Gọi Putin là nhà Vua là theo cách mà truyền thông phương Tây cũng như những người anti-Putin vẫn gọi. Đó là một Tsar, một Sa hoàng, một bạo chúa. Ở đây, không phải chủ quan người viết coi Putin như thế mà chỉ đơn giản sử dụng cách gọi của đa số khách quan.
Gọi Zelensky là chú hề cũng bởi ông tổng thống tốt nghiệp ngành luật này từng là diễn viên hài. Và cách mà ông đang đối phó với thời cuộc cũng rất đậm chất một diễn viên. Ở đây, người viết không giễu nhại mà chỉ muốn gọi theo đúng nghề nghiệp mà ông Zelensky từng trải qua mà thôi.
Gọi như thế cốt để dùng cặp đối lập Nhà vua và Chú hề, một cặp đối lập xuất hiện khá nhiều trong nghệ thuật sân khấu cổ điển cũng như sân khấu dân gian. Nhưng trong nghệ thuật, chú hề chỉ là vai phụ. Còn ở bối cảnh chiến tranh này, chú hề đóng vai chính, đối đầu với nhà vua trong một cuộc chiến không cân sức.
Không cân sức song chưa chắc nhà Vua đã thắng tuyệt đối, cho dù Nga đã kiểm soát bầu trời Kiev, Kharkov và có thể sẽ chiếm hai thành phố lớn này chỉ trong thời gian ngắn. Chiến thắng không nằm ở một trận đánh, một chiến dịch mà cả một hệ thống lâu dài.
Putin có gì? Vũ khí, tiềm lực, bộ não chiến lược, chiến thuật của một cựu sỹ quan KGB, cơ quan tình báo thuộc hàng thượng thặng nhất thời chiến tranh lạnh. Nhưng Putin cũng có thêm một thứ: tuổi già.
Zelensky có gì? Zelensky không có tiềm lực quân sự như Putin, không có bản lĩnh của một chính trị gia lão luyện như Putin. Nhưng Zelensky có được tuổi trẻ, thời đại và cái khôn vặt của kỷ nguyên mạng xã hội.
Putin có vũ khí hạt nhân. Zelensky có mạng xã hội.
Hãy tưởng tượng thế này, nghệ sỹ tài năng Ngô Hồng Quang nếu tung một MV trình diễn một tác phẩm tuyệt hay của anh lên youtube thì được bao nhiêu lượt xem. Ba triệu views là Quang mừng hết lớn. Sơn Tùng M-TP lên nói dăm câu, 10 triệu views. Xét về tài năng hãy dẹp sang một bên, xét về công chúng, Sơn Tùng M-TP thắng toàn tập.
Zelensky đang thua trên chiến địa nhưng thắng Putin ở công chúng.
Trong buổi họp trực tuyến thượng đỉnh với lãnh đạo EU đêm 23/02, kết thúc cuộc họp, Zelensky nói một câu khiến toàn bộ im lặng và rúng động “Rất có thể đây là lần cuối cùng các ngài thấy tôi còn sống. Vĩnh biệt châu Âu”.
Thị trưởng Kharkiv, Gennady Kernes (sao không tên là Gernes Kenedy nhỉ?) nấc lên qua skype nói với cả châu Âu “Hãy giúp chúng tôi khi chúng tôi còn sống”.
Hai ví dụ ấy, cùng vô vàn những clip trên facebook, youtube và các mạng xã hội phổ biến đầy nước mắt, đầy khốn cùng, đầy sến súa chính là vũ khi mà Ukraine đang dùng để chống lại Nga. Và nó cực kỳ hiệu quả.
Giá trị lớn nhất mà châu Âu già nua và cũ kỹ luôn cố gắng níu giữ chính là giá trị nhân văn, chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa vị tha. Tất cả những gì mà Ukraine làm trên mạng xã hội đã đánh trúng vào trọng tâm của những giá trị ấy và nó khiến cả châu Âu gục ngã. Nhân dân châu Âu vì thế tạo áp lực cực lớn lên chính phủ của họ để tất cả các chính phủ Tây Âu phải hành động. Họ không đưa quân vào Ukraine nhưng họ làm mọi cách giúp Ukraine chơi sát ván. Họ, với sự thính nhạy của những chính trị gia, nhận ra rằng họ đang có một cơ hội lật đổ Putin, lật đổ tham vọng đại đế chế Nga.
Người Mỹ lạnh lùng hơn. Giá trị cốt lõi của Mỹ không nằm ở nhân văn như châu Âu. Phản ứng của Mỹ là phản ứng của con buôn. Nhưng Mỹ hỗ trợ đắc lực cho vai diễn nước mắt lần này của Zelensky và cộng sự vì các nền tảng mạng xã hội lớn nhất là của họ. Và các nền tảng ấy có thể làm cái việc Putin không lường: khoá Nga - mở Ukraine với cường độ tuồn lên top newsfeed.
Nói một cách rõ ràng với nhau, Putin là nguyên thủ duy nhất gần như không theo đuổi dân tuý, hoặc nếu có thì cũng mờ nhạt, trong khi chủ nghĩa này phủ đậm đầy toàn cầu. Zelensky đã diễn quá đạt vai chú hề của mình, và vai diễn ấy mang lại cho Ukraine một chiến thắng ban đầu: Chủ tịch EC mở ra ý định kết nạp Ukraine vào EU. Trước đó, cũng qua mạng xã hội, Zelensky nài nỉ khẩn thiết “Hãy đưa chúng tôi vào EU ngay lập tức”.
Đòn của Zelensky hiểm vô cùng, hiểm hơn vũ khí hạt nhân rất nhiều. Có ai không động lòng trước một kẻ mới nói rằng “Ngày mai tôi chết”? Và cả châu Âu đã động lòng. Nga có thắng hay thua trận chiến này đi nữa, châu Âu cũng chơi với họ sát ván, chơi đến tận cùng. Chưa bao giờ họ nhận thấy cơ hội để lật đổ Tsar Putin, lật đổ đế chế Nga một cách rõ rệt thế kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Họ sẽ không sử dụng vũ khí quân sự, họ dùng vũ khí khác: vũ khí kinh tế, vũ khí văn hoá, vũ khí visa, tẩy chay vv và vv
Nga có thể thắng trận chiến này nhưng họ sẽ bị phần còn lại vắt kiệt trong cuộc chiến đường trường. Nếu tình báo phương Tây hoạt động đắc lực và hết công suất, họ có thể cấy lên những nội loạn trong lòng một nước Nga thất vọng vì sau chiến tranh họ không được lợi ích cụ thể lập tức nào. Và khi ấy, giấc mộng Đại Nga tan tành. Để trở lại, rất có thể người Nga phải đợi một bối cảnh khác, với một nhân vật kiệt xuất khác, ở một thế kỷ khác.
Nhưng chú hề cũng có thể chết, nếu như cuộc chiến trước mắt bom đạn nói chuyện thay lời người. Rõ ràng, chú đã chơi đòn “trạng chết chúa cũng băng hà”, một đòn kamikaze mà nhà Vua không thể lường, chỉ để đổi lại một tư cách EU cho một Ukraine đổ nát. Nước Nga, dù có bị NATO làm cho kiệt quệ sau khi lật đổ được Putin đi nữa, họ vẫn còn một thứ đáng gờm. Chủ nghĩa dân tộc Nga sẽ bị đánh thức bởi những người tự ái sau những năm tháng bị bắt nạt. Và họ sẽ trút lên đầu những kẻ thù trực tiếp đầu tiên như Ba Lan, Ukraine… bằng thứ chủ nghĩa mà chúng ta đối diện suốt nhiều năm qua: chủ nghĩa khủng bố. Đó là còn chưa kể, trong cơn điên cùng quẫn, chẳng biết quyết định cuối cùng của Putin là gì? Quyết định vừa rồi của ông ta đã là khá nóng giận rồi và nó cho thấy sự chi phối của tuổi tác và thời gian còn lại. Ở thế cùng, người ta có thể làm những điều không ai dám tưởng tượng và cái gì dẫu chỉ còn 0,0000000001% đi nữa thì cũng không thể loại trừ khả năng nó xảy ra.
Thế giới sẽ được vẽ lại bởi những chính trị gia xuống cấp của thời đại như vậy ư?
Nếu nước Anh còn một người như madame Maggie Thatcher và nước Đức còn một madame Merkel khoẻ mạnh trong khi nước Pháp vẫn có thể tìm được chí ít một Francois Mitterrand, rất có khả năng hôm nay, ở Ukraine, không phải là tiếng súng mà vẫn là tiếng nhạc vang lên ở những vũ trường.
Cầu mong, cuộc đàm phán ở biên giới Belarussia đang diễn ra lúc này cho một kết quả hoà bình. Nếu không, sẽ chỉ là một tương lai thảm hại.