TS. Lương Việt Quốc, Giám đốc điều hành RtR, tới cuộc hẹn phỏng vấn với tay xách nách mang lỉnh kỉnh đồ nghề. Vị CEO của RtR mới từ Hà Nội vào Sài Gòn được ít giờ đồng hồ sau mấy ngày chuẩn bị cho Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 (Viet Nam Defence 2022), sự kiện mà drone có tên gọi Hera của công ty ông tham gia trưng bày đã tạo được ấn tượng đặc biệt với đông đảo quan khách.

Thực ra, Hera từng góp mặt tại nhiều triển lãm quốc tế (Xponential 2022 tại Orlando và SOFIC 2022 tại Tampa, Florida, Mỹ) cũng như trong nước và mỗi lần xuất hiện đều trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của khách tham quan bởi những tính năng, tiện ích khiến ai nấy cũng phải ngỡ ngàng.

TS. Lương Việt Quốc giới thiệu Hera với ông Christopher C. Miller, Cựu Quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022.


Tiến sĩ kinh tế đi làm drone

CEO Lương Việt Quốc mở đầu câu chuyện bằng một tin sốt dẻo, đó là RtR vừa ký được hợp đồng khoảng nửa triệu USD với RMUS, nhà phân phối và cung cấp dịch vụ drone hàng đầu thế giới có trụ sở ở Mỹ và Canada. Đối tác đã thanh toán phân nửa số tiền trên hợp đồng và hàng sẽ được giao trong nửa đầu năm 2023.

Đây không phải là lần đầu tiên RtR xuất khẩu drone qua Mỹ nhưng lần này, vị CEO vô cùng phấn khích bởi đơn hàng đánh dấu sự chấp nhận của thị trường: “3 chiếc Hera xuất khẩu cách đây ít tháng là cho người dùng cuối và điều đó chưa nói lên được thị trường trên diện rộng chấp nhận sản phẩm của mình với mức giá đó. Nhưng khi một nhà phân phối drone tầm quốc tế đặt hàng với số lượng lớn, chứng tỏ sản phẩm của mình đủ sức cạnh tranh ngay ở thị trường khó tính nhất”.

Hera lúc bay.


Cần nhấn mạnh, được thành lập năm 2014, sản phẩm và các giải pháp của RMUS được sử dụng hàng ngày bởi các tổ chức công nghiệp, thương mại, chính phủ (tất cả các cấp) trên khắp Bắc Mỹ trong hầu hết mọi ngành. Vậy mà công ty Mỹ này đã phải gõ cửa RtR với kỳ vọng các kỹ sư ở đây sẽ giúp họ giải quyết một vấn đề kỹ thuật cực kỳ hóc búa.

“Đối tác chủ động tìm đến và đặt vấn đề cách đây hơn một năm”, ông Quốc vừa kể vừa rút chiếc máy tính ra khỏi ba lô, mở sẵn một đoạn phim và tiếp tục câu chuyện: “Họ có một chiếc camera Optical Gas Imaging (OGI) chuyên dụng, với cảm biến đặc biệt có thể phát hiện rò rỉ khí gas và muốn mình làm bo mạch, thiết kế cơ khí, lập trình điều khiển để khi gắn vào drone của họ có thể hoạt động hiệu quả”.

Chỉ vào đoạn phim vừa chiếu, hình ảnh chiếc drone gắn camera OGI bay dọc các ống dẫn gas, ông Quốc giải thích, khi phát hiện khí gas bị rò rỉ, nhờ cảm biến đặc biệt nên OGI có thể “nhìn” thấy và cho hiển thị ở trạm điều khiển dưới mặt đất. Việc phát hiện kịp thời các sự cố rò rỉ như vậy sẽ hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại. Quả thật, trong video, khi bay qua một ống dẫn gas bị rò rỉ, camera lập tức ghi nhận và hiển thị lên màn hình thành những đám khói đen cuồn cuộn...

 

quoc-viet-drone-1676343308.jpg CEO Lương Việt Quốc khẳng định: “Làm drone thì dễ, ngay cả một sinh viên giỏi nhiều khi cũng có thể làm được. Đầu vào cơ khí là giống nhau nhưng mình có giải pháp gì khác biệt, vượt trội hơn thế giới thì mới khó. Muốn bước ra đẳng cấp thế giới thì phải có giải pháp hiệu quả hơn người ta”.

Sau đó ít tháng RtR công bố ra mắt Hera và đem đi triển lãm. Ngay khi xuất hiện, “nữ thần bầu trời” đã làm dậy sóng cộng đồng drone ở Mỹ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Sở dĩ như vậy vì trước Hera, những điều sau đây được coi là bất khả thi: nhỏ hơn drone M300 “chủ lực” của DJI nhưng có thể nâng 15kg, gấp 6 lần; có thể gắn đồng thời bốn tải trọng gimbal (công cụ hỗ trợ chống rung cho máy ảnh); có thể cung cấp góc nhìn 360 độ cho mọi khoang tải trọng; có thể bay trong khoảng 1 giờ đồng hồ; có thể tự giấu càng đáp; có thể chạy các thuật toán AI tinh vi ở biên cho bốn tải trọng cùng một lúc...

Chuyên gia của RMUS sau khi trải nghiệm thử đã đề nghị gắn luôn camera OGI vào Hera cho trọn bộ và họ “chốt đơn”. Ở thị trường nội địa, RtR cũng đã trúng thầu hợp đồng cung cấp drone cho Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an). Sản phẩm cũng sẽ được bàn giao trong giai đoạn nửa đầu năm 2023, và đây là đơn vị Nhà nước đầu tiên ứng dụng drone của RtR vào công vụ...

Ngay khi xuất hiện Hera đã làm dậy sóng cộng đồng drone ở Mỹ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.


Hera là thế hệ thương mại thứ hai, sản phẩm thứ 5 của RtR. Điều ấn tượng là từ khung máy bay, thiết bị điện tử, trạm điều khiển mặt đất, phần mềm phân tích... đều do kỹ sư người Việt Nam phát minh và chế tạo. Nhóm kỹ sư này do TS. Lương Việt Quốc tập hợp từ năm 2014 sau khi từ Mỹ về. Năm 2017 ông Quốc chính thức lập ra RtR và trở thành công ty đầu tiên sản xuất drone tại Việt Nam, đặt trụ sở tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, chi nhánh tại San Francisco (Mỹ).

Ngày đó ông và người bạn “hợp cạ” quen thân thời còn học ở Đại học Berkeley - TS. Lê Đặng Trung, hiện là phó giám đốc RtR, đều xuất thân là dân học kinh tế nên nhìn ra đây là ngành mới với thế giới và tiềm năm ứng dụng lớn, sẽ thâm nhập vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống, như: phim ảnh, giám sát cơ sở hạ tầng, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, lập bản đồ quy hoạch đô thị... “Thời điểm đó chúng tôi chưa nghĩ là sẽ làm một cái gì đó đẳng cấp thế giới mà chỉ tập trung vào khía cạnh ứng dụng drone. Chúng tôi nhìn thấy cơ hội là những người đầu tiên đem công nghệ drone về ứng dụng tại Việt Nam”, ông Quốc chia sẻ.

 CEO Lương Việt Quốc (thứ hai từ trái) và các kỹ sư RtR.


Tiếp lời, ông Trung cho biết drone là lĩnh vực mới do vậy Việt Nam thường sẽ đi sau thế giới khoảng ba năm. Hướng đi ban đầu của RtR đó là dùng nó làm công cụ để thu thập và xử lý dữ liệu. Vì đi theo hướng làm dịch vụ nên RtR phải mua drone của một số công ty ở Trung Quốc và cả 3D Robotics, một công ty nổi tiếng ở Bắc Mỹ vào thời bấy giờ, để dùng.

Theo ông Quốc, các drone này đều không như quảng cáo vì sử dụng để ghi hình làm bản đồ thì thời gian bay ngắn (khoảng 15 phút), camera hiển thị kém nên “không đủ giải quyết bài toán thực tế”. Tái ông thất mã. Cũng nhờ vậy mà mấy ông tiến sĩ kinh tế cũng như các kỹ sư trẻ của RtR có cơ hội tự học, mày mò nghiên cứu về drone trên những sản phẩm tốt nhất thời đó. “Chúng tôi tháo ra ‘vọc’, từ chỉnh camera, lật từng tấm linh kiện, mày mò để tăng tuổi thọ pin... Đó là cách tìm hiểu, tích luỹ kiến thức rất giá trị về drone”, ông Quốc kể.

Tới một thời điểm, đội ngũ RtR nhận ra nếu “độ” từ đầu đến cuối như vậy sao không tự làm drone?

Kỹ sư thiết kế và chế tạo drone.


“Lò” luyện kỹ sư, phi công

“Những thế hệ drone đầu tiên bay sợ lắm, nó có thể rơi bất cứ lúc nào. Mà mỗi lần rơi thì cứ xác định trước là vừa “đốt” 20.000 USD”, ông Trung kể về giai đoạn đầu nghiên cứu drone, đồng thời khẳng định công việc này “không có chỗ cho sự ăn may”, đốt cháy giai đoạn.

Là những doanh nhân am hiểu thị trường, các lãnh đạo RtR lường được rủi ro lớn nhất của startup công nghệ đó là có thể bỏ ra nhiều, thậm chí rất nhiều tiền mà vẫn đi vào ngõ cụt. Bài học về sự lao dốc không phanh của 3D Robotics, startup về drone triển vọng nhất Bắc Mỹ sau khi đã huy động được hơn 170 triệu USD, còn nhãn tiền. Vậy mà cũng không tránh khỏi những ngày sóng gió. Nhớ lại những ngày thử và sai đó, ông Trung cho biết “những ngày khủng khiếp” là dịp cuối tháng, nhập thiết bị nhưng kẹt tiền. Căn nhà của ông Quốc cũng đã “đầu tư” vào startup này.

“Những thế hệ drone đầu tiên bay sợ lắm, nó có thể rơi bất cứ lúc nào", TS. Lê Đặng Trung chia sẻ.


Công bằng mà nói, đến năm thứ ba RtR đã làm được drone nhưng sản phẩm chưa thể thương mại. Ông Trung cho biết trước những áp lực “vừa tốn tiền, vừa thất vọng, vừa lo lắng” nếu không “lì lợm” thì anh và nhóm có thể đã bỏ cuộc. Hướng ánh nhìn về phía TS. Lương Việt Quốc vừa tạm rời khỏi bàn để nghe điện thoại, doanh nhân quê Quảng Bình nói: “Thành công của Hera như ngày hôm nay có phần đến từ những ngày không thể nào khổ hơn của anh Quốc. Những ngày đói rách dưới mái nhà dột, phải bươn chải dưới dòng kênh đen ngòm để mưu sinh, rồi đi bán chanh, bán ớt... ở chợ Thị Nghè. Khổ nhọc như vậy mà anh Quốc vẫn vượt qua, vẫn tự học để vươn lên thì còn khó khăn nào có thể thử thách hơn được nữa?”.

Ngoài sự cảm phục dành cho người bạn vong niên, trên “con thuyền” RtR có đôi lúc tròng trành, ông và vị “thuyền trưởng” Lương Việt Quốc vẫn vững tay lái bởi có niềm tin vào mục tiêu đang đeo đuổi. Bởi, nếu tính cả sản phẩm và dịch vụ, thị trường drone được định giá lên đến 200 tỷ USD. Dư địa rất lớn. “Làm drone thì dễ, ngay cả một sinh viên giỏi nhiều khi cũng có thể làm được. Đầu vào cơ khí (vật liệu) là giống nhau nhưng mình có giải pháp gì khác biệt, vượt trội hơn thế giới thì mới khó. Muốn bước ra đẳng cấp thế giới thì phải có giải pháp hiệu quả hơn người ta”, ông Quốc trở lại với câu chuyện. Đó là lý do mà ông hướng đội ngũ đẩy mạnh và ưu tiên tối đa nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển (R&D).

TS. Lương Việt Quốc lý giải “việc bắt chước người ta để làm ra sản phẩm, bán với giá rẻ thì rất dễ, cái khó là sáng tạo cái mới để bán với giá cao hơn”. Đội ngũ RtR được phép bỏ qua những bộ phận, chi tiết “nếu tự làm cũng không tăng thêm giá trị gì” khi đã có thể mua được bên ngoài. Thay vào đó cần tìm ý tưởng mới, tập trung cho những gì cốt lõi nhất.

Ví dụ, càng đáp vừa tự động, vừa điều khiển bằng tay (sau khi cất cánh càng có thể tự thu lại, khi hạ cánh có thể tự bung ra và khi cất vào balo có thể gập thủ công bằng tay) của Hera là một sáng chế đột phá, vừa linh động vừa tiện ích mà từ trước đến nay chưa có bất kỳ drone của hãng nào khác có thể làm được. “Đến nay chúng tôi đã nắm được lợi thế lớn, đó là có thể chế tạo drone với phát minh từ R&D vượt tầm thế giới”, ông Quốc khẳng định.

Đến RtR đã nắm được lợi thế lớn, đó là có thể chế tạo drone với phát minh từ R&D vượt tầm thế giới.


Thừa nhận mất đến 5 năm để ra được một sản phẩm thương mại là một chặng đường dài đối với một startup công nghệ, ông Quốc giải thích RtR có thể rút ngắn chặng đường này nếu thời gian đầu tuyển dụng đội ngũ kỹ sư nước ngoài, vốn có nhiều kinh nghiệm về drone thay vì lựa chọn các sinh viên tốt nghiệp trong nước, “phải đào tạo xây dựng đội ngũ từ con số 0”. Nhưng theo ông, cách làm nào cũng có sự đánh đổi.

Không chọn cách làm kiểu đổ tiền mua lại mọi thứ của người ta, RtR lựa chọn bước đi chậm mà chắc. Với trải nghiệm và sự nhạy cảm của một doanh nhân trở về từ Thung lũng Silicon, ông Quốc đánh giá dù không dẫn đầu về khoa học công nghệ nhưng Việt Nam sở hữu tiềm năng rất lớn về con người. Nếu đầu tư quyết liệt vào nghiên cứu và phát triển, thì cũng có thể tạo ra sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng: “Tài năng chất xám con người Việt Nam đủ sức làm ra những sản phẩm hàng đầu thế giới. Đó là lý do tôi về Việt Nam. Nhưng đó mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ là khả năng chọn bài toán cần giải”.

Bài toán cần giải mà RtR chọn là những câu hỏi căn bản mà ngành drone chưa giải quyết được: phải nhỏ nhưng mạnh, gọn nhưng rộng rãi, phải cơ động, đa chức năng, thời gian bay lâu và thông minh...

Tài năng chất xám con người Việt Nam đủ sức làm ra những sản phẩm hàng đầu thế giới. Đó là lý do tôi về Việt Nam.

TS. Lương Việt Quốc

Cách chọn nhân sự của RtR cũng hết sức đặc biệt. Thái độ làm việc quan trọng hơn chuyên môn. Đó phải là những người phải luôn nỗ lực hết mình, cố gắng thực hiện công việc đến độ hoàn hảo nhất có thể, có cá tính, sẵn sàng bảo vệ quan điểm của mình. Vậy thì quản lý thế nào? Ông Quốc trả lời rằng luôn đặt ra yêu cầu cao cho công việc tuy nhiên không áp đặt quan điểm kiểu ông chủ mà là một lãnh đạo đồng hành và dẫn dắt họ. Ý tưởng, những phác thảo được vẽ ra rồi góp ý. Cũng có khi tranh luận nảy lửa. Nhưng để được lựa chọn thì đầu tiên đó phải là giải pháp tốt nhất, thứ hai ai cũng được thuyết phục rằng chọn như vậy là công bằng.

"Cách làm là chúng tôi luôn thảo luận và đưa ra tiêu chí đánh giá giải pháp rõ ràng trước khi chọn giải pháp. Các sáng chế của RtR đã được đăng ký thông qua công ty luật hàng đầu ở Mỹ. Bằng sáng chế ghi cả tên kỹ sư, điều đó vừa tôn vinh vừa khuyến khích các kỹ sư trẻ nghĩ thêm các ý tưởng mới”, CEO của RtR chia sẻ về cách quản trị nhân sự. Ngoài việc sở hữu đội ngũ kỹ sư và phi công drone  đông đảo, việc nắm trong tay hàng loạt sáng chế quan trọng của mặt hàng công nghệ cao này, CEO của RtR không dấu tham vọng lớn hơn đó là trở thành công ty chế tạo drone chuyên dụng có quy mô top đầu thế giới...

Cách chọn nhân sự của RtR cũng hết sức đặc biệt: thái độ làm việc quan trọng hơn chuyên môn!


Hệ sinh thái drone

Hera hiện tại được chào với giá khởi điểm là 58.000 USD/chiếc, tức cao hơn 20 – 30% so với thị trường. Điều đó nói lên sức cạnh tranh của sản phẩm được làm bởi các kỹ sư người Việt. Ông Quốc cho biết mấu chốt nằm ở việc “khách hàng nhìn ở hiệu quả đầu tư chứ không nhìn ở giá bán”. Chẳng hạn với Hera, drone này có thể sử dụng cho nhiều mục đích dân dụng (ứng dụng trong nông nghiệp, cứu nạn cứu hộ, phòng cháy chữa cháy, đo đạc lập bản đồ, giám sát cơ sở hạ tầng...) nhưng hoàn toàn có thể tuỳ biến để phục vụ trong quân sự. Một mình Hera có thể “gánh” được nhiều việc cùng lúc, thông minh, cơ động, nhỏ gọn... nên khách hàng sẽ chấp nhận trả mức giá cao để mua những tính năng ưu việt này.

Và không chỉ cung cấp thiết bị, các dịch vụ liên quan đến drone, xây dựng nên hệ sinh thái drone mới là mục tiêu mà đội ngũ kỹ sư tại RtR đang hướng tới. Ông Quốc nêu ví dụ, ngành điện hiện có khoảng 20.000 km đường dây (gồm 200 Kv và 500 Kv), định kỳ phải đi kiểm tu. Với cách làm truyền thống thì sẽ mất nhiều thời gian, công sức, nguồn lực. Nếu dùng Hera, nhờ các ưu thế như một lúc có thể gắn tối đa 4 camera, bay thời gian gần 1 giờ đồng hồ, tăng năng suất kiểm tu lên gấp 2 đến 3 lần, sẽ giúp tiết kiệm chi phí cực lớn.

Hay với công tác cứu nạn, cứu hộ, lợi thế của Hera là gấp gọn trong ba lô, một người có thể  đeo nên rất cơ động và thuận tiện khi phải di chuyển băng đèo, lội suối với địa hình phức tạp mà các phương tiện khác không thể vào được...

Hera tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022.


Ông Quốc cũng cho biết, ngoài sản phẩm xuất khẩu qua Mỹ, dòng sản phẩm kế tiếp mà RtR đang phát triển hướng tới thị trường nội địa đó là phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp chính xác. Đó là dòng drone chuyên khám bệnh cây trồng và chuyên chữa bệnh cây trồng. Chẳng hạn với một cánh đồng mía hàng trăm ha, drone được sử dụng để thăm đồng và nếu phát hiện khu vực mía bị sâu bệnh sẽ xác định chính xác vị trí để phun khu trú tại chỗ, tránh việc phải phun đồng loạt vừa tốn kém lại có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ...

CEO RtR cho rằng drone sẽ còn làm thay đổi phương thức hoạt động lâu nay và tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống con người. “Nó sẽ cần cải tiến những tính năng cơ học như tải trọng, độ cơ động, thời gian bay đặc biệt là phải thông minh hơn dễ điều khiển và tự động nhận biết và tránh các vật cản”, ông Quốc chia sẻ, đồng thời cũng nhận định có thể sẽ mất khoảng 5-10 năm nữa phương tiện drone chở người mới có thể phổ biến vì "độ chín muồi về công nghệ vẫn chưa đạt. Tỉ lệ số giờ bay bị hỏng hóc trên số giờ bay cao hơn nhiều lần so với máy bay dân dụng”.

Tôi tin Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên, trở thành một trung tâm R&D về công nghệ của thế giới chứ không chỉ được biết đến như là một công xưởng sản xuất với lợi thế nhân công giá rẻ.

TS. Lương Việt Quốc

Một vấn đề mang tính cốt tử trong ngành drone đó là an toàn giữa liệu. Ông Quốc cho biết lợi thế xuất khẩu qua Mỹ, Israel vì vậy ngay từ đầu RtR đã quan tâm đến các tiêu chuẩn bắt buộc để vào những thị trường khó tính này. Chẳng hạn một số drone Hera được đối tác mua, phục vụ dự án liên quan chính phủ Mỹ vì vậy phải đạt chuẩn NDAA (Đạo luật Ủy quyền quốc phòng), việc sử dụng chip, vi mạch phải tuân thủ an toàn thông tin tuyệt đối.

Ngoài sự bảo chứng của thị trường quốc tế, do tự sản xuất và năng lực tự chủ tốt cũng là lợi thế cạnh tranh trên thị trường nội địa. Chẳng hạn, với hai dòng drone nông nghiệp vừa kể trên, tất cả các dữ liệu “nhạy cảm” đều được lưu trữ tại Việt Nam thay vì chuyển về máy chủ ở nước ngoài như những dòng drone nhập khác. Việc tập huấn cho phi công, bảo hành bảo trì cũng có thể xử lý tại chỗ.

Ông Quốc cho biết, hiện nay một năm RtR có thể sản xuất lên đến 1.000 drone. Trong năm 2023, công ty đang hoàn thành thủ tục xây nhà xưởng với mục tiêu sẽ tăng công suất sản xuất gấp 10 - 20 lần hiện nay. Sau thị trường Mỹ, Israel, công ty sẽ mở rộng sang nhiều thị trường quốc tế khác như châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ... Dự kiến năm nay lợi nhuận của RtR sẽ đạt ít nhất 10 triệu USD và tăng trưởng ít nhất 50%/năm.

CEO RtR giới thiệu Hera ở triển lãm SOFIC 2022 tại Tampa, Florida, Mỹ.


Khi được hỏi vì sao lại dè dặt trong việc gọi vốn, ông Quốc thẳng thắn: “Chúng tôi muốn chọn thời điểm thích hợp, đó là sau khi đã ra được sản phẩm và thương mại hoá. Lúc này gọi vốn sẽ giúp gia tăng quy mô, tạo độ phủ sản phẩm trên toàn cầu. Hiện chúng tôi đang thực hiện điều đó, tìm kiếm những đối tác có chung triết lý kinh doanh mà nền tảng là tạo ra giá trị thông qua phát minh đổi mới. Ví dụ các đối tác có thể bổ sung thế mạnh cho RtR như nghiên cứu sâu trong lĩnh vực công nghệ hay các đối tác có mạng lưới để mở cửa thị trường thì sẽ có lợi thế”.

 “Qua câu chuyện thành công của Hera, tôi hy vọng rằng có thể truyền cảm hứng cho thật nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những startup công nghệ sẽ chọn con đường tạo giá trị thông qua phát minh và sáng chế, thay vì cạnh tranh bằng phiên bản giá rẻ. Khi xã hội có càng nhiều công ty làm ra những sản phẩm thành công với hàm lượng phát minh tương tự như Hera thì lúc đó Việt Nam sẽ vươn lên tầm cao hơn công nghiệp hỗ trợ", TS. Lương Việt Quốc nói, đồng thời chia sẻ mong muốn rằng Chính phủ, cơ quan hữu quan các cấp cụ thể có những chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp phát minh, sáng chế thay vì chỉ tập trung làm công nghiệp hỗ trợ và xem đó là mục tiêu chính: "Với tiềm năng trí tuệ của người Việt, có lẽ đã đến lúc Việt Nam có thể nhìn xa hơn, có những chính sách khuyến khích R&D và tạo giá trị qua con đường này".

“Tôi tin Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên, trở thành một trung tâm R&D về công nghệ của thế giới chứ không chỉ được biết đến như là một công xưởng sản xuất với lợi thế nhân công giá rẻ”, TS. Lương Việt Quốc bộc bạch.

Nguồn: Trung Dũng - Ảnh: RtR/ Người Đô Thị

RtR và câu chuyện kỹ sư Việt xuất khẩu máy bay không người lái (nguoidothi.net.vn)