác và hình thành một hệ sinh thái, ông Trần Bá Dương nhấn mạnh.

Triển vọng ngành cơ khí của doanh nghiệp cũng khá khả quan. Dịch COVID-19 từ năm ngoái đã bộc lộ nhu cầu cơ khí của cả nước, lúc đó Thaco đã cung cấp rất nhiều linh kiện trong y tế. Đồng thời, sau dịch bệnh, có một sự chuyển đổi đặt hàng nhiều hơn. Riêng gia công cơ khí năm nay tăng gấp đôi, nhất là xuất khẩu.

tran-ba-duong-2-1634983681.jpg
Ông Trần Bá Dương

Năm 2021, xuất khẩu về cơ khí ước đạt 200 triệu đô la Mỹ. Đó là lý do Thaco đầu tư phát triển lớn hơn, đầu tư sắp tới ước tính là 2.000 tỷ đồng và phải làm cho kịp trong năm 2022. Khi chuyển đổi, nâng cấp sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của Thaco thì phải có sự tổ chức lại, không còn ở trong nội bộ mà phát triển ra bên ngoài.

Năm 2021, tập đoàn cũng đặt mục tiêu doanh thu thuần 81.800 tỷ đồng, tương đương 3,6 tỷ đô la Mỹ và lợi nhuận sau thuế 5.380 tỷ đồng. So với kết quả năm 2020, kế hoạch này của tỷ phú Trần Bá Dương đầy tham vọng khi doanh thu dự kiến tăng 29% và lợi nhuận tăng 41%. 

Năm ngoái, doanh thu thuần của tập đoàn đạt 63.560 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019 nhưng lãi ròng giảm 21% còn 3.817 tỷ đồng. Tập đoàn này cũng chi 7.586 tỷ đồng cho các hoạt động đầu tư năm 2020.

Tiếp tục các kế hoạch niêm yết còn dở dang

Hồi tháng 5, Thaco đã bị huỷ đăng ký đại chúng vì không đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng gần đây vì 2 nhóm cổ đông lớn sở hữu đến 97,6% cổ phần tập đoàn. Do đó, tập đoàn không thỏa mãn điều kiện tối thiểu 10% cổ phần có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ để tiếp tục là công ty đại chúng. 

Tuy nhiên, tập đoàn sẽ thực hiện đăng ký công ty đại chúng cho các tập đoàn con, tổng công ty thời gian tới, mở đầu là Thaco Auto.  

"Thaco Auto sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần sẽ phát hành cổ phiếu cho người lao động để thỏa mãn điều kiện 10% số cổ phần biểu quyết của các nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn. Trong thời gian sớm nhất, công ty sẽ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chuyển thành công ty đại chúng và niêm yết tại thời điểm thích hợp theo Luật Chứng khoán mới", tỷ phú Trần Bá Dương cam kết với cổ đông hồi cuối tháng 6.

Đồng thời, các tập đoàn con, tổng công ty thuộc tập đoàn đều có kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng (ESOP) cho nhân viên trong quá trình hướng tới mô hình công ty đại chúng.