Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ các thành viên của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Tại cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết cách đây 5 năm, NIC chỉ mới quy tụ được 100 nhân tài công nghệ. Tuy nhiên, đến nay, mạng lưới đã mở rộng tới 2.000 người ở 8 địa điểm khắp thế giới.

Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam (thuộc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - NIC) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập với mục tiêu kết nối các chuyên gia khoa học - công nghệ Việt Nam hàng đầu trên thế giới, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Tại cuộc làm việc, các thành viên của mạng lưới đề xuất các ý tưởng, chương trình và các kế hoạch để thắt chặt quan hệ của cộng đồng trí thức tại Mỹ với Việt Nam. Ngoài ra, các thành viên cũng đưa ra các gợi ý chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, các ngành mới nổi.

Đáng chú ý, sau cuộc làm việc cùng ngày, ông Cường Đỗ - một thành viên của mạng lưới, đã nhận lời làm cố vấn chiến lược cho NIC về bán dẫn và y tế.

Ông Cường Đỗ là cựu Giám đốc Chiến lược toàn cầu của Samsung và là một những nhân vật có đóng góp không ít vào thành công của thương vụ thâu tóm Harman của Samsung, giúp tập đoàn này làm bàn đạp tiến vào thị trường sản xuất linh kiện ô tô. Ngoài ra, ông cũng là người đầu tư và sáng lập một số công ty về dược phẩm và công nghệ sinh học.

profile-khung-cua-ong-cuong-do-cuu-giam-doc-chien-luoc-toan-cau-cua-samsung-nguoi-vua-nhan-loi-lam-co-van-ve-ban-dan-va-y-te-cho-nic-viet-nam-1695581263.PNG
Ông Cường Đỗ, cựu Giám đốc Chiến lược toàn cầu của Samsung. Ảnh: Nguoiquansat

Người thúc đẩy một trong những thương vụ thâu tóm lớn nhất của tập đoàn Samsung

Ông Cường gia nhập Samsung vào năm 2015 và từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Tập đoàn Chiến lược Toàn cầu trực thuộc tập đoàn, chịu trách nhiệm hoạch định chiến lược phát triển của tập đoàn. Theo ông từng chia sẻ trên truyền thông, giai đoạn làm Giám đốc Tập đoàn chiến lược Toàn cầu của Samsung với ông là một giai đoạn vui vẻ và nhiều cảm hứng.

Tại Samsung, ông cũng là một những người thúc đẩy thành công thương vụ thâu tóm 8 tỷ USD của Samsung với Harman. Được biết, tại thời điểm đó Samsung đã không thực hiện một vụ thâu tóm nào trong suốt hơn 20 năm. Và đây cũng được đánh giá là thương vụ thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay của một công ty Hàn Quốc.

Việc thâu tóm Harman đã giúp Samsung trở thành một công ty lớn hơn trong lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô vì khoảng 50% ô tô trên thế giới sử dụng sản phẩm do Harman Kardon sản xuất.

Theo lời chia sẻ của ông, cũng trong giai đoạn này, Samsung tham gia và lĩnh vực công nghệ sinh học, sản xuất dược phẩm và chất bán dẫn. Đây đã và sẽ vẫn là những lĩnh vực mũi nhọn mà Samsung đầu tư trong những năm tới, với cam kết đầu tư lên tới 360 tỷ USD trong 5 năm.

“Và tôi tự hào vì mình đã để lại những dấu ấn cá nhân trong những quyết định mang tính chiến lược này”, ông cho biết trong một lần phỏng vấn trên Nguoiquansat.

Trước khi gia nhập Samsung, ông đã gắn bó hơn 17 năm tại Tập đoàn McKinsey & Company với vị trí là cộng sự cấp cao, giúp xây dựng các bộ quy tắc về y tế, công nghệ cao và tài chính tập đoàn cho công ty.

Sau khi rời khỏi McKinsey & Company, ông từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc chiến lược cho Lenovo (2006 – 2009), Tyco Electronics (2009 – 2011) và Merck (2011-2014).

Từ cậu bé nghèo nhập cư với 2 bàn tay trắng…

Theo chia sẻ trên truyền thông, gia đình ông đến Mỹ năm 1975, khi ông mới 9 tuổi. Thời gian đầu, tất cả thành viên trong gia đình đều phải vật lộn để kiếm sống.

“Toàn bộ tài sản của gia đình 9 thành viên của chúng tôi khi ấy là 100 USD và hai bộ quần áo”, ông cho biết. Và chiếc chìa khóa trao cho ông cơ hội thay đổi số phận đó chính là những khoản trợ cấp học phí.

Theo ông, nếu năm ấy, không được nhận nhiều học bổng cùng những khoản trợ cấp và cho vay từ đại học Darmouth, thì con đường duy nhất dành cho một cậu bé nghèo nhập cư như ông là tốt nghiệp trung học rồi sẽ kiếm một công việc lao động chân tay.

Tuy nhiên, nhờ những khoản học bổng, trợ cấp và cho vay, ông đã có cơ hội để mơ một giấc mơ lớn hơn nhiều.

Được biết, ông có bằng Cử nhân tại Đại học Dartmouth, New Hampshire, Mỹ và bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại trường Kinh doanh Tuck trực thuộc Dartmouth. 

... đến doanh nhân quyên góp hàng triệu USD cho các tổ chức giáo dục

Bên cạnh kinh doanh, ông Cường là người tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện xã hội và đã đóng góp phần lớn tài sản của mình cho các tổ chức giáo dục.

Mỗi năm, ông cùng gia đình dành 20 – 50% số tiền kiếm được để đóng góp cho xã hội.

Năm 2022, ông Cường cùng với 7 doanh nhân người Việt và gia đình cam kết hiến tặng 40 triệu USD cho Đại học Fulbright Việt Nam. Đây được xem là khoản hiến tặng tư nhân lớn nhất đến nay cho một trường đại học ở Việt Nam.

Riêng ông Cường và gia đình đã tài trợ 5 triệu USD cho Đại học Fulbright Việt Nam. Được biết, khoản hiến tặng trị giá 40 triệu USD này sẽ hỗ trợ giai đoạn 1 dự án xây dựng khuôn viên chính của Fulbright tại Khu Công nghệ Cao TP.HCM.

profile-khung-cua-ong-cuong-do-cuu-giam-doc-chien-luoc-toan-cau-cua-samsung-nguoi-vua-nhan-loi-lam-co-van-ve-ban-dan-va-y-te-cho-nic-viet-nam-1-1695582892.jpg

Ngoài ra, tại khu vực Đông Nam Á, ông cũng đã ủng hộ cho Caring for Cambodia – nơi đang tài trợ 21 trường học với 7.000 học sinh ở Campuchia trong suốt nhiều năm liền.

“Tôi thích nhìn khoản đóng góp của mình như một khoản “đầu tư”. Chúng tôi đầu tư vào những tổ chức giáo dục, vào con người và hy vọng cùng với sự phát triển của mình, tổ chức đó sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo ra thế hệ lãnh đạo của các quốc gia trong giai đoạn tới. Với tôi, đó chính là lợi nhuận”, ông Cường từng chia sẻ trên truyền thông.

Ông là người sáng lập Identifor Foundation để giúp thanh thiếu niên mắc chứng tự kỷ. Bên cạnh đó, ông cũng thành lập quỹ Profectum để giúp đào tạo bác sĩ lâm sàng và phụ huynh để dạy trẻ tự kỷ.

Ông còn là thành viên ban điều hành của tổ chức Autism Speaks, Family Services và Science Committees. Ngoài ra, ông là thành viên hội đồng quản trị của các tổ chức như: Celebrate the Children (trường dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt), Caring for Cambodia (tổ chức phi lợi nhuận xây dựng các ngôi trường kiểu mẫu ở Campuchia), Quỹ Khoa học Trẻ Quốc gia Hoa Kỳ…

Ông cũng là đồng sáng lập kiêm Chủ tịch của Callidus Biopharma, công ty công nghệ sinh học chuyên nghiên cứu các căn bệnh hiếm, được Amicus Therapeutics mua lại vào năm 2013 và Lysodel Therapeutics, một công ty phát triển sản phẩm dược đột phá dành cho bệnh nhân béo phì.