Đã bao giờ bạn rơi vào tình trạng đầu tháng mới nhận lương mà giữa tháng đã hết tiền? Bạn nghĩ mình nên mượn tiền bạn bè hay cha mẹ, hoặc kiếm việc làm thêm ngoài giờ? Liệu bạn cần bao nhiêu tiền thì mới đủ tiêu? Thực chất, bạn không cần nhiều tiền hơn để tiêu xài mà đơn giản bạn chỉ cần một cách quản lý chi tiêu phù hợp hơn.
Việc chi tiêu sao cho hợp lý và tiết kiệm đã khiến bạn không ít lần lâm vào cảnh đầu đầu. Tuy nhiên, với phương pháp Kakeibo - phương pháp quản lý chi tiêu của người Nhật sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này.
Phương pháp quản lý chi tiêu của người Nhật
Vào năm 1904, nền kinh tế Nhật Bản đang trong giai đoạn thịnh vượng, mức sống và chi tiêu của người dân được nâng cao. Để giúp những người phụ nữ quản lý chi tiêu gia đình, trang trải cho cho cuộc sống gia đình, nữ nhà báo Hani Motoko - là nữ nhà báo đầu tiên của Nhật Bản đã phát minh ra phương pháp Kakeibo.
Kakeibo (kah-keh-boh) dịch sang có nghĩa là "sổ cái tài chính gia đình" - Đây quả thực là một phương pháp đơn giản và hiệu quả giúp bạn quản lý tài chính không chỉ cho gia đình mà còn cho cá nhân bạn.
Đôi khi, có những thói quen chi tiêu xấu đã trở thành thói quen, nó bám rễ ăn sâu vào và trở thành một phần trong cuộc sống của bạn. Thực tế cho thấy, việc thay đổi những thói quen chi tiêu xấu này thật khó có thể thay đổi. May mắn thay, nhờ có phương pháp Kakeibo - phương pháp này đã được áp dụng trong suốt 116 năm qua ở Nhật, cho thấy họ đã vô cùng hiệu quả và thành công khi duy trì được lối sống tiết kiệm nhờ phương pháp này khiến cho cả thế giới phải ngưỡng mộ và học hỏi.
Mấu chốt của phương pháp này là gì?
Để bắt đầu với phương pháp Kakeibo, đơn giản bạn chỉ cần một quyển sổ và một cây bút. Điều đặc biệt làm nên sự hiệu quả của phương pháp Kakeibo, chính là không có sự hiện diện của các app, phần mềm hay bảng tính excel. Chỉ với một quyển số và một cây bút để bạn có thể ghi chép lại mọi khoản thu chi của mình, việc ghi chép sẽ giúp bạn nghiền ngẫm và quan sát được thói quen chi tiêu của mình.
Bước tiếp theo, bạn hãy bắt tay vào thực hiện chính sách tiết kiệm với 6 bước sau:
Bước 1: Vào đầu mỗi tháng, hãy xác định nguồn thu nhập của bản thân: các khoản lương chính, ngoài ra còn một số khoản thu ngoài khác như lãi tiết kiệm, chứng khoán, hoặc các công việc freelance …
Bước 2: Liệt kê các khoản chi tiêu cố định như: tiền nước, tiền nhà, tiền điện,... và đặt chúng sang 1 giỏ, gọi là giỏ A.
Bước 3: Xác định số tiền bạn muốn tiết kiệm trong tháng này. Hãy đặt riêng chúng sang một giỏ khác, gọi là giỏ B và hãy cố gắng không động đến số tiền trong giỏ này nhé!
Bước 4: Số tiền còn lại cho sang giỏ C, sau đó chia đều số tiền còn lại cho các tuần. Bạn hãy nhớ rằng, các khoản chi của giỏ tiền này cũng cần phải ghi chép đầy đủ và cẩn thận.
Bước 5: Hãy bắt đầu với cuộc sống hàng ngày của bạn. Tuy nhiên, bạn hãy luôn mang theo quyển sổ và chiếc bút của mình để ghi lại những khoản chi tiêu hàng ngày, theo 4 mục sau:
Nhu cầu thiết yếu như: thực phẩm, thuốc men, tiền xăng xe, ....
Một số nhu cầu không thiết yếu như: cafe, nhà hàng, thời trang đồ xả xỉ, ….
Nhu cầu giải trí, tinh thần như: xem phim, sách báo, du lịch, ….
Một số phát sinh ngoài dự kiến như: ma chay, đám cưới, sinh nhật, quà tặng, …..
Bước 6: Kết thúc mỗi tháng, bạn hãy dành thời gian để hạch toán lại các khoản chi tiêu trong tháng, liệu số tiền còn lại trong giỏ A và C còn bao nhiêu? Hãy xem xét lại các khoản chi tiêu và xem đâu là các khoản chi lãng phí, không cần thiết để từ đó điều chỉnh cho tháng tiếp theo.
Sau khi hạch toán các khoản chi tiêu vào cuối mỗi tháng, bạn hãy tự hỏi bạn thân mình 4 câu hỏi sau:
- Bạn đã đạt được mục tiêu tiết kiệm trong tháng này chưa?
- Bạn đã tiêu quá nhiều tiền vào các khoản mục nào?
- Bạn có thể tiết kiệm hơn bằng cách nào?
- Bạn có thể cải thiện bằng cách nào trong tháng tiếp theo?
Trả lời được 4 câu hỏi này, bạn đã hiểu và nắm rõ nền tảng, cốt lõi của phương pháp Kakeibo, bên cạnh đó, cũng giúp bạn hiểu hơn về thói quen chi tiêu của bản thân mình.
Vì vậy, hãy nhìn nhận lại và xem xét thói quen chi tiêu của bản thân mình thật nghiêm túc.
Có một số lưu ý quan trọng cho bạn trước khi bắt đầu thực hành phương pháp Kakeibo:
- Thứ nhất, đừng sử dụng máy tính hay điện thoại để ghi chép lại chi tiêu. Thay vào, bạn nên sử dụng giấy và bút, điều này giúp bạn ghi nhớ các khoản chi tiêu lâu hơn.
- Thứ hai, đừng để bản thân mình cuốn vào những đợt "đại hạ giá" của các cửa hàng lớn. Và trước khi mua bất kỳ món đồ nào thuộc "nhóm không thiết yếu", thì hãy tự hỏi mình rằng: "Liệu mình có thực sự cần nó không?
Giờ thì bắt tay vào thực hiện phương pháp quản lý chi tiêu Kakeibo thôi nào!