Thuyết minh số 45 trong Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên của CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) cho biết, vào ngày 1/8/2022, Công ty TNHH The Sherpa (Sherpa) – công ty con sở hữu gián tiếp của Masan  – đã mua tiếp 10,8 triệu cổ phần, tương đương 34% lợi ích vốn chủ sở hữu của CTCP Phúc Long Heritage (Phúc Long Heritage) với số tiền 3.617,7 tỉ đồng.

Giao dịch này khiến cho tỉ lệ lợi ích của MSN tại Phúc Long Heritage tăng từ 51% lên 85%. Mức định giá mới cho chủ chuỗi trà sữa - cà phê này lên tới 10.640 tỉ đồng (450 triệu USD).

shipper-tat-bat-giao-ca-chuc-don-hang-tra-sua-phuc-long-vao-gio-trua-1661313372.png
 

Tháng 5/2021, Masan chi 15 triệu USD (tương đương 340 tỷ đồng) lần đầu mua 20% cổ phần Phúc Long, định giá chuỗi này 75 triệu USD. Đến Tháng 10/2021, ông Nguyễn Đăng Quang được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của Phúc Long Heritage, trong khi, ông Lâm Bội Minh – nhà sáng lập Phúc Long – đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc.

Đầu năm 2022, công ty chi 110 triệu USD (tương đương 2.500 tỷ đồng) để mua thêm 31% cổ phần. Khi đó, định giá của chuỗi trà sữa là 355 triệu USD.

Giới đầu tư cho rằng, rất có thể tới đây MSN công bố gom nốt 15% còn lại và đẩy định giá của Phúc Long Heritage lên tầm cao mới.

Sau khi tăng tỷ lệ sở hữu từ 20% lên 51%, trong nửa đầu năm 2022, MSN đã thực hiện đánh giá lại khoản đầu tư vào Phúc Long Heritage và ghi nhận lãi tài chính lên đến 516 tỷ đồng, là yếu tố quan trọng giúp công ty báo lãi sau thuế luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 ở mức 3.110 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Về với Masan, tích hợp vào hệ thống siêu thị Winmart/Winmart+, trong nửa đầu năm 2022, doanh thu của chuỗi Phúc Long được MSN ghi nhận đạt 820 tỉ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, EBITDA của chuỗi đạt 117 tỉ đồng, giảm so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu là do gia tăng đầu tư vào mở rộng quy mô chuỗi kiosk và vẫn cần thời gian để tối ưu hoạt động.

Trong những năm gần đây Tập đoàn Masan đã huy động được hàng tỷ USD từ hoạt động bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây. Và như các thương vụ M&A trước, với thương vụ Phúc Long nhiều người lại nghĩ đến những 'phù thủy' tài chính ở Masan!

thuong-vu-ma-phuc-long-va-phu-thuy-tai-chinh-o-masan-1661313258.jpg
 

Có thể kể đến như ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group;ông Michael Hung Nguyen - Phó Tổng Giám đốc, Cựu Giám đốc Tài chính Tập đoàn, bà Đỗ Thị Quỳnh Trang -người có 17 năm kinh nghiệm, từng làm tại Big 4.

Ông Danny Le (sinh năm 1984), được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Masan Group từ tháng 6/2020. Trước khi gia nhập Masan, ông Danny Le từng là chuyên viên phân tích, bộ phận Ngân hàng Đầu tư tạị Morgan Stanley trong giai đoạn 2006- 2010. Khoảng thời gian này, ông Danny Le đã tham gia nhiều thương vụ M&A và các giao dịch trên thị trường vốn và tư nhân hoá cho nhiều khách hàng trên toàn cầu. 

Theo Masan, ông Danny Le là người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược tăng trưởng của Masan Group, cũng như trực tiếp tổ chức các giao dịch M&A tạo dựng Nền tảng Chiến lược của Tập đoàn.

Ông Michael Hung Nguyen phụ trách mảng tài chính và các chiến lược phân bổ nguồn vốn của Masan Group. Trên cương vị này, ông đã xây dựng nền tảng thực hiện giao dịch và hoạt động kinh doanh của Masan Group để hỗ trợ các công ty con và sự phát triển của Công ty trong các lĩnh vực mới. Ông đã tham gia từ đầu quá trình chuyển đổi Masan từ một công ty thực phẩm thành một Tập đoàn tư nhân hàng đầu qua việc huy động hơn 2 tỷ USD vốn cho công ty và lãnh đạo một số thương vụ mua bán doanh nghiệp quan trọng.

Trước khi gia nhập Masan Group, ông Michael đã hỗ trợ xây dựng nhóm thực thi ngân hàng đầu tư tại Việt Nam của J.P. Morgan và làm việc trong lĩnh vực M&A, thị trường vốn và các giao dịch tư nhân với các khách hàng tài chính, bất động sản và tiêu dùng. 

Sau khi thôi vị trí CFO, Ông Michael H. Nguyễn sẽ tiếp tục giữ chức Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan. Gia nhập Masan từ năm 2009, ông Michael H. Nguyễn từng đảm nhiệm các vị trí: Giám đốc Chiến lược và Phát triển (6 năm) và Giám đốc Tài chính (7 năm). Ông Michael H. Nguyễn sẽ phát huy kinh nghiệm của mình để tăng cường các sáng kiến chiến lược (bao gồm các mảng kinh doanh mới), các hoạt động trong thị trường vốn hóa và quan hệ nhà đầu tư. Đặc biệt, ông Michael sẽ tập trung vào các sáng kiến phục vụ quá trình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và dẫn dắt, thúc đẩy các dự án trọng điểm của Masan đáp ứng hoặc vượt trên các tiêu chuẩn quốc tế. 

Hồi cuối năm 2021, bà Đỗ Thị Quỳnh Trang được Masan bổ nhiệm làm Giám đốc Tài chính thay cho Ông Michael H. Nguyễn. Bà Trang sinh năm 1983, có trình độ Cử nhân chuyên ngành kế toán & kiểm toán - Đại học Kinh tế quốc dân. Trước khi gia nhập Masan, bà Trang có 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính kế toán và từng giữ nhiều vị trí quan trọng như CFO, Giám đốc Bộ phận Kiểm toán và Tư vấn tài chính của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp niêm yết và nhóm 4 công ty kiểm toán lớn nhất toàn cầu.

Cụ thể, tại Ernst & Young Việt Nam, bà Đỗ Thị Quỳnh Trang đã từng giữ nhiều vị trí như: Kiểm toán viên cao cấp (từ năm 2012 - 2013), Giám đốc Kiểm toán (từ năm 2010 - 2012), Trưởng nhóm kiểm toán (từ năm 2007 - 2010) và Trợ lý kiểm toán (từ năm 2005 - 2007).

Bà đã từng giữ các vị trí tại ban tài chính của Vingroup, bao gồm: Trưởng phòng Quản lý tài chính P&L (từ năm 2017 - 2018), Phó phòng kế hoạch và kiểm soát tài chính (từ năm 2014 - 2017) và Trưởng phòng hoạch định và phân tích tài chính (từ năm 2013 - 2014). Bà Trang được bổ nhiệm vị trí Trưởng ban kiểm soát Vincom Retail vào năm 2017. Khi đó, bà cũng đồng thời là Giám đốc Khối bất động sản tại ban tài chính – kế hoạch Tập đoàn Vingroup. 

Trong vai trò mới, bà Trang sẽ phụ trách phát triển chiến lược và quản lý hoạt động của Bộ phận Kế toán Tài chính thuộc Tập đoàn.