Doanh nhân Phạm Ngọc Thanh – ông chủ phía sau hệ sinh thái Taseco
Tên tuổi của doanh nhân Phạm Ngọc Thanh liền với sự phát triển của CTCP Tập đoàn Taseco (Taseco Group). Ông là nhà đồng sáng lập của Tập đoàn Taseco và đã song hành với công ty từ ngày đầu thành lập với vai trò Chủ tịch HĐQT. Hiện, ông Thanh cũng là Chủ tịch HĐQT Taseco Land, Taseco Airs và CTCP Đầu tư Khai thác Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng.
Ông Thanh tốt nghiệp Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội và đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không. Trước đó, giai đoạn từ 1998 - 1999, ông làm kế toán tại Công ty Xây dựng số 1 – TCT Xây dựng Hà Nội. Giai đoạn 1999 – 2006, ông đảm nhiệm vị trí kế toán tổng hợp tại CTCP Dịch vụ hàng không Sân bay Nội Bài. Giai đoạn 2006-2007 làm Phó Trưởng phòng Tài chính – Kế toán CTCP Dịch vụ hàng không Sân bay Nội Bài.
Về Taseco Group, công ty được thành lập năm 2005, tiền thân là CTCP Dịch vụ hàng không Thăng Long và đặt trụ sở chính tại Tầng 1, tòa nhà N02-T1, Khu Đoàn Ngoại Giao, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu của công ty bao gồm: dịch vụ phi hàng không tại các sân bay quốc tế, dịch vụ khách sạn; đầu tư kinh doanh bất động sản, hạ tầng nhà ga hàng không và đầu tư tài chính.
Taseco Group có 8 cổ đông sáng lập gồm: ông Phạm Ngọc Thanh, ông Nguyễn Minh Hải, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, ông Phạm Thanh Kỳ, ông Nguyễn Thanh Sơn, bà Nguyễn Thị Ánh, bà Lê Thị Xuân Hoa và bà Nguyễn Thị Hoàng Sa.
Sau nhiều lần tăng vốn, thời điểm tháng 12/2019, công ty ghi nhận vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Phạm Ngọc Thanh chiếm tỷ lệ 17%; ông Nguyễn Minh Hải với tỷ lệ 13,5%, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt tỷ lệ 6% và ông Nguyễn Thanh Sơn tỷ lệ 1%. Trong đó ông Minh Hải là Tổng Giám đốc của công ty.
Cập nhật tình hình kinh doanh giai đoạn gần đây, năm 2021, công ty báo lỗ 77 tỷ đồng. Tuy vậy, đến năm ngoái công ty đạt lợi nhuận sau thuế 431 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2023, công ty báo lãi 252 tỷ đồng.
Hai trụ cột trong sinh thái “khủng” của đại gia Phạm Ngọc Thanh
Từ một doanh nghiệp có quy mô nhỏ, kinh doanh dịch vụ tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Taseco Group đã có quá trình phát triển vững chắc, mở rộng về quy mô và hoạt động kinh doanh.
Đến nay Taseco đã phát triển thành một tập đoàn đa ngành với hệ sinh thái gồm 2 công ty con cấp một, 14 công ty con cấp hai và 5 công ty liên kết.
Trong đó, hai công ty con cấp một của Taseco là: CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs, mã CK: AST) hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng không và CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Với Taseco Airs, doanh nghiệp này niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2018. Taseco Airs hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ phi hàng không như: kinh doanh hàng bách hóa lưu niệm; nhà hàng, café, fastfood; phòng chờ hạng thương gia; dịch vụ quảng cáo, du lịch, viễn thông; hàng miễn thuế; sản xuất suất ăn hàng không và khách sạn.
Hiện Taseco Airs sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ sân bay lớn nhất Việt Nam với 108 cửa hàng phủ khắp các sân bay lớn.
Bên cạnh đó, AST sở hữu 27% cổ phần tại CTCP Dịch vụ Suất ăn Việt Nam (Vinacs). Vinacs hiện đang vận hành hai nhà máy cung cấp suất ăn hàng không tại sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế Cam Ranh, cung cấp suất ăn trên máy bay cho các hãng hàng không với tổng công suất thiết kế 20.000 suất ăn/ngày.
Ngoài ra, Taseco Airs còn sở hữu khách sạn À La Carte tọa lạc tại bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng.
Theo VNDirect, AST là nhà bán lẻ hàng không sân bay lớn thứ hai về doanh thu, xếp sau CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS); nhưng lớn hơn CTCP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIA) và CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS).
Cập nhật kết quả kinh doanh, năm 2022, Taseco Airs đạt mức doanh thu hợp nhất 603,6 tỷ đồng và 39,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tăng mạnh so với kế hoạch do ĐHĐCĐ 2022 phê duyệt. Theo phía công ty lý giải là bởi thị trường du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ và lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng đang trên đà phục hồi.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt trên 1.126 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 155 tỷ đồng dựa trên cơ sở từ những tín hiệu phục hồi tích cực của ngành hàng không và việc khai trương thêm các điểm kinh doanh mới.
Xem thêm: Chân dung ông lớn bất động sản có vốn điều lệ 2.700 tỷ đồng vừa trở thành công ty đại chúng
Với Taseco Land, mới đây doanh nghiệp này vừa công bố thông tin về việc trở thành công ty đại chúng và dự kiến sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2025. Nhà phát triển bất động sản này được thành lập năm 2006 với số vốn 6 tỷ đồng. Sau 7 đợt phát hành tăng vốn, hiện tại công ty có vốn điều lệ 2.700 tỷ đồng.
Về cơ cấu sở hữu hiện tại, toàn bộ cổ đông của Taseco Land là nhà đầu tư trong nước cổ đông. Trong đó cổ đông lớn nhất là Taseco Group sở hữu 72,49% vốn, các cổ đông còn lại nắm giữ 27,51% vốn.
Tại Taseco Land, ông Phạm Ngọc Thanh là đại diện 30% vốn thuộc sở hữu của Taseco Group, riêng cá nhân ông Thanh không nắm giữ cổ phần của Taseco Land. Trong khi đó, bà Đoàn Thị Phương Thảo vợ ông Thanh sở hữu 9,5 triệu cổ phiếu (3,52%), bố mẹ vợ ông Thanh sở hữu tổng cộng 1,7 triệu cổ phiếu (0,63%).
Về danh mục dự án, theo giới thiệu của Taseco Land, công ty đã triển khai thành công hàng loạt dự án bất động sản trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn của cả nước như: Tòa nhà NO2-T1, Tòa nhà NO3-T2, Tòa nhà NO1-T4, Tòa nhà NO3-T6 tại Khu Đoàn Ngoại giao, thành phố Hà Nội; Khu nhà ở thấp tầng thuộc Khu đô thị mới Nam An Khánh tại Hoài Đức, Hà Nội; Khu đô thị Dệt may tại thành phố Nam Định; Khu đô thị kết hợp Công viên Cây xanh Green Park tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; Căn hộ - Khách sạn À La Carte Oceanview Đà Nẵng tại thành phố Đà Nẵng, Khu dân cư Hải Hà tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, Khu đô thị Lương Sơn Riverview tại thị trấn Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình…
Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư và mở rộng các dự án bất động sản như: Dự án Tòa nhà Landmark 55 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây (quy mô 2,36ha, tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng); Dự án tòa nhà Thương mại dịch vụ và Căn hộ chung cư À La Carte Hạ Long (quy mô 5.125 m2, tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng); Dự án CC5A, CC2 tại Khu Đoàn Ngoại giao, quận Bắc Từ Liêm thành phố Hà Nội...