Hôm nay, Đào mỗ không bàn về AI mà nói về một phương pháp hành xử của người xưa, tồn tại trên 5000 năm nay, và luôn được những "người được chọn" như thiên tử, quân tử, sỹ tử lấy làm khung tham chiếu (framework) cho cách hành xử trong suốt tiến trình "sống, lao động, học tập": Quẻ thuần Càn trong Kinh Dịch.

Quẻ Càn, đứng đầu 64 quẻ, đại biểu cho tiến thủ và năng lực sáng tạo, là quẻ quan trọng nhất của Kinh Dịch. Quẻ Càn ẩn chứa rất nhiều đạo lý nhân sinh sâu sắc. Quẻ này lấy rồng (long) làm biểu tượng. Như vậy bàn về rồng trong năm nay (Giáp Thìn), tưởng không gì hợp hơn.

Quẻ này gồm 6 hào, tất cả đều dương, thể hiện sức mạnh và quyết đoán, hướng đến những 'Alpha male' hay 'chim đầu đàn' và khuyến nghị cách hành xử.

Hào 1: Tiềm long, vật dụng

Hào đầu tiên nói về việc 'Tiềm long, vật dụng', tức là rồng còn ẩn mình chưa thể bộc lộ. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rèn luyện bản thân và tích lũy kiến thức trước khi bắt đầu sự nghiệp. Sự nôn nóng không mang lại lợi ích, nhất là khi bạn đã được chọn và mang trong mình sứ mệnh cao cả.“Tiềm long vật dụng” ý nói rằng một người mặc dù có thực lực nhưng bởi vì thời cơ chưa tới cho nên lựa chọn ẩn nhẫn chờ thời.

Hào 2: Kiến long tại điền, lợi kiến đại nhân

Hào hai viết: “Kiến long tại điền, lợi kiến đại nhân”, rồng đã xuất hiện, ra mắt người phù hợp thì có lợi. Nghĩa là bắt đầu ra làm việc. Như vậy, cần chọn được minh quân và chính nhân. Nếu gặp được minh chủ, người đại đức thì sẽ làm được sự nghiệp. Chọn sai đường là hỏng luôn một đời. Bậc quân tử không dễ dàng đầu quân cho bất cứ ai là vậy dù có được lợi trước mắt mà hại lâu dài.

Hào 3: Quân tử chung nhật kiền kiền, tịch dịch nhược, lệ, vô cữu

Hào 3 viết: “Quân tử chung nhật kiền kiền, tịch dịch nhược, lệ, vô cữu”, người quân tử mỗi ngày đều hăng hái tự cường, đến tối vẫn còn thận trọng, thế thì không gây ra lỗi lầm.

Đang đương chức không thể mất cảnh giác, ngày đêm cần thận trọng. Đó cũng là bài học khi xem cách hành xử của Đinh La Thăng trước khi vào tù. Quá tăng động, chơi trội, phát biểu ngông cuồng, không hợp phong cách chính trị đương thời, "politically incorrect" do đó, Đinh thật sự có lỗi.

Hào 4: Hoặc dược tại uyên, vô cữu

Hào thứ 4 viết: “Hoặc dược tại uyên, vô cữu”. “Hoặc” mang ý nghĩa có thể, không định, muốn làm rồi lại không muốn làm. Câu này hàm ý như con rồng có thể nhảy ra khỏi đầm nước sâu, có thể nằm dưới vực sâu, không có lầm lỗi.

Một bậc quân tử, thuận thời gặp minh chủ thì ra giúp đời, cứu người. Nếu không thì cứ ẩn nhẫn, dạy học. Hoặc giả như Đào mỗ nằm nhà ăn khoai lang, chạy bộ công viên. Lâu lâu nói chuyện với sinh viên, lấy đó làm vui thú. Vậy hào thứ 4 khuyên quân tử tiến hay thoái phải cân nhắc. Có cơ hội thì nên tiến (như con rồng bay nhảy) nếu không thì chờ thời (con rồng nằm trong vực).

Hào 5: Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân

Hào thứ 5 viết: “Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân”, rồng bay trên trời, gặp người phù hợp thì lợi.

Hào 5 là hào đẹp nhất trong tất cả 384 hào của Kinh Dịch. Thể hiện bậc chính nhân quân tử được thời, gặp được minh chủ hoặc "được lựa chọn" làm minh chủ, đầy đủ mỹ đức, lấy được quân vị, công danh hiển hách. Lên ngôi"Cửu Ngũ" (Dương 5) là do ý nghĩa của hào này.

Hào 6: Kháng long, hữu hối

Hào thứ 6 của quẻ Càn viết: “Kháng long, hữu hối”, rồng lên cao quá, có hối hận. Phải biết có điểm dừng, rút lui đúng lúc. Cái chết của nhiều lãnh tụ, vĩ nhân là không thể buông bỏ và tham quyền, cố vị, tất tiêu vong.

Vụ tướng Đỗ Hữu Ca gần đây bị xử lý hình sự vì chạy án khi nhận 35 tỷ là một ví dụ điển hình. Đã về hưu, rời bỏ vị trí thì hãy buông bỏ quyền lực và thảnh thơi.

Chung quy cư xử cũng là hợp thời (khác với xu thời) chú trọng timing và biến chuyển của thời đại. Nếu trước đây là "trung quân, ái quốc" thì bây giờ nếu gặp hôn quân có thể lật đổ ngôi vị này. Và thời gồm cả chính (đúng đắn). Chính mà không hợp thời thì cũng xấu. Cương cường là đạo người quân tử mà ở cuối quẻ Càn, không hợp thời, cho nên có hối hận.

"Cái nghĩa tùy thời lớn thật!" (Tùy thời chi nghĩa đại hĩ tai! – Quẻ Tùy)

Vào những ngày đầu xuân, việc đọc lại quẻ Càn giúp củng cố thêm những bài học về cách ứng xử mà người xưa đã khuyên bảo.