202788026-2995932837393663-1374641886862517304-n-1624251622.jpg
 

Tập này hơi hụt hẫng, tưởng có gì cao trào nhưng lại hết sớm. My storage: không tệ nhưng không có gì đáng kể để bình luận. Còn Luminus: không hiểu sao startup này được vào vòng ghi hình.

Còn mỗi Cuccu.vn.

Mô hình này khá lí thú, tôi cũng biết chút ít, thay vì bình luận show tôi sẽ phân tích kỹ hơn.

Các nhà sản xuất và nhập khẩu sẽ có các kênh sau để hàng hóa tới tay người tiêu dùng:

- MT (modern trade): bán qua siêu thị, siêu thị điện máy.

- GT (general trade): bán qua kênh phân phối: nhà phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ

- Qua platform: Tiki, Shopee, Lazda, Sendo…

- D2C (direct to consumers): bán trực tiếp qua cửa hàng độc quyền, cửa hàng trưng bày, hoặc qua website của công ty

- Qua kênh tiểu ngạch, không chính thống: cộng tác viên - CTV là các chị các mẹ chuyên bán hàng online như Lê Dương Bảo Lâm.

3 kênh đầu tiên phải chiếm từ 90-100% doanh số của đại đa số các ngành hàng. D2C là xu hướng nhưng chỉ chiếm khoảng 5-10%.

Kênh tiểu ngạch là một xu hướng mới nổi, nghe thì hấp dẫn nhưng kén chọn chứ không phải ai cũng phù hợp. Trong kênh này, CTV có 2 lựa chọn:

- Hoặc là họ nhập một số lượng hàng lớn với giá sỉ, rồi bán lẻ với giá cao hơn. Lãi từ chênh lệch hấp dẫn nhưng chi phí vận hành rất lớn: lưu kho, vận chuyển, thanh toán, hậu mãi… Đa số CTV ôm hàng thường có thất bại rất thương tâm.

- Hoặc là Dropship. Đây là mô hình bán mà CTV không phải nhập hàng, không phải lưu kho, thậm chí không thấy hàng bao giờ. Nhà sản xuất/nhập khẩu/đại lý sỉ đã làm hầu hết các việc cần thiết: từ chụp ảnh, viết bài, đánh giá…CTV chỉ có việc Copy và đăng trên kênh bán của mình (Facebook, Zalo, Instagram…) Một khi có người mua, hàng hoá sẽ chạy thẳng từ kho của nhà sản xuất/nhập khẩu/đại lý tới người tiêu dùng mà không qua tay CTV - dropship là từ khái niệm như vậy.

Nhà sản xuất/phân phối/đại lý muốn có nhiều CTV. Trong khi đó, CTV muốn đa dạng hoá mặt hàng và sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ tất cả các nhà sản xuất.

Cuccu.vn chính là cầu nối cho 2 đối tượng đó gặp nhau.

Nhưng mọi việc không đơn giản như thế. Hãy nhìn vào hình vẽ tay, tôi sẽ có những phân tích cụ thể.

Giả sử chiết khấu thương mại trên kênh bán là 30%. Tương đương giá vốn là 70, giá tới tay người tiêu dùng cuối là 100, chiết khấu là 30 cho các khâu trung gian. Nghĩa là đối với bất kỳ đối tượng nào, kể cả CTV, chiết khấu cao nhất là 30.

Tuy nhiên, chẳng bao giờ CTV được chiết khấu bằng với Nhà phân phối. Vì nhà phân phối luôn là đối tác chiến lược, trong khi CTV chỉ là kênh bổ sung. Không một nhà sản xuất nào liều lĩnh đánh đổi đối tác chiến lược với CTV cả.

Tôi đã download, cài đặt, đăng ký trở thành CTV trên cuccu, sau đó kiểm tra giá dành cho CTV và giá trên Shopee.

- Giá chảo bầu Anod sunhouse trên cuccu giá trước chiết khấu là 570k, chiết khấu cao nhất là 28%, tương đương 160k, giá gốc là 410k. Trong khi đó giá trên Shopee là 320k.

- Tương tự, kem chống nắng Missha giá sau chiết khấu cao nhất là 210k, trong khi có thể mua dễ dàng trên shopee với giá 190k.

Nghĩa là muốn bán có lời, CTV phải bán chảo với giá cao hơn 410k và bán kem giá cao hơn 210k, trong khi người tiêu dùng có thể mua với giá rẻ hơn nhiều trên Shopee.

Tóm lại, kênh CTV chỉ sống khỏe khi bán sản phẩm chưa có kênh phân phối chính thống, hàng xách tay, hàng độc, hoặc sản phẩm từ nhà vườn, hộ kinh doanh (trái cây, rau củ quả…) như gần đây cuccu đang đẩy mạnh.

Các sản phẩm đã bán chính thống ngoài MT, GT sẽ khiến CTV rất khó cạnh tranh về giá. Một số CTV giỏi có thể bán tốt hàng dù giá không thấp hơn, nhưng số lượng này không nhiều và không đủ để cuccu sống khỏe mạnh.

Cuccu là một startup có mô hình tiên tiến (dù không phải đầu tiên tại Vn), founder Thắng cũng là một thuyền trưởng kinh nghiệm (nhìn cách bạn ấy xử lý các câu hỏi của Sharks sẽ thấy điều đó), cộng đồng chị em bán hàng online của shark Liên có thể là một lực đẩy tốt để cuccu vượt qua khỏi lằn ranh của một startup bình bình.

Tuy nhiên khó khăn phía trước rất nhiều, hãy chờ xem!

Tác giả: Nam Nguyen