Bộ Tài chính sẽ sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát doanh thu và hoạt động mua bán trên sàn thương mại điện tử.
Ngày 5/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Tại phiên họp, sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Đổi mới cách thức phân bổ dự toán ngân sách chi đầu tư, chi thường xuyên
Phó Thủ tướng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội đối với việc thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Thứ nhất về các ý kiến liên quan đến việc chi đầu tư và chi thường xuyên, chưa phân bổ hết dự toán, giải ngân chậm, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng đây là vấn đề thực tiễn hiện nay, đòi hỏi việc phân bổ dự toán ngân sách trong thời gian tới cũng như về bố trí kế hoạch chi đầu tư phát triển và các vấn đề liên quan phải được đổi mới cả về hình thức và cách thức thực hiện.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc phân bổ ngân sách phải có đầy đủ các thủ tục thì mới có thể thực hiện được. Như với đầu tư công, khi chưa có dự án được phê duyệt thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa thể tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội phân bổ.
Tượng tự, chi thường xuyên cũng như vậy, để phân bổ phải có dự toán và đơn giá định mức được duyệt. Khi lập dự toán vào tháng 9, tháng 10 thì các bộ, ngành chưa lập được dự đoán chính xác, chỉ ước tính căn cứ vào đầu việc. Sau đó, khi có con số chính xác thì phải trình qua Chính phủ, Quốc hội.
Đơn cử như với phân bổ chi thường xuyên cho khoa học công nghệ, Quốc hội quy định là 2% tổng chi ngân sách nhưng các năm qua chỉ chi được hơn 1%. Nguyên nhân bởi dù dự toán là 2% nhưng khi thực hiện phải có đơn giá, định mức được phê duyệt, do các bộ, ngành phụ trách thực hiện.
Tuy nhiên, sau khi tập hợp từ các bộ, ngành thì thường không đủ theo mức này. Sau khi tập hợp cũng phải báo cáo Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội… do đó thường sẽ chậm.
Về giải pháp khắc phục, Phó Thủ tướng cho biết, Thường trực Chính phủ đã họp về vấn đề này, sắp tới sẽ có sự đổi mới về vấn đề phân bổ, cũng như chi thường xuyên và chi đầu tư. Ví dụ như, trong chi thường xuyên, sau khi Quốc hội phê chuẩn sẽ giao một lần cho các đơn vị (các tỉnh và các bộ ngành). Trên cơ sở đó, các đơn vị sẽ phân bổ ngân sách theo quy định. Sau đó, Bộ Tài chính làm nhiệm vụ kiểm tra lại việc thực hiện.
Triệt để tiết kiệm chi
Về tiết kiệm chi, Phó Thủ tướng nêu rõ thực chất tiết kiệm chi thường xuyên chủ yếu ở phần chi sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp đô thị, mua sắm, công tác phí, hội nghị, tiếp khách… Còn tiền lương và các khoản phụ cấp từ lương thì gần như không tiết kiệm được.
Phó Thủ tướng cho biết, việc chi thường xuyên cho trả tiền lương đã chiếm tới 45%, còn lại 65% là các khoản chi khác.
Trong chi thường xuyên, chi cho tiền lương chiếm phần lớn, còn lại các khoản chi khác ngay đầu kì khi giao dự toán đã cắt giảm 10%. Sau đó lại giảm tiếp 5% và tới đây lại giảm tiếp 5%. Như vậy, tổng mức tiết kiệm đã đạt tới 20%.
Trong khi đó, từ đầu nhiệm kỳ, chúng ta đã nhiều lần tăng lương nhưng định mức chi là không thay đổi. Vì vậy, việc chi thường xuyên đã là hết sức tiết kiệm, Phó Thủ tướng khẳng định.
Để giảm chi thường xuyên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, đơn vị giảm công tác phí, chi tiêu ở các hội nghị, hội thảo, tiếp khách. Trong năm nay, Chính phủ cũng đã trình là cả nước giảm tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ chi thường xuyên.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo tiết kiệm chi trong đầu tư công. Trước đây, trong những năm 2009-2011, Chính phủ đã thực hiện việc này, đến nay, việc này được tái khởi động lại, cụ thể là tiết kiệm từ định mức dự toán đến định mức thi công, tiết kiệm trong bảo quản, thi công, vận chuyển... Vấn đề này sẽ được đưa vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu.
Thứ ba, về một số vướng mắc trong chi đầu tư công, chi thường xuyên,… Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay có một số vướng mắc như thiếu đất để san lấp, do theo quy định thì đất là khoáng sản, nên phải thực hiện theo quy trình chung đối với khoáng sản.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần sửa đổi quy định cho phù hợp, hoặc nếu vẫn giữ quan điểm cũ thì cần quy định cấp đất, cấp mỏ cho các nhà thầu thi công tuyến đường chỉ để xây dựng tuyến đường, cấm bán ra ngoài, đóng mỏ ngay sau khi hoàn tất công việc thi công. Chính phủ sẽ trình cấp có thẩm quyền để quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định này.
Thủ tục thu tiền sử dụng đất không phức tạp
Về thu tiền sử dụng đất, trong phiên thảo luận, có ý kiến cho rằng việc thủ tục thu tiền sử dụng đất chậm trễ do thủ tục phức tạp. Giải trình vấn đề này, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, thủ tục thu tiền sử dụng đất không phức tạp.
Thông thường, khi có giá đất thì căn cứ thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tính toán được tiền sử dụng đất ở là bao nhiêu, tiền thuê đất là bao nhiêu, sau đó cơ quan thuế thông báo cho người nộp thuế, người nộp thuế nộp vào kho bạc.
Phó Thủ tướng nêu rõ, việc chậm thu tiền sử dụng đất là do xác định giá đất tiến hành chậm. Khi chưa có giá đất thì cơ quan thuế chưa thể phát hóa đơn thu tiền sử dụng đất. Do đó, khâu xác định giá đất đang là mấu chốt vấn đề.
Về nợ tiền sử dụng đất, Phó Thủ tướng cho biết trên phạm vi cả nước, số nợ tiền sử dụng đất "chiếm 45% tổng nợ thuế của cả nước". Đây là nợ khó đòi, tiền phạt chậm nộp nhiều gấp nhiều lần nợ gốc. Vấn đề này cần được quan tâm giải quyết, tháo gỡ.
Về tự chủ tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, có các mức độ tự chủ khác nhau như: Tự chủ một phần; tự chủ thường xuyên, tự chủ toàn diện.
Vừa qua, một số đơn vị tự chủ toàn diện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K đã xin quay trở lại thực hiện tự chủ một phần, Chính phủ đã đồng tình. Đây là những bệnh viện tuyến cuối, phục vụ công tác thăm khám, chữa trị, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, nên cần có sự hỗ trợ.
Đối với việc quản lý các loại tài sản trong đơn vị sự nghiệp công lập, Luật Quản lý sử dụng tài sản công sửa đổi đã có quy định cụ thể, cởi mở, cho phép liên doanh, liên kết, cho phép cho thuê, nhưng không được làm mất tài sản của nhà nước.
Quản lý an toàn Quỹ Bảo hiểm xã hội
Về ý kiến liên quan đến Quỹ BHXH dư hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Phó Thủ tướng cho biết đây là số dư trên số sách dùng để trả lương hằng tháng cho người hưu trí. Số dư này không nằm trên tài khoản tiền gửi.
Cụ thể, số dư này đã được đầu tư vào trái phiếu chính phủ 80%; còn 20% gửi ở các ngân hàng thương mại (chủ yếu là các ngân hàng thương mại của nhà nước để tránh rủi ro).
Các quốc gia khác cũng quản lý tương tự như vậy, số dư của quỹ bảo hiểm xã hội cũng đầu tư vào trái phiếu chính phủ là phần nhiều. Điều này vừa có lợi cho Chính phủ vừa đảm bảo an toàn cho bảo hiểm xã hội.
Về quỹ ngân sách gửi ngân hàng, Phó Thủ tướng nêu rõ, "đây chỉ là khoản gửi tạm thời", bởi đã có dự chi rồi nhưng chưa giải ngân được, chưa chi tiêu được. Chẳng hạn như chương trình mục tiêu quốc gia chưa chi tiêu được thì tạm thời gửi vào ngân hàng, khi nào có khối lượng, có thủ tục thì sẽ rút ra để thanh toán.
Miễn giảm gần 800 tỷ thuế, phí; vượt thu ngân sách gần 1 triệu tỷ đồng
Về vấn đề thu ngân sách, Phó Thủ tướng cho biết: 4 năm qua chúng ta đã thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa mở rộng, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời tăng chi ngân sách để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Cụ thể, trong 4 năm qua Quốc hội và Chính phủ cũng đã thực hiện miễn, giảm nhiều loại thuế, phí với tổng số tiền lên đến gần 800 nghìn tỷ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Về thu ngân sách, 4 năm qua đã vượt thu ngân sách gần 1 triệu tỷ đồng để đầu tư làm đường giao thông, sân bay, bến cảng, chi an sinh xã hội, đầu tư kết cấu hạ tầng…
Để có kết quả này, ngành thuế và ngành hải quan đã có sự đổi mới, thay đổi toàn diện phương thức thu, chuyển từ thu thủ công sang thu điện tử với một loạt giải pháp đồng bộ, hiệu quả như: Phát hành hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu tính tiền, yêu cầu xuất hóa đơn qua từng lần tính tiền, thu từ hoạt động của các sàn thương mại điện tử trong nước, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới,....
Về sàn thương mại điện tử, hiện nay Bộ Tài chính đã triển khai thu thuế của sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đối với 102 nhà cung cấp của nước ngoài như Facebook, Google… Tổng số thuế đã nộp đến nay là 18.600 tỷ đồng. Đồng thời cũng triển khai thu thuế đối với các sàn thương mại điện tử trong nước.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết: Tuần sau Bộ Tài chính sẽ ra mắt công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát doanh thu và mua bán trên sàn thương mại điện tử.
--------------------------
--
Nguồn: Trần Mạnh/Thông tin Chính phủ
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Sẽ sử dụng công cụ AI để kiểm soát sàn thương mại điện tử (chinhphu.vn)