Trong tài chính có câu: Tiền mặt quý hơn lợi nhuận. Nhưng rất nhiều giám đốc, chỉ chú ý tới lợi nhuận, mà không chú ý tới dòng tiền. Vậy chú ý tới dòng tiền thì phải làm gì?

Dòng tiền và lợi nhuận không giống nhau. Về lâu dài, khi doanh nghiệp đã tạo ra lợi nhuận, lợi nhuận và dòng tiền sẽ tạo nên dòng tiền vào, nhưng sự khác biệt quan trọng là thời gian. Thời gian có thể rất quan trọng cho một doanh nghiệp nhỏ.

Ví dụ: khi doanh nghiệp bán hàng và cho phép khách hàng trả chậm 30 ngày, doanh nghiệp ngay lập tức được ghi nhận doanh thu cho đơn hàng này. Đó gọi là kế toán dồn tích. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa nhận được tiền. Doanh nghiệp chỉ có tiền khi khách hàng trả tiền…Như vậy, có thể thấy doanh thu không đồng nhất với dòng tiền vào. Tương tự, khi doanh nghiệp nhập hàng để bán, doanh nghiệp trả tiền hàng, tuy nhiên dòng tiền ra này không được xem là chi phí cho đến khi doanh nghiệp bán hàng. Một trường hợp khá phổ biến ở các DNNVV là doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, nhưng lợi nhuận lại vượt xa số tiền mặt thực tế nhận được. Loại tình huống này làm cho các DNNVV dễ bị cạn kiệt tiền mặt.

Lấy một ví dụ đơn giản như thế này, một doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng nhanh, tháng sau tăng gấp đôi tháng trước. Biên lợi nhuận chiếm 40% doanh thu. Kết quả kinh doanh có vẻ rất khả quan.Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho phép khách hàng trả sau 30 ngày. Và đây là dòng tiền của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có dòng tiền âm, mặc dù kết quả hoạt động kinh doanh rất tốt.

Vấn đề dòng tiền phát sinh âm trong một DNNVV vì hai lý do chính:

- DNNVV không bán được hàng, không có doanh thu để trang trải các chi phí
- Doanh nghiệp có doanh thu, có lợi nhuận nhưng không kiểm soát được dòng tiền:

Doanh nghiệp không xây dựng được kế hoạch quản trị dòng tiền, không có các quy trình quản lý và quản lý tài chính nội bộ tốt để hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể chạy theo doanh thu và không kiểm soát được dòng tiền, gặp khó khăn trong việc thu tiền, tích trữ quá nhiều hàng tồn kho…

Nhiều DNNVV chủ yếu tập trung vào lợi nhuận - trước hoặc sau thuế. Mặc dù dòng tiền và lợi nhuận đều quan trọng trong kinh doanh, nhưng như cha đẻ của quản trị hiện đại Peter Drucker đã nói “Nhiều chủ DN khởi nghiệp cho rằng lợi nhuận là quan trọng nhất đối với mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ ở vị trí thứ hai. Dòng tiền là quan trọng nhất”. Dòng tiền là dòng máu của tất cả các doanh nghiệp. Cũng như máu trên cơ thể của bạn.

Nếu bạn mất hết máu, bạn sẽ chết. Điều này cũng tương tự trong kinh doanh: không có tiền mặt và doanh nghiệp cuối cùng sẽ thất bại. Mặc dù một doanh nghiệp có thể duy trì dòng tiền âm trong một thời gian nếu có dự trữ tiền mặt dồi dào. Tuy nhiên, hầu hết các DNNVV không có dự trữ tiền mặt sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động của mình khi không bán được hàng, hoặc không thu được tiền. Đợt rủi ro do dịch vừa rồi, đã làm cho không ít doanh nghiệp lao đao vì không có tiền sự trữ.

Không thể kiểm soát dòng tiền là vấn đề lớn nhất của DNNVV. Các DNNVV cần hiểu được dòng tiền của mình và xây dựng, thực hiện kế hoạch quản trị dòng tiền. Nếu không xây dựng kế hoạch quản trị dòng tiền, doanh nghiệp rất khó có thể kiểm soát dòng tiền ra vào của mình và dự báo nhu cầu tiền mặt để có thể có kế hoạch tài trợ cho những thời điểm thiếu hụt dòng tiền.

Tất cả các doanh nghiệp - lớn và nhỏ - đều nên chuẩn bị một kế hoạch kinh doanh, trong đó có kế hoạch tài chính, kế hoạch dòng tiền. Các DNNVV nên lập kế hoạch dòng tiền theo năm bao gồm dự kiến doanh thu và chi phí của doanh nghiệp hàng tháng. Từ nguồn này, các DNNVV sẽ có cơ sở số liệu liên quan đến thu chi, có kế hoạch thu chi và gọi vốn cho các trường hợp thiếu hụt dòng tiền.

Vậy lập kế hoạch dòng tiền thế nào? Trên cơ sở phân tích mô hình SWOT để thấy được tình hình kinh doanh, thị trường, đối thủ cạnh tranh... từ đó hoạch định mục tiêu, chiến lược kinh doanh và xác lập được kế hoạch bán hàng, kế hoạch marketing, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhân sự... và lượng hóa bằng kế hoạch tài chính và tổng hợp nguồn lực trong đó có cả kế hoạch dòng tiền

Vậy đấy, để làm được một việc tưởng như đơn giản lại phải bắt đầu từ chiến lược, từ mục tiêu, từ bán hàng, từ SXKD... Chính vì thế, không ngạc nhiên khi nhiều doanh nghiệp không làm nổi kế hoạch dòng tiền của mình.

Mong muốn của mình là có cơ hội để hướng dẫn cho chủ doanh nghiệp cách hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, mục tiêu kinhdoanh, từ đó xây dựng kế hoạch tài chính và kế hoạch dòng tiền, để Chuyện tưởng không làm được, thành làm được một cách dễ dàng

Vẫn máu mê với DNNVV hehehe

Tác giả: Bùi Thị Lệ Phương