
Avatar: The Way of Water vẫn sẽ là một "global phenomenon" - hiện tượng điện ảnh mang tính toàn cầu thôi, điều mà rất rất hiếm nhà làm phim có thể làm được như James Cameron. Trong 3 thập niên qua, chỉ với 3 bộ phim là Titanic (1997), Avatar (2009) và Avatar: The Way of Water, James Cameron đã tạo ra ba "cuộc cách mạng điện ảnh" về doanh thu phòng vé. Titanic giữ kỷ lục phim ăn khách nhất toàn cầu trong 12 năm, rồi bị xô đổ bởi Avatar của cùng cha đẻ, và rất có thể Avatar lại bị soán ngôi bởi đứa em sinh sau 13 năm.
Avatar: The Way of Water vẫn là một hiện tượng giải trí hiếm có dành cho khán giả đại chúng, một bộ phim kì vĩ về nhiều mặt. Thế nhưng, phần tiếp theo thiếu hẳn một tầm nhìn mang tính kiến tạo như cách James Cameron đã từng tạo ra với các bộ phim trước của ông như Terminator (1984), Terminator: Judgment Day (1991), Titanic (1997) và Avatar (2009).
James Cameron, với tôi, cũng giống như Steve Jobs trong làng công nghệ, là những kẻ xuất chúng hiếm hoi với tầm nhìn kiến tạo, có thể tạo ra những tác phẩm mang tính cách mạng và đi trước thời đại.
Đáng tiếc, tôi không nhìn thấy điều đó ở Avatar: The Way of Water. Nó giống như một phiên bản nối dài của Avatar hơn là một phần tiếp theo với sự sáng tạo mang tính đột phá, như cách James từng làm được với Terminator: Judgment Day. Nói cách khác, ta vẫn được mãn nhãn, mãn nhĩ, nhưng ta không còn được sửng sốt, sững sờ, được "wow" lên trước thứ điện ảnh đậm chất ma thuật và được chứng kiến một kỳ quan di động trước mắt mình như phần trước.
Tôi không biết điều này là do kỹ xảo, hiệu ứng điện ảnh đã vượt trội trong 13 năm qua hay do tầm nhìn, sự sáng tạo của James Cameron đã bị "lão hóa" theo độ tuổi của ông. Tôi chỉ biết rằng, dù vẫn được thỏa mãn với một siêu phẩm bom tấn đắt giá nhất, cảm xúc suốt 192 phút của tôi với bộ phim này "phẳng lì" và hầu như không có cảnh nào chạm được vào phần "soul", như cách mà Avatar đã làm được 13 năm trước.
Nói cách khác, James Cameron thiếu hẳn một tầm nhìn kiến tạo để mang lại một thứ ma thuật điện ảnh khiến người xem được bay bổng với trí tưởng tượng, ông chỉ tạo ra được một bộ phim bom tấn thỏa mãn thị hiếu khán giả đại chúng đương thời. Hay nói như một bài phê bình gay gắt trên tờ Telegraph (tờ này, dã man - chấm bộ phim 1/5 sao) của Anh, gọi đây là một siêu phẩm kiểu “no thoughts, just vibes” - mượn cụm từ yêu thích của gen Z.
Phải chăng, áp lực thu hồi vốn (hoặc tạo kỷ lục?) trước khoản kinh phí đầu tư khổng lồ và sự kéo dài của thời gian sáng tạo khiến tầm nhìn của James Cameron trở nên hạn hẹp và cũ đi? Và thay vì tạo ra một thứ điện ảnh đi trước thời đại dẫn dắt khán giả hoặc khiến khán giả phải "ngưỡng vọng", ông làm ra một thứ điện ảnh ve vuốt thị hiếu và cảm xúc của họ?

Quả vậy, cuộc phiêu du của trí tưởng tượng trong Avatar được khởi đi từ một ý tưởng lớn, lấy bối cảnh tương lai diễn ra vào năm 2154. Hành tinh trái đất lúc đó đã cạn kiệt năng lượng, loài người tìm cách giải quyết khủng hoảng an ninh năng lượng bằng cách xâm chiếm một hành tinh xa xôi là Pandora nhờ sự đột phá của công nghệ để con người có thể "thế thân", nhằm khai thác một loại khoáng chất mới có tên là “unobtanium.” Một thứ "chủ nghĩa thực dân" kiểu mới đến từ sự tham lam của loài người trên một hành tinh khác của thời tương lai.
Nhưng cuối cùng, kẻ "thế thân" Jake Sully lại bị chinh phục rồi phải lòng hành tinh và tộc người kỳ diệu này qua mối tình với nàng công chúa Neytiri... Đó là một thứ motif điện ảnh không mới, từng được Kevin Costner thể hiện trong bộ phim đậm chất sử thi Dances with Wolves hay The New World của Terrence Malick. Nhưng qua tầm nhìn kiến tạo của James Cameron kết hợp với công nghệ trong việc tạo ra những hiệu ứng hình ảnh, ông đã làm nên một cuộc cách mạng điện ảnh khiến cả Hollywood phải chạy theo nếu không bị bỏ lại đằng sau.
Avatar: The Way of Water gần như không tạo ra được một ý tưởng nào mới hơn, hoặc nếu có, cũng không đủ để tạo ra một bước ngoặt nào về cốt truyện. Vì thế, những trận chiến giữa "người trời" với người Na'vi gần như lặp lại hoặc nối dài phần trước dù được "đầu tư" hơn hẳn về phần nhìn. Hành động của viên đại tá Miles Quaritch - nhân vật phản diện nguy hiểm nhất trong phần trước trở nên ngớ ngẩn dù được làm sống lại qua hình thức "thế thân", vì thiếu hẳn động cơ và mục đích lớn, chỉ đơn giản là... trả thù Jake Sully. Từ đây, James dẫn dắt khán giả bước vào một cuộc phiêu lưu mới khi Jake đưa gia đình mình đến "lánh nạn" ở Metkayina, một bộ tộc sống kiểu "lưỡng cư" vừa dưới nước vừa trên cạn. Và hơn 2 tiếng đồng hồ dài dòng sau của bộ phim, đây trở thành bối cảnh chính của bộ phim với vô số hình ảnh đẹp kiểu eye-candy (nịnh mắt), thậm chí còn hơi "tourist" với màu nước biển xanh ngọc lục bảo kiểu Madives, cùng những thông điệp về môi trường khá "sáo" và "sến" mà thiếu hẳn sự kỳ bí, nguy hiểm và hấp dẫn của một "đại dương sâu thẳm", như cách James Cameron đã từng tạo ra trong bộ phim thời đầu Abyss (Vực thẳm) hay thậm chí là Titanic.

Sự lặp lại và kéo dài của phần trước khiến phần tiếp theo này mất đi sự "nguyên bản", trong khi sự phát triển mới về kịch bản thiếu hẳn một động cơ hoặc mục đích lớn để kiến tạo cái mới - như cách James Cameron từng kiến tạo sau một tác phẩm lớn được ấp ủ nhiều năm trời; Avatar: The Way of Water trở thành một siêu phẩm khổng lồ về "body" nhưng thiếu "mind" (trí tưởng tượng) và "soul" (linh hồn) để nó có thể bay cao.
Còn tôi thì sau khi ngồi nhất quyết nín đái đến 192 phút thì lo lắng không biết James Cameron sẽ "vẽ" ra gì tiếp cho 3 phần tiếp theo đây, không lẽ cứ lặp đi lặp lại những trận chiến long trời lở đất giữa "người rừng" với "người rừng" (Na'vi) hay "người biển" (Metkayina) theo kiểu vô hồn và vô nghĩa thế này mãi sao?
Nguồn: Nhà phê bình phim Lê Hồng Lâm