photo1604657891847-16046578920331039382259-1627991118.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: PG Bank)

Petrolimex bán 120 triệu cổ phiếu PGB trong quý III

Trong báo cáo mới công bố, Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – Mã: PLX)  đang thực hiện các thủ tục cần thiết để thoái 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% cổ phần của PG Bank trong quý III. 

Theo SSI Reseach, mặc dù chưa được tiết lộ nhưng nhiều khả năng giá thoái vốn sẽ không thấp hơn thị giá của PGB hiện tại. Giá giao dịch bình quân trong 30 ngày qua là 20.700 đồng/cổ phiếu, cao hơn 53% so với giá trị sổ sách của PGB vào cuối tháng 6. Điều này có thể mang lại khoản lợi nhuận bất thường hơn 800 tỷ đồng cho Petrolimex nếu sử dụng giá tham chiếu này là giá thoái vốn.

Trong một diễn liên quan, Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường của PG Bank mới đây đã quyết định khóa tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 2% nhằm phục vụ quá trình chào bán cổ phần của Petrolimex.

Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2021 diễn ra vào ngày 26/4, Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh cho biết tập đoàn đang thuê các công ty tư vấn chuyên nghiệp để tư vấn thẩm định và tư vấn chào bán trên 40% vốn của Petrolimex tại PG Bank. Tại thời điểm đó, Petrolimex đã xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước và chủ sở hữu là Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

‘’Hiện, Petrolimex đã hoàn tất hợp đồng tư vấn thẩm định giá. Các công việc tiếp theo sẽ được cập nhật đến cổ đông. Dự kiến trong năm 2021, Petrolimex sẽ hoàn tất thoái vốn tại PG Bank’’, ông Thanh khẳng định.

Vào cuối quý II, Petrolimex sở hữu 40,57% vốn tại PG Bank và là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này. Tại ngày 30/6/2021, giá trị khoản đầu tư vào PG Bank theo phương pháp vốn chủ sở hữu là 1.623 tỷ đồng.

Trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của PG Bank, ông Trần Ngọc Năm, thành viên HĐQT, đại diện sở hữu vốn của Petrolimex từng cho biết, đến ngày 31/8/2020, nếu PG Bank và HDBank không thực hiện sáp nhập, Petrolimex sẽ thoái toàn bộ vốn tại PG Bank.

"Qui định nhà nước bắt chúng tôi phải thoái thoái vốn, thậm chí chúng tôi phải thoái toàn bộ vốn tại PG Bank chứ không phải chỉ xuống 15% nếu không được Thủ tướng chấp thuận", ông Năm chia sẻ tại đại hội .

Đến tháng 3/2021, cổ đông PG Bank đã quyết định dừng giao dịch sáp nhập vào HDBank sau nhiều năm "đắp chiếu" gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh ngân hàng.

PG Bank sẽ về tay ai?

Đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ thông tin nào về những đối tác mà Petrolimex muốn chuyển nhượng 120 triệu cổ phiếu PGB. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là Petrolimex sẽ không thể bán số cổ cổ phiếu trên theo phương thức khớp lệnh trên sàn do khối lượng bán ra quá lớn so khả năng hấp thụ của thị trường (khoảng 100.000 cp/phiên) trong khi vẫn phải đảm bảo giá bán đã cam kết với cổ đông.

Một phương án mà Petrolimex có thể tính tới là chuyển nhượng cổ phần cho các cổ đông hiện hữu của PG Bank.

Theo thông tin được PG Bank công bố, tại thời điểm ngày 26/10/2020, ngân hàng ghi nhận gồm 53 cổ đông tổ chức với tỷ lệ sở hữu là 67,37%, riêng Petrolimex hơn 40%. Tỷ lệ này đã cô đặc hơn rất nhiều khi biên bản cuộc họp ĐHCĐ bất thường diễn ra vào ngày 21/7 cho biết chỉ 10 cổ đông tham dự đã đại diện cho 94% cổ phần có quyền biểu quyết.

z2659131043620-1e8b8dcbc6c02578124ce2cbd3820e23-1-1627992488.jpg
Nguồn: Bản công bố thông tin của PG Bank

Mặt khác, những diễn biến mới liên quan đến bộ máy nhân sự cấp cao của PG Bank gần đây lại làm dấy lên nghi vấn về sự gia tăng hiện diện của nhóm cổ đông MSB tại nhà băng này.

Vào cuối năm 2020, Hội đồng quản trị PG Bank đã quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Phi Hùng làm Quyền Tổng Giám đốc PG Bank thay ông Nguyễn Tiến Dũng từ ngày 2/11/2020. Tiếp đó, ông Hùng đã chính thức trở thành CEO của ngân hàng và được bầu làm Thành viên HĐQT trong đại hội bất thường vừa qua.

Trước khi gia nhập PG Bank, ông Hùng từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Công nghệ và vận hành, rồi sau này được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối vận hành của MSB. Ngoài ra, ngày chính thức bị bãi nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc tại MSB (2/11/2020) cũng là ngày đầu tiên ông Hùng nhận chức tại PG Bank.

Trước ông Hùng, ông Hoàng Xuân Hiệp - một nhân sự cao cấp từng làm việc tại MSB cũng gia nhập và được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc PG Bank, phụ trách điều hành và xử lí các công việc của Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ.

Theo giới thiệu của PG Bank, ông Hiệp từng đảm nhiệm nhiều cương vị cấp cao tại MSB trước đó, như Phó Tổng Giám đốc; Tổng Giám đốc công ty quản lý và Khai thác tài sản MSB.

Liên tiếp hai nhân sự từng làm việc ở MSB, được bổ nhiệm giữ các vị trí quan trọng tại PG Bank có thể chỉ là trùng hợp. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này tạo ra nghi vấn về khả năng nhóm cổ đông MSB đang gia tăng ảnh hưởng tại PG Bank khi thương vụ sáp nhập vào HDBank không thể diễn ra như dự kiến.

Bên cạnh đó, MSB cũng phải là đối tác xa lạ với PG Bank khi đến cuối năm 2018, ngân hàng vẫn là cổ đông lớn, sở hữu 9,98% vốn tại đây. Trong năm 2019, lãnh đạo MSB tuyên bố đã bán số cổ phiếu này với giá 13.000 đồng/cp, nhưng đến nay vẫn chưa rõ bên nào mua vào.